Miễn dịch cộng đồng với Covid-19 có còn tồn tại?

Tiêm phòng giúp giảm nguy cơ người mắc truyền virus sang trường hợp khác. Song các nghiên cứu đã cho thấy điều này không phải 100% và việc lây nhiễm vẫn xảy ra.

Vào ngày này năm 2021, vaccine Covid-19 xuất hiện, mang theo sự lạc quan của cả thế giới về cái gọi là miễn dịch cộng đồng khi ít nhất 80% dân số toàn cầu được tiêm chủng.

Hàng triệu người xếp hàng ngày đêm để được tiêm vaccine. Bên cạnh số ca mắc mới, nhập viện hay tử vong, chúng ta dõi theo con số mới. Đó chính là tỷ lệ phần trăm người dân được tiêm chủng. Chúng ta tin rằng con số này là cơ hội tốt nhất để đánh bại virus.

Mỹ, Anh, các nước châu Âu hay hàng loạt quốc gia khác đặt kỳ vọng vào miễn dịch cộng đồng. Khi đó, chúng ta cho rằng nếu bất kỳ ai bị nhiễm bệnh, xung quanh họ sẽ là những người đã được miễn dịch nhờ tiêm chủng, virus sẽ không còn nơi nào để đi. Nó không thể lây lan thêm. Điều này từng thành công với đại dịch sởi hay rubella.

Nhưng chúng ta dường như đang sai. “Khái niệm miễn dịch bầy đàn cổ điển có thể không được áp dụng cho Covid-19. Điều đó có nghĩa việc loại bỏ hoàn toàn nCoV là điều không thể", tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Minh chứng điển hình cho miễn dịch cộng đồng

Theo TS Fauci, bệnh sởi là trường hợp điển hình lý tưởng cho cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Tương tự SARS-CoV-2, virus sởi lây lan qua không khí, tiếp xúc giọt bắn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), chúng dễ lây tới mức nếu một trường hợp mắc bệnh này, trong 10 người ở gần, 9 người sẽ mắc bệnh nếu họ không có miễn dịch. Một số chuyên gia ước tính biến chủng Omicron cũng dễ lây lan như bệnh sởi.

Mỹ đã chặn đứng sự lây truyền của sởi và đẩy lùi thành công virus gây ra bệnh này nhờ 3 yếu tố: Vaccine hiệu quả, virus sởi không thay đổi hoặc đột biến đáng kể theo thời gian và chiến dịch tiêm chủng trẻ em thành công.

Theo CDC, vaccine sởi có hiệu quả phòng ngừa bệnh lên tới 97%. Một khi đã được tiêm chủng, trẻ sẽ được bảo vệ hầu như suốt cuộc đời. Nhiều bang tại Mỹ từng đạt mục tiêu tham vọng về sức khỏe cộng đồng. Đó là 90% trẻ tại khu vực được tiêm vaccine sởi trước khi vào mẫu giáo.

 Các chuyên gia cho rằng vaccine Covid-19 chưa đủ mạnh để chống lại nCoV và virus biến đổi quá nhanh là lý do khiến chúng ta không thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia cho rằng vaccine Covid-19 chưa đủ mạnh để chống lại nCoV và virus biến đổi quá nhanh là lý do khiến chúng ta không thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Ảnh: Reuters.

Nhờ mức độ bao phủ tiêm chủng cao, độ bền và hiệu quả của vaccine cũng như tính ổn định tương đối của virus sởi, Mỹ đã ngăn chặn được các đợt bùng phát bệnh lớn trong hơn 20 năm qua.

Tuy nhiên, tại Mỹ, khả năng miễn dịch cộng đồng chống lại bệnh sởi đang bị suy giảm ở nhiều vùng. Thậm chí, điều này cũng diễn ra ở nhiều nơi trên toàn thế giới vì chần chừ tiêm vaccine cho trẻ. Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bệnh sởi có thể trở thành đại dịch trên toàn cầu nếu nhiều người từ chối tiêm chủng.

Vì sao sẽ không có miễn dịch cộng đồng với Covid-19?

Điều không may là Covid-19 vận hành không theo quy tắc tương tự sởi. Theo TS Fauci, tin xấu là nCoV thay đổi rất nhiều và theo những cách rất khác nhau.

"Chúng ta đã trải qua khoảng thời gian 2 năm và có 5 biến chủng mới như Alpha, Beta, Delta, Omicron. Và bây giờ là BA.2 - chủng phụ của Omicron. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vaccine cũng không được nhiều như kỳ vọng. Nói cách khác, chúng ta không đủ số người đã tiêm chủng", vị chuyên gia cho hay.

Theo Tiến sĩ Adam Kucharski, Giám đốc Trung tâm Chuẩn bị và Ứng phó với Dịch bệnh, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Anh, càng có nhiều người được tiêm vaccine, chúng ta càng có cơ hội ngăn virus lây lan qua cộng đồng. Trong bài phỏng vấn với CNN gần đây, vị chuyên gia giải thích những kỳ vọng xung quanh khả năng miễn dịch của cộng đồng phải thay đổi như thế nào khi virus ngày càng dễ lây lan.

TS Kucharski ước tính với chủng nCoV dễ lây như Delta, 98% dân số phải được tiêm chủng để chúng ta ngăn được 85% nguy cơ lây truyền virus. Nếu vaccine không ngăn ngừa sự lây truyền đến mức độ đó, khả năng cộng đồng sẽ không thể có miễn dịch với loại vaccine hiện có.

Trong một bài báo về chủ đề tương tự được xuất bản vào tháng 5/2021 trên tạp chí Eurosurveillance, TS Kucharski và các cộng sự giải thích phần lớn khả năng miễn dịch cộng đồng cũng phụ thuộc loại vaccine họ được tiêm chủng bảo vệ tốt như thế nào. Bởi nó sẽ quyết định nguy cơ người đó lây truyền virus cho người khác.

 Nhiều chuyên gia vẫn hy vọng sẽ có miễn dịch cộng đồng với Covid-19 nhờ các loại vaccine thế hệ mới. Ảnh: NPR.

Nhiều chuyên gia vẫn hy vọng sẽ có miễn dịch cộng đồng với Covid-19 nhờ các loại vaccine thế hệ mới. Ảnh: NPR.

Vaccine chặn được nguy cơ truyền virus từ người bệnh sang người lành được cho là có tác dụng truyền miễn dịch tiệt trùng. Theo nghĩa này, vaccine sởi tạo ra miễn dịch tiệt trùng. Nhưng các vaccine Covid-19 thì không. Mặc dù tiêm phòng giúp giảm nguy cơ người mắc truyền virus sang cho người khác, các nghiên cứu đã cho thấy điều này không phải 100% và việc lây nhiễm vẫn xảy ra.

Do đó, TS Kucharski khẳng định nếu không có đủ số người được tiêm chủng hoặc loại vaccine chúng ta có chưa ngăn chặn được tất cả sự lây nhiễm, việc đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19 là không thể.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác cần tính đến như độ bền của khả năng miễn dịch theo thời gian. TS Fauci nói: "Khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra không tồn tại mãi mãi. Miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19 cũng vậy. Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ phải tiêm vaccine hoặc mắc Covid-19 nhiều lần để duy trì tốc độ phòng thủ".

Giữ hy vọng

Dẫu vậy, một số chuyên gia chưa từ bỏ hoàn toàn quan điểm ngày nào đó thế giới sẽ đạt đến miễn dịch cộng đồng.

Theo GS Barry Bloom, Đại học Harvard, có một cách để đạt được điều đó là tạo ra các loại vaccine Covid-19 tốt hơn.

Các công ty đang nghiên cứu những loại vaccine thế hệ mới, nhắm vào những vùng ổn định hơn của virus như gốc của protein gai - nơi hầu như không đột biến. Điều này có thể tạo ra khả năng miễn dịch bền hơn chống lại sự thay đổi hình dạng của các biến chủng nCoV.

Ngoài ra còn có các loại vaccine Covid-19 dạng xịt mũi đầy hứa hẹn có thể giúp phát triển kháng thể trong mũi và họng. Các chuyên gia hy vọng những vaccine này có thể mang tới miễn dịch trong mô cần thiết nhất, tạo ra loại miễn dịch ngăn chặn được sự lây nhiễm.

Theo GS Bloom, nếu không phải vaccine dạng xịt, sao chúng ta không nghĩ tới việc cho kháng thể đơn dòng vào thuốc xịt mũi dùng hàng ngày, trước khi ra khỏi nhà để tránh nhiễm virus.

"Câu hỏi đặt ra là chúng có đủ mạnh để quét sạch virus trước khi nó lây truyền và gây triệu chứng hay không? Đó là vấn đề đòi hỏi chúng ta liên tục phải trả lời", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Một hy vọng khác mà vị giáo sư đề cập tới và cũng là điều tốt nhất đó là quá trình tiến hóa. Theo ông, virus đang thay đổi để dễ lây lan hơn theo thời gian, nhưng không có nghĩa nó sẽ gây bệnh nghiêm trọng hơn. Đây là điều khá tích cực. Và bản thân hệ miễn dịch của chúng ta cũng đang phát triển để ngày càng mạnh hơn. Tất cả điều chúng ta cần làm lúc này đó là hy vọng.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mien-dich-cong-dong-voi-covid-19-co-con-ton-tai-post1310201.html