Miền Bắc đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà để giảm áp lực nguồn cung
Trước nguy cơ thiếu điện do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, các tỉnh miền Bắc đang khuyến khích hộ gia đình và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện và góp phần giảm tải cho lưới điện quốc gia. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào nguồn năng lượng sạch này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Điện mặt trời mái nhà - giải pháp tối ưu trong bối cảnh thiếu điện
Thời gian gần đây, miền Bắc liên tục ghi nhận nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, đặc biệt trong những tháng nắng nóng cao điểm. Trong khi đó, sản lượng thủy điện giảm sút do thời tiết khô hạn, còn hệ thống truyền tải và nhiệt điện vẫn đối mặt nhiều thách thức. Trước thực trạng này, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã chủ động kêu gọi người dân, doanh nghiệp triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tự cung cấp nguồn điện, đồng thời giảm bớt áp lực lên hệ thống chung.

Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư để chủ động nguồn điện
Theo số liệu từ EVNNPC, đến nay toàn miền Bắc đã có gần 700 MWp điện mặt trời mái nhà được lắp đặt và đưa vào vận hành. Một số địa phương như Yên Bái, Thanh Hóa đạt kết quả khả quan. Cụ thể, tại Thanh Hóa, hơn 600 khách hàng đã tham gia lắp đặt với tổng công suất gần 66 MWp. Tỉnh Yên Bái cũng ghi nhận 73 hệ thống đã hoạt động ổn định, sản lượng phát lên lưới đạt khoảng 300.000 kWh.
Nhiều hộ gia đình và cơ sở kinh doanh cho biết, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp giảm từ 20% đến 60% chi phí tiền điện hàng tháng, đồng thời đảm bảo nguồn điện ổn định vào những giờ cao điểm.

Ông Oun Kaowsiri, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Crystal Martin
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn cũng coi đây là giải pháp dài hạn để tiết kiệm chi phí và thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Ông Oun Kaowsiri, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Crystal Martin (doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũ), chia sẻ: “Crystal Martin Việt Nam hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi rất thịnh vượng trong vài năm tới và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục đầu tư vào điện mặt trời mái nhà. Như tôi đã đề cập, trong vòng ba đến bốn năm tới, hệ thống điện năng lượng mặt trời sẽ có thể đáp ứng khoảng 40% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy. Và điều đó sẽ giúp chúng tôi giảm chi phí hoạt động kinh doanh cũng như đạt được mục tiêu của Crystal Group và Crystal Martin là giảm 35% CO₂ vào năm 2030.”
Triển vọng phát triển năng lượng xanh tại miền Bắc
Việc phát triển điện mặt trời mái nhà không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho hộ gia đình và doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với những điều chỉnh chính sách kịp thời, mô hình này được kỳ vọng sẽ lan tỏa mạnh mẽ, trở thành xu hướng phổ biến tại miền Bắc trong thời gian tới.

Tỉnh Bắc Giang cũ là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh, mô hình này không chỉ được nhân rộng trong dân cư mà còn ghi dấu ấn trong các khu công nghiệp với quy mô đầu tư lớn và hiệu quả vượt trội.
Tại số 35, ngõ 113, đường Cao Kỳ Vân (Bắc Giang cũ), mái nhà rộng hơn 100 m² của gia đình chị Trần Thu Thùy đã được phủ kín các tấm pin quang năng. Chị đầu tư hệ thống này nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng điện thường xuyên trong nhà - vốn có trẻ nhỏ, lại sử dụng điều hòa và thang máy liên tục.
Với chi phí khoảng 200 triệu đồng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 18 kWp, kèm theo bộ lưu trữ (BESS) dung lượng 16,1 kWh, chị Thùy cho biết, hóa đơn điện hàng tháng của gia đình đã giảm mạnh từ 5 - 6 triệu đồng xuống chỉ còn 600 - 800 nghìn đồng. Không chỉ giúp tối ưu hiệu suất và giảm phụ thuộc vào điện lưới, hệ thống này còn mang lại những giá trị cộng đồng.
Chị Thùy chia sẻ: "Những ngày mất điện, hàng xóm sang nhà tôi xem phim, ngồi điều hòa, thậm chí mang cả nồi cơm sang cắm".
Điện mặt trời mái nhà đang mở ra một hướng đi mới cho bài toán an ninh năng lượng tại miền Bắc. Tuy nhiên, để tận dụng hết tiềm năng, cần sớm tháo gỡ các rào cản về quy hoạch, cơ chế mua bán điện và đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện. Khi đó, không chỉ hộ gia đình, mà cả doanh nghiệp và cộng đồng sẽ được hưởng lợi từ nguồn năng lượng sạch, góp phần xây dựng hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định và phát triển bền vững.