Miên man nỗi nhớ
Nhân đọc tập thơ 'MIỀN NHỚ' của Nguyễn Văn Dùng
Tính từ năm 1992 đến năm 2024, nhà thơ Nguyễn Văn Dùng đã xuất bản 14 tác phẩm văn học gồm 2 tập trường ca, 11 tập thơ, 1 tập tiểu luận phê bình. Vậy là cứ chưa đầy 2 năm, anh đã xuất bản một đầu sách khá đầy đặn đến hàng trăm trang. Đó là chưa kể thơ in chung với các tác giả khác, thơ đăng Báo Văn nghệ, Báo Tiền phong, Tạp chí Thơ, Tạp chí Cửa Việt, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nhật Lệ và Báo Quảng Trị, Báo Hà Tĩnh, Báo Bình Định...cho thấy sức sáng tạo của anh thật đáng nễ. Với vai trò Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị biết bao công việc bộn bề nhưng không biết thời gian nào anh dành cho “nàng thơ”?
Tập thơ thứ 13 của Nguyễn Văn Dùng mang tựa đề “Miền nhớ” do Nxb Thuận Hóa ấn hành tháng 6/2023 dày 254 trang gồm 120 bài thơ. Thơ đề cập đến nhiều chủ đề: về tình yêu, về biển, về sông, về bốn mùa, về mưa, về gió, về trăng, về chợ quê, về quê hương, về những cảm nhận cái cụ thể và cái trừu tượng; cái nhìn thấy được và cái không nhìn thấy được. Thơ anh ẩn chứa nỗi buồn đằm thắm, giăng mắc sự khắc khoải khôn nguôi, man mác niềm suy tư sâu lắng nhưng tựu trung là nỗi nhớ niềm thương những nơi mà nhà thơ đã, đang sống và từng đặt chân đến.
Hành trang của mỗi người nói chung và nhà thơ Nguyễn Văn Dùng nói riêng nặng đầy theo năm tháng. Từ khi còn nhỏ sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ đến lúc trưởng thành đã gặp gỡ không biết bao nhiêu người, đôi chân bước qua không biết bao nhiêu vùng miền khác nhau để khi tuổi xế chiều lòng bâng khuâng nhớ lại, cảm xúc trào dâng bao kỷ niệm như còn tươi rói, ta có thể gọi những nơi đó là miền nhung nhớ.
Sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Giang cách rất gần bãi biển Cửa Tùng. Mỗi khi nhà thơ Nguyễn Văn Dùng có dịp về thăm quê, được ngụp lặn thỏa thích dưới chiều tím hoàng hôn, nuối tiếc những giọt nắng lưu luyến rơi cuối ngày, anh thấy yêu quê nhà quá đỗi. Ở phố thị Đông Hà, nhà thơ thổn thức nhắn gởi: “Có ai về với Cửa Tùng không?/Xin gửi lại niềm thương nỗi nhớ/ Khi chia xa lòng còn mắc nợ/ Với trời xanh biển biếc sóng lừng” (Chiều tím Cửa Tùng). Quy Nhơn là một thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bình Định, trong một lần “ngọn gió lành” đưa nhà thơ đến biển Quy Nhơn, anh choáng ngợp trước bời bời cát trắng, thấy mình thật nhỏ bé trước mặt biển mênh mông. Khi chia tay nhà thơ tương tư gói “vầng trăng lẻ” giấu kín dưới đáy vali và cứ để cho lòng thổn thức: “Quy Nhơn ơi, ngày mai ra đi/Tôi khát vọng điều không thể có/...Em với Quy Nhơn ấm áp ân tình/Đến rồi đi biết bao giờ gặp lại” (Em với Quy Nhơn). Nhà thơ có tâm hồn lãng mạn, điều ấy hẳn nhiên rồi. Nhân một chuyến tác giả ra thăm Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Anh mải mê tìm lại những năm tháng sinh viên mơ mộng đánh rơi trên ghế giảng đường, cuối thu tiết trời vẫn se se lạnh, phố cũ rêu phong thuở nào nay thay áo mới. Dù “tuổi không còn trẻ” nhưng anh vẫn ngây người trước vẻ đẹp kiêu sa của cô gái Hà thành đếm bước bên Hồ Gươm, nhà thơ thảng thốt: “Em đẹp quá, tôi không bước nổi/Có điều chi rạo rực con tim!”. Và khi qua cơn choáng ngợp, bóng hồng ma mị đó níu kéo anh ở lại Thủ đô lâu hơn thời gian dự định: “Em đẹp quá, tôi ngập ngừng bước/ Hà Nội luyến lưu chưa muốn tiễn tôi về” (Một thoáng thu Hà Nội). Còn ở Hồ Tây, nhà thơ bị hút hồn trước vẻ đẹp nhí nhảnh, vui tươi của cô thiếu nữ tuổi mới độ trăng tròn: “Rung rinh bím tóc đuôi gà/Gót son nhún nhảy thướt tha dáng hình”. Chỉ mới có vậy mà nhà thơ: “Để con tim hát hàng giờ không thôi”. Một thoáng vu vơ vô tình, nhà thơ thổn thức “Tây Hồ một thoáng bâng khuâng/ Giã từ buổi ấy lâng lâng nỗi niềm” (Nỗi niềm Tây Hồ).
Thương gần nhớ xa, những mảnh đất anh từng đặt chân đến đều được ghi dấu ấn bằng thơ. Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình trong một thời gian dài phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID 19, cả nước đều hướng về, trong đó có Quảng Trị.
Mọi người nóng lòng cầu mong cho “hòn ngọc Viễn Đông” sớm trở lại bình thường, nhà thơ cũng không ngoại lệ: “Sài Gòn và anh xa xôi rứa/Răng mà anh hay mơ thấy Sài Gòn/Đêm ngủ muộn nửa khuya ú ớ/Anh gọi Sài Gòn gối đầm lệ rơi/Thương nhớ em gồng mình mùa COVID/Vất vả trăm bề đâu chỉ mình anh biết/Duyên cớ chi anh hay mơ thấy Sài Gòn” (Răng mà anh hay mơ thấy Sài Gòn). Huế từng là kinh đô dưới triều Tây Sơn và triều Nguyễn, mang vẻ đẹp trầm tư lãng mạn, tạo ra một bản sắc riêng rất Huế.
Những cơn mưa dầm dề, câu hò mái nhì mái đẩy cũng là “đặc sản” khó quên của du khách và những người con Huế xa xứ. Những địa danh nức tiếng: Thành nội Huế, chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền, cửa Ngọ Môn... được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nhà thơ vào Huế trong một chiều mưa giăng kín núi Ngự Bình, ngàn thông trầm mặc suy tư, cầu Trường Tiền vẫn tấp nập người qua lại, mảnh đất của thi ca ngân nga trong gió: “Huế ơi, bao nỗi ước mong/ Cấm thành nay đã đợi trông từng giờ/ Anh qua Bến Ngự tình cờ/ Hình như ai cất tiếng thơ dặt dìu” (Với Huế).
Giọng thơ Nguyễn Văn Dùng không lên gân, không triết lý sâu xa, không đánh đố người đọc. Thơ anh hiền lành, mộc mạc như hạt lúa củ khoai quê nhà. Không ít nhà thơ viết về những vùng đất trên thế giới xa xôi rộng lớn, để chứng tỏ mình thuộc công dân toàn cầu.
Còn nhà thơ Nguyễn Văn Dùng phần lớn khai thác tứ thơ chỉ trong phạm vi tỉnh Quảng Trị nhưng đọc thấy gần gũi và ấm áp lạ thường. Mỗi lần về thăm sông Bến Hải quê hương, một bên huyện Gio Linh, một bên huyện Vĩnh Linh anh thấy nhói đau khi nhớ về một thời chia cắt NamBắc. Ở nơi đó anh gửi lại một mối tình dang dỡ: “Mắt em đen, môi em hồng/ Để cho ta hơn một lần bối rối/Thức trắng đêm với hương đồng gió nội/ Lòng nghe trăn trở một niềm riêng/Có ai hay trăng phía biển lưỡi liềm/Trăng khuyết hay tình anh hao khuyết? (Gặp lại sông Bến Hải).
Nhà thơ đứng trên cầu Châu Thị bắc qua sông Sa Lung, huyện Vĩnh Linh trong một buổi chiều muộn. Gió dưới sông thổi lên mát rượi. Bèo hoa dâu trôi dập dềnh theo sóng nước. Xóm ven sông khói bếp lan nhẹ phía sau bụi tre ngà. Tiếng chào thân thương của những người quen nhau xuôi ngược trên cầu.
Trong không gian ngưng đọng đó, nghe văng vẳng tiếng mẹ ru con làm anh chạnh lòng: “Mấy mùa trăng khuyết lại tròn/Biết người xa ngái có còn vấn vương/Ta như đứa trẻ lạc đường/Ngẩn ngơ câu hát mà thương cuộc tình/Một trời nắng gió Vĩnh Linh/Qua cầu Châu Thị một mình đợi ai? (Qua cầu Châu Thị).
Sông Hiếu chảy qua huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà rồi đổ về biển Cửa Việt được nhiều nhà thơ ngợi ca, trong đó có nhà thơ Nguyễn Văn Dùng. Với cái nhìn đầy hình tượng của thơ, dòng sông dệt đầy hoa nắng, buổi chiều như thực như mơ hết sức quyến rũ, gió thổi ngân lên nốt nhạc làm cho nhà thơ thêm mơ màng: “Bởi tên em rực rỡ chiều vàng/ Phố thì xưa mà em thì luôn mới/ Trời Hiếu Giang mây giăng bối rối/ Bởi Hiếu Giang, anh ở lại với chiều” (Chiều Hiếu Giang). “Khi ta ở chính là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên), câu thơ mang đậm tính triết lý nhân sinh.
Ta đến sống ở miền đất mới nhớ về miền đất cũ đã trở thành một phần tâm hồn, máu thịt với biết bao kỷ niệm buồn vui. Nhưng nhà thơ Nguyễn Văn Dùng sống ở thành phố Đông Hà lại nhớ thương thành phố Đông Hà bởi vì anh yêu Đông Hà quá đỗi. Yêu trăng lạnh, yêu nắng gió, yêu sự lầm lỗi đau như xát muối, sự dại khờ vô tư một thời nông nổi.
Anh ví Đông Hà như bài thơ “vần bằng lẫn vần trắc”, như bài hát “lời vui lẫn lời buồn”, lòng anh “ngổn ngang bao điều” với thành phố trẻ phía Nam cầu Hiền Lương lịch sử: “Yêu đã quá say rồi/Chẳng thể nào xa cách/Muốn một giây sống thật/Với Đông Hà đêm nay” (Cảm tác Đông Hà).
Còn rất nhiều bài thơ hấp dẫn: Thị xã và tôi, Đêm ở biển, Chiều cuối năm, Người dưng, Khi nhà thơ yêu, Đợi tàu, Sao chẳng lấy chồng, Chợ quê, Anh còn nợ em, Phố vắng em rồi, Thơ tình chưa gửi...Động lực để nhà thơ Nguyễn Văn Dùng sáng tác thơ, vì “Tính Từ Yêu” thôi thúc anh viết: “Anh qua bên dốc cuộc đời/ Yêu em nồng đượm hơn thời trẻ trai” (Đầy vơi nỗi niềm).
Đọc tập thơ: “Miền nhớ” ta thêm yêu cuộc đời, yêu quê nhà, yêu bao kỷ niệm vui buồn, yêu những gương mặt thân quen, yêu những vùng miền mà ta từng đặt chân đến dù tất cả chỉ còn trong hoài niệm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/mien-man-noi-nho-185798.htm