Mĩ cảm cộng đồng đã thay đổi
Đã có phàn nàn rằng, giá trị nguyên gốc của cồng chiêng Tây Nguyên đang bị 'xâm thực' nghiêm trọng bởi những yếu tố văn hóa ngoại sinh. Một số ý kiến khác thì hồ hỡi trước sự nới rộng phạm vi không gian khi cồng chiêng Tây Nguyên đã tự tin hòa âm với các nhạc cụ ngoài cộng đồng người bản địa Tây Nguyên để nâng cấp độ mở cộng hưởng.
Tỏ rõ sự lo ngại trước việc cồng chiêng Tây Nguyên ra khỏi “vòng cấm” không gian thiêng, ông Nguyễn Đình Thịnh - giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Cồng chiêng Tây Nguyên chỉ nên cất lời trong không gian thiêng - không gian rừng - nơi cộng đồng người bản địa Tây Nguyên thực hành các nghi lễ vòng đời: đời người, đời cây, đời chiêng... Nếu vượt thoát khỏi “vòng cấm” không gian thiêng ấy, cồng chiêng Tây Nguyên sẽ không còn là cồng chiêng Tây Nguyên nữa”. Ông Nguyễn Đình Thịnh bộc bạch thêm: “Chúng ta không thể thương mại hóa cồng chiêng Tây Nguyên, không được đưa nó ra khỏi không gian thiêng, không được phép sử dụng cồng chiêng Tây Nguyên như những khí cụ nghệ thuật thuần túy. Chúng ta phải bảo tồn nó đúng nguyên dạng đặc trưng như UNESCO trước đây đã nhấn mạnh, đó là không gian diễn xướng - không gian thiêng, đặt cạnh hiệu quả âm nhạc”.
Một nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa - Nghệ thuật - Thể thao và Du lịch Việt Nam, quả quyết: “Chiêng phô âm, chiêng sai âm đang là vấn nạn ở Bắc Tây Nguyên”. Theo nhà nghiên cứu này, cồng chiêng Tây Nguyên là khí cụ định âm. Mỗi chiếc chiêng cồng đảm nhận một cao độ, khi hợp tấu với những chiếc chiêng cồng khác trong giàn chiêng cồng sẽ tạo ra bản hòa âm riêng. Nói cách khác, mỗi chiếc chiêng cồng trong giàn chiêng cồng đóng vai trò như một phím đàn, mỗi “phím đàn” sẽ được định biên một cao độ. Nếu một trong các “phím đàn” đó bị sai về cao độ, âm thanh tạo ra sẽ méo mó, âm nhạc cồng chiêng cũng theo đấy mà bị lệch giọng. Nghệ nhân K’Ly ở tỉnh Gia Lai thừa nhận: “Thỉnh thoảng vẫn có những chiếc chiêng cồng bị lạc âm. Tuy nhiên, Tây Nguyên không thiếu những nghệ nhân có đủ tài năng để “lập lại trật tự âm thanh” cho những chiếc chiêng cồng bị sai âm”.
Nghệ nhân K’Ly cho rằng, chiêng bị phô âm, chiêng bị lạc âm không phải là vấn đề của cồng chiêng Tây Nguyên, kể cả cái gọi là không gian thiêng cũng vậy! Nay, cồng chiêng Tây Nguyên không còn bó hẹp trong không gian thiêng. Nó đã đến với bạn bè thế giới trong tư cách là một loại hình âm nhạc độc đáo của người bản địa Tây Nguyên. Việc cồng chiêng Tây Nguyên xuất hiện trên sân khấu, hiện diện trong hội diễn văn nghệ, có mặt tại những tụ điểm du lịch... đã phần nào cho thấy sức lan tỏa của nó trong cộng đồng. Đấy cũng là cách người bản địa Tây Nguyên - chủ nhân của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, đưa cồng chiêng Tây Nguyên sống giữa đời sống cộng đồng.
Nghệ nhân K’Brèm ở tỉnh Lâm Đồng bày tỏ: “Phần đa những người phê phán gay gắt chuyện chủ nhân của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đem cồng chiêng đi biểu diễn ở ngoài không gian thiêng đều khá cứng nhắc trong quan niệm về bảo tồn. Như quan niệm của những người này thì cần phải “đóng băng” cồng chiêng Tây Nguyên trong không gian thiêng để vừa bảo tồn nguyên dạng hiệu quả âm nhạc lẫn không gian thiêng. Trên thực tế thì đời sống đã thay đổi, cồng chiêng Tây Nguyên buộc phải thay đổi để phản ánh một thực tại mới - nói tiếng nói mới của cộng đồng người bản địa Tây Nguyên. Mĩ cảm cộng đồng đã thay đổi, cồng chiêng Tây Nguyên cần phải có những sáng tạo mới, mở rộng biên độ định âm để đánh những tác phẩm âm nhạc lớn của thế giới”. Nghệ nhân K’Brèm nói thêm: “Đừng để cồng chiêng Tây Nguyên “chết” vì quan niệm bảo tồn nguyên dạng!”.
PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy ở Viện Văn hóa - Nghệ thuật - Thể thao và Du lịch Việt Nam, tâm sự: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ những ý kiến ở trên để tham mưu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sao cho phù hợp với đời sống hôm nay”.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/mi-cam-cong-dong-da-thay-doi-381295.html