Tổng thống Trump thực sự muốn gì từ các thỏa thuận thương mại mới?
Tổng thống Trump dùng thuế quan để phục hồi sản xuất, tăng thu ngân sách và gây áp lực đàm phán – nhưng liệu có thể đạt mọi mục tiêu cùng lúc mà không đánh đổi?

Trong cuộc họp báo tại Washington, D.C., ngày 7/7/2025, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt công bố bức thư của Tổng thống Donald Trump gửi tới Tổng thống Hàn Quốc, trong đó thông báo mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gấp rút hoàn tất các thỏa thuận thương mại trước một thời hạn tự đặt ra, khi thuế quan sẽ tăng đối với hàng chục quốc gia trên khắp thế giới. Trong nhiệm kỳ của ông Trump, tin tức về thuế quan đã trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau những động thái dồn dập này, liệu mục tiêu thực sự của lãnh đạo Mỹ là gì, và liệu những công cụ kinh tế này có thể thực sự đạt được tất cả những tham vọng đó?
4 trụ cột trong chính sách thuế quan
Tổng thống Trump thường coi thuế quan như một loại "thuốc chữa bách bệnh" – một công cụ kinh tế tổng hợp có khả năng đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc. Có thể khái quát thành bốn trụ cột chính trong chính sách thuế quan của ông:
Thứ nhất, khôi phục năng lực sản xuất của nước Mỹ: Đây là một trong những mục tiêu được nhắc đến thường xuyên nhất. Ông Trump tin rằng việc áp thuế lên hàng hóa nước ngoài sẽ khuyến khích các công ty đưa nhà máy và việc làm trở lại Mỹ. Ông đã nhiều lần cảnh báo: "Nếu bạn không sản xuất sản phẩm của mình tại Mỹ, … dưới chính quyền Trump, bạn sẽ phải trả thuế quan và trong một số trường hợp, mức thuế khá cao".
Thứ hai, tăng doanh thu tại Mỹ: Ông Trump từng ước tính thuế quan có thể mang lại hàng nghìn tỷ USD doanh thu hàng năm, thậm chí đủ để cắt giảm thuế thu nhập cho người dân Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng đây là một nguồn thu khổng lồ có thể giúp giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách.
Thứ ba, cân bằng cán cân thương mại: Với quan điểm rằng các quốc gia khác đang "lừa đảo" người Mỹ bằng các rào cản thương mại cao, chính quyền Trump mong muốn thu hẹp thâm hụt thương mại. Ông đã đưa ra mức thuế quan "có đi có lại" được tính toán dựa trên mức độ thâm hụt thương mại với từng quốc gia.
Thứ tư, gây sức ép buộc các nước khác phải thiết lập các chính sách có lợi cho Mỹ: Thuế quan được sử dụng như một "cây gậy" để ép buộc các quốc gia phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp thuận các yêu cầu của Mỹ. Các bức thư mới đây gửi tới Nhật Bản và Hàn Quốc, thông báo về mức thuế 25% có hiệu lực từ ngày 1/8, cũng được xem là một chiến thuật gây áp lực để đạt được thỏa thuận.
Những "chiến thắng" ban đầu và thực tế mâu thuẫn
Trong những tháng đầu nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã đạt được một số "thành công" ban đầu. Một số công ty lớn như Apple (tuyên bố đầu tư 500 tỷ USD vào sản xuất tại Mỹ), GE Appliances (chuyển nhà máy sản xuất máy giặt từ Trung Quốc sang Mỹ với nửa tỷ USD) và General Motors (chi 4 tỷ USD để tăng sản lượng tại Mỹ) đã công bố các khoản đầu tư lớn vào sản xuất trong nước. Doanh thu thuế quan cũng ghi nhận mức hàng chục tỷ USD mỗi tháng, với Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã thu được khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng trong vài tháng qua. Thâm hụt thương mại của Mỹ cũng đã giảm khoảng một nửa, từ khoảng 130 tỷ USD xuống còn khoảng 60 tỷ USD vào tháng 5 năm nay, chủ yếu do mức thuế 145% áp lên Canada, tạo ra lệnh phong tỏa hiệu quả đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo rằng những dấu hiệu thành công ban đầu này có thể chỉ là "cú sốc ban đầu đối với hệ thống". Nhiều quyết định đầu tư sản xuất tại Mỹ đã được đưa ra trước hoặc độc lập với chính sách thuế quan của chính quyền Trump. Hơn nữa, việc tìm kiếm lao động sản xuất lành nghề tại Mỹ rất khó khăn, với 414.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất không có người làm vào tháng 5/2025. Chi phí lao động cao tại Mỹ cũng là một trở ngại, khiến các chuyên gia ước tính chi phí của một chiếc iPhone sẽ tăng vọt lên hơn 3.000 USD nếu sản xuất tại đây.
Đáng báo động hơn, việc làm trong ngành sản xuất không hề bùng nổ. Sau khi tăng 9.000 việc làm trong hai tháng đầu nhiệm kỳ, con số này đã giảm 7.000 việc làm trong mỗi hai tháng qua, khiến số lượng việc làm trong ngành sản xuất hiện thấp hơn so với khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Ngoài ra, nếu thuế quan là một công cụ gây áp lực, chúng phải được dỡ bỏ khi các quốc gia nhượng bộ, điều này lại đi ngược lại mục tiêu tăng doanh thu thuế quan và khôi phục cán cân thương mại. Nếu mục tiêu là thúc đẩy sản xuất trong nước, thì việc các công ty chuyển sản xuất về Mỹ đồng nghĩa với việc họ sẽ không phải trả thuế, làm giảm nguồn thu từ thuế quan.
Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, chỉ ra rằng để thuế quan có thể thay thế hoàn toàn thuế thu nhập liên bang (khoảng 3 nghìn tỷ USD mỗi năm), mức thuế quan sẽ cần phải đạt ít nhất 100% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc nhu cầu sẽ giảm khi giá tăng, con số thực tế có thể lên tới 200%. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với mức mà chính quyền Trump đang đe dọa áp dụng cho một số quốc gia.
Thêm vào đó, việc giảm thâm hụt thương mại thông qua thuế quan có thể không bền vững. Các nhà kinh tế cho rằng thâm hụt thương mại không phải lúc nào cũng là dấu hiệu xấu, mà có thể phản ánh một nền kinh tế mạnh. Hơn nữa, nhiều sản phẩm không thể được trồng hoặc sản xuất tại Mỹ một cách hiệu quả, và việc giảm khoảng cách thương mại có thể là dấu hiệu cho thấy sức mua của Mỹ đang suy yếu.