Mèo Vạc thay đổi tư duy sản xuất vụ Đông

Miền đá Mèo Vạc thiếu nước trầm trọng vào mùa Đông nên những năm trước, việc sản xuất trong mùa khô hạn gặp nhiều khó khăn, ít được người dân quan tâm. Sau một thời gian dài kiên trì truyên truyền, vận động đã giúp người nông dân từng bước thay đổi tư duy, hình thành thói quen sản xuất cây vụ Đông, góp phần nâng cao thu nhập.

Người dân thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn chăm sóc cây trồng vụ Đông.

Người dân thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn chăm sóc cây trồng vụ Đông.

Những năm trước, người dân Mèo Vạc chỉ trồng duy nhất một vụ ngô, lúa phục vụ đời sống và chăn nuôi; nhiều diện tích nương rẫy, ruộng đồng bỏ hoang. Nhằm giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trồng cây vụ Đông. Đồng chí Hồng Mí Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc, cho biết: Bắt đầu từ năm 2012, huyện chú trọng mở rộng diện tích, quyết tâm đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng và thâm canh các loại cây vụ Đông cho người dân; bước đầu quy hoạch vùng và xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Từ đó, tạo phong trào thi đua sản xuất trên địa bàn các xã, thị trấn, dần tạo ra sản lượng hàng hóa, góp phần đáp ứng nhu cầu rau, củ tại chỗ của huyện và tăng thu nhập cho nông dân. Người dân thay đổi nhận thức, các hộ chủ động lựa chọn cây trồng phù hợp theo mùa và có giá trị kinh tế cao để gieo trồng.

Năm nay, toàn huyện Mèo Vạc trồng trên 2.000 ha cây vụ Đông, chủ yếu là cây Khoai lang và rau, đậu các loại. Niêm Sơn là một trong những xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây vụ Đông. Tận dụng lợi thế, bà con trong xã đã mở rộng diện tích, trồng trên 130 ha cây vụ Đông, vừa phục vụ đời sống sinh hoạt, vừa bán ra thị trường và cung ứng cho các đơn vị trường học. Đặc biệt, xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau sạch với trên 20 thành viên tham gia. Những thửa ruộng không chủ động nước tưới, bỏ hoang trước đây nay được thay thế bằng màu xanh mơn mởn của hành, bắp cải, su hào, súp lơ… Anh Hoàng Thế Diện, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau sạch xã Niêm Sơn cho biết: Từ việc tự học hỏi cùng với hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên việc trồng, chăm sóc rau được thực hiện theo quy trình kỹ thuật, năng suất tăng cao hơn so với những vụ trước, đời sống các gia đình từng bước được cải thiện.

Không chỉ các xã, thị trấn, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc cũng đẩy mạnh trồng rau vụ Đông, góp phần cung cấp thêm rau xanh cho bữa ăn của học sinh. Mặc dù diện tích đất không nhiều, nhưng cán bộ, giáo viên các cấp học xã Pải Lủng tận dụng những chỗ trống để trồng rau; đầu tư kinh phí lắp đặt nhà lưới, hạn chế thiệt hại do sương muối, giá rét. Do số học sinh đông, đòi hỏi nguồn thực phẩm hàng ngày lớn nên ngoài nhiệm vụ giảng dạy, các thầy, cô giáo xã Pải Lủng tranh thủ ngoài giờ làm việc hoặc ngày nghỉ để trồng, chăm sóc rau. Cô giáo Trương Thị Lưu, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng, cho biết: “Các loại rau được trồng gối nhau nên thường xuyên bổ sung thêm rau xanh trong bữa ăn của học sinh. Việc trồng rau không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn mà còn góp phần tạo cảnh quan, nâng cao hiểu biết cho học sinh về trồng, chăm sóc rau xanh; giúp các em biết yêu quý thiên nhiên, gắn kết với nhau trong những giờ ngoại khóa”.

Mặc dù sản xuất vụ Đông ở Mèo Vạc có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; thiếu nước tưới, sương muối, giá rét kéo dài; nhất là những ngày vừa qua, nền nhiệt trên địa bàn huyện duy trì ở mức thấp, băng giá bao phủ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây vụ Đông. Mặt khác, tập quán sản xuất nhỏ lẻ ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên khó khăn trong việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật; giá giống, phân bón cao; người dân thiếu đầu tư thâm canh hoặc thâm canh mức độ thấp; phòng trừ sâu bệnh chưa đúng kỹ thuật nên năng suất và sản lượng thấp... Khắc phục tình trạng đó, địa phương tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh, kết hợp đưa các loại giống mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; phát huy tiềm năng thế mạnh, quy hoạch và nhân rộng diện tích cây trồng vụ Đông; hướng dẫn nhân dân ủ cây xanh làm phân hữu cơ nhằm giảm tình trạng lạm dụng phân bón hóa học…

Có thể khẳng định, sản xuất vụ Đông ở Mèo Vạc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp nhiều gia đình tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đó là cơ sở để địa phương tiếp tục đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giúp người dân có cuộc sống ấm no.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202102/meo-vac-thay-doi-tu-duy-san-xuat-vu-dong-771667/