Miền ký ức không quên

'Sự tin yêu, quý mến, đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng của nhân dân chính là nguồn sức mạnh để bộ đội đánh thắng giặc', Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ với chúng tôi khi nhớ về những năm tháng chiến đấu mà ông và đồng đội đã trải qua.

Đặc biệt nhất là những cái Tết ở chiến trường, tuy đạm bạc nhưng thắm tình quân dân.

Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền: Năm 1969, Đại đội 65, Tiểu đoàn Trinh sát, Quân khu 5 của ông đóng quân ở vùng rừng núi Quảng Ngãi, hoạt động trên địa bàn từ Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành đến thị xã Quảng Ngãi. Dịp Tết, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Dưỡng, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát xuống Đại đội 65 thông báo tin vui: Tiểu đoàn cho phép Đại đội được về hậu cứ tổng kết, học tập, quán triệt nhiệm vụ năm sau và ăn Tết. Hậu cứ là địa điểm nằm dưới một cánh rừng cạnh nương rẫy của đồng bào. Mỗi tiểu đội làm một lán ở, khi đi hoạt động thì cử 1-2 người ở lại sản xuất, trồng ngô, sắn đề phòng khi đứt nguồn cung cấp lương thực.

Giáp Tết, các đơn vị được nhận quà từ miền Bắc gửi vào. Mỗi trung đội được một gói chè Hồng Đào và một bao thuốc lá Điện Biên hoặc Tam Đảo. Bánh chưng gói bằng gạo nếp và đỗ đưa từ đồng bằng lên, nhân lấy từ thịt hộp Liên Xô viện trợ, vì thế, bộ đội gọi là “bánh chưng quốc tế”. Không có lá dong, bánh chưng phải gói bằng lá chuối rừng nhưng qua bàn tay khéo léo của bộ đội, bánh vẫn vuông vắn, đều 8 góc khá đẹp. Theo chế độ, cứ hai người được một chiếc bánh, ngoài ra, các tiểu đội còn “cải thiện” thêm nồi cá niên kho (cá niên là một loài cá suối ngon, chỉ có ở vùng núi Quảng Ngãi, giờ đã thành đặc sản).

Đồng chí Nguyễn Như Huyền (thứ hai, từ phải sang) trong chuyến công tác thăm lại chiến trường Quảng Ngãi năm 1997. Ảnh chụp lại

Đồng chí Nguyễn Như Huyền (thứ hai, từ phải sang) trong chuyến công tác thăm lại chiến trường Quảng Ngãi năm 1997. Ảnh chụp lại

Chiều tất niên có cuộc thi bày cỗ nên các tiểu đội đều cố gắng trổ tài trưng bày sao cho đơn vị mình nổi bật nhất. Bộ đội cắt hoa đào bằng giấy, tô màu rồi dán lên cây rừng, tìm các loại hoa rừng như hoa chuối, phong lan, các loại quả rừng để trang trí mâm ngũ quả. Nguyên liệu đơn giản thế mà trông mâm cỗ Tết của đơn vị nào cũng rất đẹp, “làm khó” ban giám khảo. Được mong chờ nhất là tối biểu diễn văn nghệ. Mỗi tiểu đội góp ít nhất một tiết mục, với các thể loại: Múa, hát, kịch, tấu hài... Cánh lính trẻ chọn bộ quân phục mới nhất, lành nhất để diện Tết. Bà con trong làng cũng đến rất đông để chung vui với bộ đội. Trên tay, người thì cầm xâu cá niên, người cầm con ếch đã nướng, người lại có miếng thịt sấy khô. Mấy cụ già thì cầm theo bầu rượu đót. Đó cũng là tất cả những gì mà đồng bào có để ăn Tết. “Dân làng mang đồ đến đây ăn Tết với bộ đội cho vui”, trưởng làng bày tỏ như vậy khiến cả đơn vị xúc động. Mọi người trải mấy tàu lá chuối và bày thức ăn lên đó. Bộ đội cũng mang bánh chưng và cá kho ra mời bà con cùng ăn.

Tiết mục được hưởng ứng nhất là múa sạp, già trẻ, trai gái, ai cũng có thể tham gia. Lúc này, dường như chiến tranh ở đâu đó xa lắm. Tiếng gầm rú của máy bay, bom đạn nhường chỗ cho tiếng vỗ tay, tiếng kèn harmonica, tiếng sào gõ nhịp, tiếng chân nhảy sạp... Mỗi chén rượu đót vơi đi, không khí lại càng thêm sôi nổi. Những người lính trẻ hòa mình vào vòng sạp, quân dân tay trong tay như những người con của buôn làng.

“Đơn vị trinh sát chúng tôi hoạt động ở vùng sâu, vùng địch hậu nên phải tích cực làm tốt công tác dân vận. Nhân dân chính là hậu phương vững chắc, là căn cứ an toàn nhất. Chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc là nhờ dựa vào dân, được nhân dân che chở”, Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền chia sẻ.

Cuộc chiến đã lùi xa gần 50 năm, dù trải qua nhiều cái Tết đủ đầy trong hòa bình nhưng những cái Tết thiếu thốn về vật chất mà ăm ắp tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân ở chiến trường đối với Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền là miền ký ức không thể quên.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/mien-ky-uc-khong-quen-812824