Mẹo hay
Từ hôm đấy, từ đầu làng đến cuối chợ, đâu đâu cũng có tiếng xì xào '... quái lạ nhỉ, mất tiền làm cái bãi chứa rác lại cấm đổ rác...'; '... tôi cũng góp tiền, tôi cứ mang ra đấy đổ... xem ai làm gì nào'; 'cấm vô lý thế mà cũng cấm... đã thế càng cấm tôi càng đổ'...
Nguồn: Internet.
Ông Xía là bác họ tôi. Tính ông dí dỏm mà sâu sắc, chuyện lớn nhỏ gì qua ông cũng được thêm pha chút gia vị tiếu lâm. Chẳng thế mà từ chuyện vợ chồng cãi nhau đến chuyện hiến đất làm đường, làng xã cũng đều nhờ đến ông cả.
Hôm nọ tôi sang nhà hầu rượu ông, lúc đã ngà ngà thì bác gái mang lên một bát canh rau khoai, nói hai bác cháu húp cho mát ruột. Uống rượu mà được bát canh rau khoai, với dân quê mà nói, là cực phẩm rồi. Cầm bát canh tôi đưa, ông chưa vội ăn, chờ bác gái đi khuất mới cúi người nói nhỏ với tôi:
- Phải nếm thử đã, dạo này bà ấy hay quá tay lắm.
- Quả thật hơi mặn, nhưng vẫn ngon bác ạ... Mời bác, cháu dùng trước nhé.
- Từ từ, để tao chọc bà ấy tí! - Nói rồi ông gọi với - Bà Xía ơi, ra tôi nhờ tí.
Bác gái từ trong nhà ra, vừa đi vừa càm ràm vui:
- Tôi nói cho hai bác cháu nhà ông nhé, không thêm chén nào nữa đâu, hết rượu rồi, cơm canh ăn đi cho nóng.
- Thì chúng tôi có uống nữa đâu, tính ăn bát canh, mà canh bà nấu nhạt quá, hình như quên bỏ muối... Mọi hôm bà nấu vừa miệng lắm cơ!.
Bác gái chống nạnh nói rành rọt:
- Có mà miệng ông nhạt ấy, rõ ràng tôi bỏ cả thìa muối to...
- Đấy... mày thấy chưa... - Ông quay sang tôi rồi lại quay về phía bác gái cười hề hề - ... bảo sao canh mặn thế!.
Bác gái biết mình bị hố, phát mạnh vào vai bác trai một cái rồi hậm hực bỏ vào trong nhà, không quên nói dỗi:
- Từ mai thì ông tự vào bếp mà nấu nhé. Rõ là... ăn mày còn đòi xôi gấc.
Tôi chẳng biết bác gái ví von có đúng không, vì còn bận ôm bụng cười theo bác trai.
Lại hôm sang nhà tôi ăn cơm, lúc vợ tôi xới cơm mời ông, ông nháy mắt với tôi rồi hạ giọng nói:
- Xới bác lưng bát thôi, có chút cơm vậy còn phần mấy đứa con nít. Chúng nó đang tuổi ăn.
Vợ tôi tròn mắt cười rồi nghiêng nồi cơm đầy tú hụ nói rõ oách:
- Bác cứ mời thật nhiều đi ạ, cơm gạo giờ còn nhà ai thiếu đâu. Biết bác sang, cháu đong tận ba bơ đầy đấy ạ, đây bác nhìn, cả một nồi đầy...
- Đấy, đấy... - ông vỗ vai tôi, hai bác cháu cười nghiêng ngả - ý mày là bác ăn nhiều lắm đúng không? Nấu chừng đấy cơm, có phải chiều nay lại phải ăn cơm nguội không. Thậm chí ăn không hết, lại lãng phí cho gà cho vịt...
Vợ tôi đỏ mặt, lúng búng trong miệng mãi mà không biết phân bua kiểu gì.
Dông dài vậy, để biết tại sao bác trưởng làng phải sang tận nhà gặp bác tôi để nhờ ông “tham mưu” làm sao để bà con tự giác mang rác ra đổ ở bãi tập kết. Ở xã tôi, làng nào cũng quy hoạch một bãi tập kết rác, nhưng rác vẫn vương vãi khắp nơi, từ vệ đường, gốc cây, chân cột điện, thậm chí có những túi rác được vứt ngay bên rìa tường bãi tập kết.
Chỉ thấy xong câu chuyện, bác tôi thì cứ cười khà khà, còn mặt bác trưởng làng thì có vẻ đăm chiêu lắm. Bác tôi còn nhắc với:
- Nhớ là ai thua mất bữa lòng lợn đấy...
Mấy hôm sau, ở bãi tập kết rác cắm một cái biển to đùng “CẤM ĐỔ RÁC”.
Từ hôm đấy, từ đầu làng đến cuối chợ, đâu đâu cũng có tiếng xì xào “... quái lạ nhỉ, mất tiền làm cái bãi chứa rác lại cấm đổ rác...”; “... tôi cũng góp tiền, tôi cứ mang ra đấy đổ... xem ai làm gì nào”; “cấm vô lý thế mà cũng cấm... đã thế càng cấm tôi càng đổ”... Có người thì đến gặp trực tiếp bác trưởng làng để hỏi, nhưng bác cứ ậm ừ đánh trống lảng rồi tủm tỉm cười.
Thế rồi, những túi rác dọc vệ đường, gốc cây, chân cột điện bỗng ùn ùn đổ về bãi tập kết. Đêm khuya còn có người chở cả túi rác to đến “đổ trộm” vào bãi tập kết.
Chừng tuần sau, bác trưởng làng phải mang đĩa lòng với chai rượu sang “nộp phạt” bác tôi.
- Việc... khó thế mà ông cũng nghĩ ra được. Chịu thua ông một chén - Lần này thì bác trường làng cũng cười khà khà như bác tôi.
- Tôi học mót từ mấy chuyện “Cấm đái bậy”, “Cấm đổ rác”, “Cấm dẫm chân lên cỏ”, “Cấm dùng điện thoại”, “Cấm hút thuốc”,... trên thành phố đấy ông ạ! - Bác tôi cạn chén rồi khà một tiếng khoái trá.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/meo-hay/28265.htm