Metro Bến Thành - Suối Tiên và hành trình 17 năm cho ngày vận hành
Để chạm đến giấc mơ metro, TP.HCM đã trải qua 17 năm với không ít khó khăn, vướng mắc… Trong bối cảnh nguồn lực, công nghệ, kỹ thuật còn chưa đáp ứng song với tinh thần vượt khó, metro số 1 đã được hiện thực hóa và chính thức vận hành vào ngày 22-12.
Báo Pháp Luật TP.HCM xin mời bạn đọc cùng nhìn lại hành trình 17 năm hình thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trước ngày vận hành thương mại chính thức để hiểu rõ hơn về quá trình đưa metro đến với người dân TP.HCM.
TP.HCM 17 năm hiện thực hóa giấc mơ metro
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM vào ngày 20-12, ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết Hội đồng kiểm tra nhà nước đã nghiệm thu dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để chuẩn bị đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Sau khi lắng nghe các báo cáo, tất cả thành viên hội đồng đều đồng ý nghiệm thu công trình và đưa vào vận hành. Ông Bằng thông tin tính đến ngày 20-12, tuyến metro số 1 cơ bản hoàn thành các thủ tục, sẵn sàng vận hành chính thức phục vụ người dân.
Để đến được cái “gật đầu” cuối cùng của cơ quan chức năng nhằm đưa tuyến metro số 1 chính thức vận hành thương mại, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM đã trải qua chặng đường dài đầy chông gai với 17 năm từ lúc được khởi động, đội vốn gấp ba lần so với kế hoạch ban đầu và tổng cộng năm lần lùi thời gian vận hành thương mại.
Từ những năm 2000, TP.HCM đã xác định tập trung vào lĩnh vực giao thông cộng cộng, vào thời điểm đó, TP kỳ vọng khởi công xây dựng một tuyến metro vào năm 2005 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào trước năm 2010, tức chỉ xây dựng trong vòng năm năm. Đến tháng 1-2006, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Chợ Nhỏ.
Đến tháng 10-2006, Thủ tướng chấp thuận kéo dài tuyến đường sắt từ Chợ Nhỏ đến Suối Tiên thành dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tên gọi chính thức hiện nay. Đây là dự án do Nhật Bản nghiên cứu và cam kết tài trợ vốn.
Một năm sau, tháng 4-2007, tuyến metro số 1 chính thức được khởi động, TP.HCM phê duyệt dự án với tổng kinh phí dự kiến 17.387 tỉ đồng dựa trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế của Bộ GTVT.
Nhưng chỉ sau hai năm, đến năm 2009, đơn vị tư vấn dự án là NJPT của Nhật Bản đã cập nhật, tính toán lại, nâng tổng mức đầu tư lên khoảng 47.325 tỉ đồng. Từ việc điều chỉnh vốn đầu tư tăng cao gấp ba lần đã khiến tiến độ thực hiện của tuyến metro số 1 bị đe dọa, dẫn đến phải mất ba năm, đến tháng 8-2012, dự án mới chính thức được khởi công xây dựng.
Sau khi duyệt vốn đầu tư lên hơn 47.000 tỉ đồng, trên cơ sở đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành kéo dài đến năm 2020.
Tất cả thành viên Hội đồng kiểm tra nhà nước tham dự họp đều thống nhất đồng ý với kết quả nghiệm thu. Đây là nội dung cuối cùng để đảm bảo điều kiện tuyến metro số 1 vận hành thương mại vào ngày 22-12.
Xuyên suốt trong giai đoạn 2016-2019, tuyến metro số 1 liên tục vấp phải nhiều trở ngại về thủ tục, nguồn vốn, nhân sự điều hành, mâu thuẫn… khiến việc đưa vào khai thác vận hành tuyến dự kiến lùi tới quý IV-2021, thay vì năm 2020 như kế hoạch trước đó, đánh dấu lần lùi tiến độ thứ hai.
Vào năm 2018, là giai đoạn gian truân của tuyến metro số 1 với sự cố như điều chỉnh thiết kế tường vây hầm metro (gói thầu CP1a) từ 2 m xuống 1,5 m. Đến ngày 13-11-2019, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 43.757 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý IV-2021, đánh dấu lần điều chỉnh vốn thứ hai, lần lùi tiến độ thứ ba.
Năm 2020, tuyến metro số 1 gặp khó trong quá trình thi công, phải tạm gián đoạn nhiều công tác do dịch COVID-19. Đến đầu năm 2021, tuyến metro số 1 vẫn chưa thể hoàn thành mà tiếp tục dời đến quý IV-2022.
Tháng 10-2022, tuyến metro số 1 lại lùi tiến độ một năm đến cuối quý IV-2023 (lần điều chỉnh thời gian thứ tư). Vào tháng 6-2024, TP.HCM tiếp tục kiến nghị phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công và đưa dự án vào vận hành thương mại vào quý IV-2024 (lần điều chỉnh thời gian thứ năm).
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km, từ Bến Thành, quận 1 đến depot Long Bình, TP Thủ Đức. Ngoài ba ga ngầm, còn 11 ga trên cao gồm Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới.
Công tác vận hành, bảo dưỡng sẵn sàng
Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với các công trình, anh Hà Như Kiên là một kỹ sư xây dựng bén duyên với tuyến metro số 1 xuất phát từ đam mê với giao thông. Trải qua nhiều vòng thi tuyển, phỏng vấn, tháng 10-2023, anh Kiên chính thức trở thành nhân viên của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1. Qua một năm đào tạo, anh được làm việc ở Xí nghiệp bảo dưỡng, góp sức mình vào sự phát triển của metro.
Nhóm anh Kiên gồm 12 người, chia làm hai nhóm gồm nhóm kiểm tra ray và đội thi công sửa ray. Mỗi ngày, trước khi vào ca sẽ tổ chức họp ngắn, phổ biến công việc, phân chia trang thiết bị và chia lý trình làm việc. Thời gian làm việc chia làm hai ca, ca ngày bắt đầu từ 7 giờ đến 17 giờ, ca đêm (khi tàu vận hành chính thức) bắt đầu từ 0 giờ đến 5 giờ.
Từ đó đến nay, chưa lúc nào anh Kiên thôi cảm thấy tự hào vì được đứng trong hàng ngũ người lao động làm nên tuyến metro số 1. “Chính vì vậy, tôi luôn tâm huyết, trăn trở làm sao để làm tốt nhất công tác bảo dưỡng được giao, đảm bảo hoạt động an toàn cho tuyến đường sắt đô thị này” - anh Kiên nói.
Anh Lê Văn Long, đội trưởng đội tiện ích nhà ga thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, cho biết đội tiện ích nhà ga có 10 nhân viên, chia làm ba khu vực hoạt động (depot Long Bình, ga Ba Son và ga Tân Cảng).
Đối với khoảng thời gian trước ngày 22-12, công việc chính của đội là kiểm tra hệ thống PCCC, hệ thống điều hòa không khí, bơm cấp nước, thang máy, thang cuốn, báo cháy… những hệ thống chính thuộc tiện ích nhà ga. Khi metro vận hành chính thức, đội tiện ích nhà ga sẽ chia làm ba ca, bốn kíp để đảm bảo 24/24 giờ có người túc trực, đảm bảo công tác bảo trì, bảo dưỡng liên tục để tàu metro số 1 hoạt động ổn định.
Chia sẻ về những khó khăn trước ngày tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, anh Long xúc động: “Khoảng thời gian đầu tôi cảm thấy áp lực trước sự kỳ vọng của người dân TP.HCM nói riêng và người dân cả nước nói chung vào tuyến metro này. Dù gặp nhiều khó khăn về công tác quản lý vận hành, bảo trì, tiếp cận công nghệ mới, công tác chuyển giao gặp nhiều trở lại nhưng đội ngũ nhân viên metro luôn nỗ lực học hỏi, nghiên cứu để phục vụ tốt nhất cho tuyến metro đầu tiên của TP”.
“Tôi cảm thấy rất hào hứng khi sắp chứng kiến thành quả sau thời gian dài nỗ lực, tự hào vì may mắn được là một phần nhỏ tạo nên bức tranh hoàn mỹ cho một dự án lớn, mang tính lịch sử của TP, giúp nâng cao hệ thống giao thông công cộng. Cảm xúc này không chỉ là niềm vui cá nhân mà còn phản ánh niềm tin vào sự phát triển của TP.HCM nhưng đồng thời cũng phải thận trọng để không xảy ra bất kỳ sai sót nào” - anh Lưu Cao Huy, đội trưởng đội đầu máy toa xe, chia sẻ thêm.
Ông PHAN CÔNG BẰNG, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR):
Vui và tự hào vì mảnh ghép cuối cùng của tuyến metro số 1 đã hoàn thiện
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM phải đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thương mại trong năm 2024, MAUR cũng đã cam kết và phát động đợt thi đua cao điểm 50 ngày đêm nỗ lực đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành vào ngày 22-12.
Với cam kết và quyết tâm cao độ đó, tập thể viên chức, người lao động của MAUR và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đã cùng với các sở, ban ngành của TP, các bộ, ngành liên quan nỗ lực hoàn thành tất cả thủ tục về PCCC, đánh giá an toàn hệ thống, cấp phép môi trường, nghiệm thu, bàn giao để đến hôm nay đủ điều kiện họp Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình.
Kết quả, tất cả thành viên hội đồng tham dự họp đều thống nhất đồng ý với kết quả nghiệm thu. Đây là nội dung cuối cùng để đảm bảo điều kiện vận hành thương mại vào ngày 22-12, tôi rất vui và tự hào vì đây là nỗ lực cống hiến của không chỉ MAUR mà còn của cả hệ thống chính trị để đạt được kết quả như hôm nay.
Tuyến metro số 1 vận hành vào ngày 22-12 đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đây là một cột mốc vô cùng ý nghĩa. Bên cạnh đó, tuyến metro số 1 được xem là tuyến metro khởi đầu, làm tiền đề cho sự phát triển của hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM trong tương lai theo đề án phát triển đường sắt đô thị theo Kết luận 49-KL/BCT của Bộ Chính trị, mở ra một kỷ nguyên mới, một bức tranh giao thông hiện đại.
Trong không khí hân hoan, háo hức, mong chờ nhiều năm của người dân TP.HCM, vào ngày 22-12, khi tuyến metro số 1 chính thức lăn bánh sẽ từng bước hiện thực hóa giấc mơ metro, thỏa lòng mong ước của người dân TP, đó là niềm tự hào to lớn của những người góp sức làm nên tuyến metro số 1 và là động lực để những tập thể, cá nhân liên quan nỗ lực cống hiến cho các tuyến metro tiếp theo.
MAUR cũng trân trọng cảm ơn nhiều hộ dân đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn trong quá trình triển khai dự án như bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng, đã phải ngừng kinh doanh... để TP có được tuyến metro đầu tiên.
Ông Vũ Đức Hiệp, Giám đốc Xí nghiệp bảo dưỡng (thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1), cho biết công tác bảo dưỡng trước ngày vận hành thương mại là một phần không thể thiếu trong quá trình đảm bảo tuyến metro số 1 hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.
“Mục đích chính của công tác bảo dưỡng là kiểm tra và chuẩn bị các hạng mục kỹ thuật để đảm bảo mọi hệ thống đều hoạt động tốt, hạn chế tối thiểu sự cố trong quá trình vận hành. Vai trò của công tác này rất quan trọng vì nó giúp tối ưu hóa tuổi thọ của các thiết bị, hệ thống, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành chính thức” - ông Hiệp chia sẻ.
“Đối với mỗi cá nhân trong đội ngũ nhân viên của Xí nghiệp bảo dưỡng, việc được tham gia dự án tuyến metro số 1 là một niềm vinh dự lớn lao, mọi người đều cảm thấy hứng khởi, tâm huyết và sẵn sàng nỗ lực hết mình để đảm bảo tuyến metro hoạt động hiệu quả, mang lại những giá trị thiết thực cho người dân TP” - ông Hiệp tự hào.
Về sự chuẩn bị của Xí nghiệp bảo dưỡng trước ngày lịch sử 22-12 của tuyến metro số 1, ông Hiệp cam kết các nhân viên trong đội ngũ của Xí nghiệp bảo dưỡng đã được đào tạo bài bản và chuyển giao công nghệ từ nhà thầu, nắm vững nguyên lý vận hành, quy trình bảo trì và các kiến thức chuyên môn cần thiết.
“Bên cạnh đó, đội ngũ này đã tham gia công tác bảo trì thực tế cũng với nhà thầu để đảm bảo mọi nhân viên đều tự tin và sẵn sàng khi tuyến metro số 1 vận hành chính thức” - ông Hiệp đúc kết.•
Họ đã nói
TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:
Bước tiến mới, tạo động lực cho các tuyến metro tiếp theo
Việc tuyến metro số 1 vận hành chính thức là một cột mốc quan trọng của TP.HCM, đánh dấu một bước tiến mới, tạo động lực cho các tuyến metro tiếp theo. Metro phải nhìn từ nhiều năm, nhìn từ dài hạn, nhìn từ tính kết nối hạ tầng chung, giải pháp của nó trong bức tranh tổng thể của TP và còn câu chuyện liên quan đến thói quen sử dụng giao thông công cộng của người dân…
Chúng ta cần có những bài học thực tế đúc kết từ hành trình của tuyến metro số 1, nhất là trong bối cảnh tuyến metro số 1 vận hành chính thức và TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung triển khai các tuyến metro tiếp theo, gần nhất là tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tuyến metro số 2 dùng ngân sách nhà nước là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam không thể huy động vốn ODA vì đã nằm trong nhóm nước đang phát triển. Thay vào đó, TP có thể chủ động tìm nguồn vốn bằng mô hình TOD, có nghĩa là dùng tài sản công, dùng đất đai của các tuyến metro để đấu giá, thu hồi vốn và dùng đó làm ngân sách để đầu tư.
Bên cạnh đó, việc TP.HCM muốn hoàn thành 355 km metro vào năm 2035 và 510 km vào năm 2045 là một đề án táo bạo mang tính mục tiêu, định hướng.
Bản chất đầu tư các tuyến metro là đang tập trung vào giao thông đô thị, soi chiếu lại vào TP.HCM, “siêu đề án” metro cần phải có sự tham gia nghiên cứu, phản biện thêm. TP.HCM quyết tâm làm các tuyến metro là một tín hiệu tốt song phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể, bài bản. Dù có Nghị quyết 98 nhưng cách tiếp cận nguồn lực được TP xác định như mô hình TOD, hợp đồng BT, phát hành trái phiếu… dự kiến sẽ gặp nhiều trở ngại.
Hành lang pháp lý và cơ chế quản lý, hay tóm lại là quản lý nhà nước khi triển khai các dự án metro cần được trao quyền, phân quyền mạnh mẽ hơn để có cách thúc đẩy dự án triển khai nhanh hơn, giám sát đơn giản hơn, phán quyết nhanh hơn… là những chìa khóa về cơ chế để mở nhiều cánh cửa, đưa TP.HCM đạt được mục tiêu như mong đợi.
TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:
Cột mốc lịch sử của giao thông TP.HCM
Việc tuyến metro số 1 chính thức vận hành thương mại là một cột mốc đáng ghi nhận, song song với niềm tự hào, hân hoan thì đây là sự kiện mang tính lịch sử của giao thông TP.
Ngoài vấn đề vận hành metro, TP cũng nên nghiên cứu, tập hợp tư liệu trong quá trình triển khai, tìm nguyên nhân vướng mắc trong từng khâu trước đó về tuyến metro số 1, từng vấn đề, từ đó rút ra bài học từ tuyến này để làm các tuyến metro sau tốt hơn, trơn tru hơn.
Do tuyến metro số 1 chỉ là một hướng giao thông công cộng trên địa bàn nên tác động trên toàn TP chưa nhiều, tuy nhiên khi ngành GTVT tổ chức được hệ thống xe buýt và bãi giữ xe tốt thì tình trạng giao thông qua khu vực TP Thủ Đức sẽ được cải thiện đáng kể.
Về “siêu đề án” đường sắt đô thị của TP.HCM, TP.HCM có quyết tâm rồi thì mấu chốt sẽ là giải pháp nguồn lực. Đây là bài toán phức tạp, để giải quyết mấu chốt nằm ở năng lực của bộ máy nhà nước, năng lực này phải thật vượt trội vì trở lực rất lớn, kể cả phải bứt phá những dây trói của cơ chế.
Ông KHƯƠNG VĂN MƯỜI, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM:
Tầm nhìn giao thông công cộng mới mẻ
Việc đưa tuyến metro số 1 vận hành vào ngày 22-12, cùng với đó là công tác chuẩn bị chu đáo về mọi mặt như bãi giữ xe, các tuyến xe buýt kết nối, miễn phí vé… là công tác quan trọng thể hiện tầm nhìn toàn diện của TP.HCM trước một giải pháp giao thông công cộng mới mẻ.
Mặc dù không thể phủ nhận quá trình triển khai tuyến metro số 1 có những khó khăn nhất định song khó tránh khỏi vì đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, nhiều vấn đề còn hạn chế.
Vượt qua mọi khó khăn, TP.HCM đã từng bước tìm cách khắc phục, gỡ từng nút thắt cho dự án và đây sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu cho những người trong cuộc để áp dụng vào các tuyến metro tiếp theo.
Trong tương lai, TP.HCM đang quyết liệt triển khai một mạng lưới đường sắt đô thị phủ khắp địa bàn, điều này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo TP trong lĩnh vực giao thông đô thị. Song để hiện thực hóa đề án này phải có những bước đi, bước tính toán kỹ càng, phải có nguồn lực đủ mạnh, trong đó việc khai thác giá trị quỹ đất (TOD) phải song hành thì mới giảm áp lực tài chính, áp lực vận chuyển.
Trong bối cảnh tuyến metro số 1 khi đưa vào vận hành chỉ tác động đến một vùng, từ điểm A đến điểm B nên rất cần TP phải hoàn chỉnh một bức tranh tổng thể cho hệ thống metro, khi các tuyến kết nối liền mạch với nhau thì mới phát huy tối đa tiềm lực, tính hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn này.
Chị NGUYỄN NGỌC KHÁNH BĂNG (TP Thủ Đức):
Mong mỏi trải nghiệm chính thức metro
Trong suốt những năm đi học, tôi luôn mong mỏi được trải nghiệm tuyến metro hiện đại, đầu tiên của TP. Sau nhiều năm chờ đợi, được tin metro sắp vận hành, tôi rất háo hức, mong chờ đến ngày được trải nghiệm chính thức.
Từ đây, tôi có thể đi metro, di chuyển từ TP Thủ Đức đến quận 1 chưa đến 20 phút, tránh kẹt xe, nắng nóng mà còn tiết kiệm chi phí. Tôi hy vọng TP.HCM có thêm nhiều tuyến metro như thế để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Bà VĂN THỊ THÚY (TP Thủ Đức):
Niềm tự hào của người dân TP.HCM
Tuyến metro số 1 vận hành là niềm đợi chờ của người dân toàn TP.HCM. Tôi đã chờ đợi suốt nhiều năm, từ những ngày đầu dự án khởi công đến nay. Tôi đã trải nghiệm thử tuyến metro số 1 vào ngày 18-12 và rất xúc động vì metro chạy rất êm, rất nhanh, mát mẻ, không phụ lòng chờ đợi của người dân.
Có thể nói tuyến metro số 1 là niềm tự hào của người dân TP, hy vọng từ đây sẽ tạo động lực cho những tuyến metro tiếp theo hiện đại hơn.