Mệt mỏi vì xung đột, 'rộng cửa' cho ngoại giao?

Ngày mai, 17/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng các Thủ tướng Hy Lạp, Italy và Bỉ sẽ đến Ai Cập để cung cấp hỗ trợ kinh tế, đồng thời nỗ lực củng cố liên minh chống lại hệ quả từ các vấn đề khu vực.

Bất kỳ sự bất ổn nào ở Ai Cập sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khu vực. (Nguồn: AP)

Bất kỳ sự bất ổn nào ở Ai Cập sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khu vực. (Nguồn: AP)

Giao tranh ở Dải Gaza, nội chiến ở Sudan, sụt giảm doanh thu từ kênh đào Suez và ngành du lịch cùng với các vấn đề khác đã và đang đặt ra những rủi ro nghiêm trọng đối với chính phủ của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Liên minh châu Âu (EU).

Bất kỳ sự bất ổn nào ở Ai Cập sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khu vực, bao gồm làn sóng người tị nạn. Hiện quốc gia Bắc Phi này đã tiếp nhận gần 500.000 người tị nạn từ Sudan.

Thực trạng người Palestine rời Dải Gaza sẽ tạo ra thêm áp lực cho chính phủ Ai Cập và làm gia tăng số lượng người tị nạn đang hướng về châu Âu. Điều này lý giải tại sao người châu Âu muốn tránh tình hình tồi tệ nhất ở Ai Cập và ký kết thỏa thuận về quản lý người tị nạn và người nhập cư, tương tự thỏa thuận đã ký kết với Tunisia và Mauritania.

Hy Lạp sẽ phải đối mặt với thách thức trước mắt khi số lượng người từ Ai Cập đến tăng đột ngột. Trong ba tháng qua, khoảng 1.500 người, đa số là thanh niên, đã đến các đảo Gavdos và Crete, vượt quá tổng số trong năm 2023. Điều đó có nghĩa là người dân không thể sinh sống lâu dài trong các điều kiện ở đất nước kim tự tháp.

Tình hình dự báo sẽ trở nên khó khăn hơn đối với người tị nạn và người nhập cư. EU kỳ vọng vào việc cung cấp 7,4 tỷ Euro (dưới dạng viện trợ và cho vay đến cuối năm 2027) để hỗ trợ chính phủ trong việc giải quyết hậu quả của các vấn đề khu vực.

Tuy nhiên, tài chính và cam kết mới chỉ là một phần của giải pháp. Điều này đòi hỏi sự tham gia ngoại giao và quân sự mạnh mẽ từ phía EU để ngăn chặn tình hình leo thang ở Dải Gaza và Biển Đỏ. Dựa vào kết quả trên, những nỗ lực của EU cho đến nay vẫn chưa đủ.

Mối quan hệ nồng ấm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã tăng cường sức ảnh hưởng của Ankara tại Cairo và Libya, đồng thời gây ra sự phức tạp trong quan hệ giữa Hy Lạp và Ai Cập. Tuy nhiên, sự tham gia trực tiếp của EU tại Ai Cập đã mang lại trọng lượng chính trị cho Hy Lạp - một điều vô cùng quý giá.

Cũng trong ngày 17/3, ông David Barnea, Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad của Israel tiếp tục thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Gaza với Thủ tướng Qatar và các quan chức Ai Cập tại Doha, Qatar.

Dự kiến các bên sẽ trao đổi về những bất đồng còn tồn tại giữa Israel và Hamas trong các cuộc đàm phán ngừng bắn, bao gồm số lượng tù nhân Palestine có thể được thả để đổi lấy những con tin Israel còn đang bị Hamas giam giữ cũng như việc viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.

(theo Ekathimerini)

Xuân Tùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/met-moi-vi-xung-dot-rong-cua-cho-ngoai-giao-264445.html