Cần nỗ lực lớn

Tính đến hết ngày 30/9/2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.339 tỷ đồng, bằng 80% dự toán Trung ương giao, bằng 57,3% dự toán UBND tỉnh giao tại Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 12/12/2023, bằng 143,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nội địa đạt 6.120 tỷ đồng, bằng 79% dự toán Trung ương giao, bằng 61,1% dự toán tỉnh giao, bằng 144,7% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 919 tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán Trung ương giao, bằng 39,9% dự toán tỉnh giao, bằng 136,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến nay tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên nhiều yếu tố khó khăn, thậm chí là thách thức để hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Trước hết, tiến độ triển khai các dự án công nghiệp chậm, đặc biệt là các dự án khai khoáng và thủy điện do vướng mắc về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý về đất đai. Hoạt động xuất - nhập khẩu chưa tạo nhiều đột phá, còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa kết nối doanh nghiệp và các ngành hàng tốt, chi phí logistics còn cao, cửa khẩu số mới ở bước đầu, chưa liên thông toàn diện.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên khó khăn về vốn, thị trường, sức cạnh tranh thấp; một số doanh nghiệp mặc dù có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhưng chưa trực tiếp khai thuế trên địa bàn tỉnh Lào Cai (mà kê khai trên địa bàn có trụ sở chính), hoặc doanh nghiệp xuất - nhập khẩu có sản phẩm xuất khẩu đang thực hiện khai báo thủ tục hải quan ngoài địa bàn tỉnh dẫn đến phân tán nguồn thu của tỉnh.

Các chính sách, văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về ưu đãi, miễn giảm, gia hạn nộp thuế kéo dài sang năm 2024 làm giảm thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tiến độ đấu giá đất còn chậm và chịu ảnh hưởng chung bởi thị trường bất động sản cả nước. Một số dự án, quỹ đất thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; một số dự án, quỹ đất phải rà soát, thực hiện điều chỉnh quy hoạch (chủ yếu thuộc thẩm quyền cấp huyện); công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Nhu cầu bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư rất lớn trong khi nguồn lực của địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu năm 2024 do ảnh hưởng hạn hán, lượng mưa thấp tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất thủy điện. Vì vậy, số thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp thủy điện giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tác động hoàn lưu bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề đến đời sống và sản xuất, dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước lên tới 180 tỷ đồng. Trong đó, giảm thu ngân sách nhà nước đối với các thủy điện khoảng 50 tỷ đồng; giảm 60 tỷ đồng đối với khai thác, sản xuất quặng đồng; lượng khách du lịch giảm 40% dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 10 tỷ đồng. Các đơn vị khác (du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú, xây dựng...) bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, nhiều khách du lịch hủy đặt tour; nhiều cơ sở du lịch phải đóng cửa để khắc phục hậu quả không đón được khách; các công trình xây dựng chậm tiến độ thi công theo kế hoạch khiến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 30 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chi phí tổn thất do thiên tai, bão lũ, chi hỗ trợ thiên tai nếu đáp ứng về các khoản chi được trừ theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì đơn vị được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sẽ làm giảm thu thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 30 tỷ đồng. Mặt khác, ngân sách địa phương phải ưu tiên để khắc phục hậu quả do thiên tai sẽ làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, qua đó ảnh hưởng đến nguồn thu của tỉnh.

Do vậy, để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, theo ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính, cần phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao. Theo đó, Sở Tài chính đẩy mạnh việc thực hiện đấu giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Rà soát các quỹ đất, trụ sở cũ của các cơ quan, trình UBND tỉnh bổ sung quỹ đất vào kế hoạch khai thác năm 2024. Thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, cắt giảm thêm 5% dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội.

Cơ quan thuế tăng cường, rà soát chống thất thu ngân sách nhà nước trên một số lĩnh vực; đồng thời rà soát việc lập bộ sổ thuế đối với hộ kinh doanh tại từng địa bàn, đảm bảo 100% người nộp thuế có hoạt động sản xuất, kinh doanh được đưa vào quản lý… phấn đấu đạt và vượt dự toán tỉnh giao 7.200 tỷ đồng.

Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý công tác thu đảm bảo theo dự toán tỉnh đã giao. Trong đó, tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tăng tỷ trọng thu từ thuế phí và thu khác trong tổng thu nội địa. Nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, đặc biệt là các nguồn thu ổn định, có tính bền vững. Tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, coi đây là nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách; ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và chính sách an sinh, xã hội.

Vũ Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/can-no-luc-lon-post392238.html