Miền núi đá Đồng Văn

Làng Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) nhìn từ cột cờ Lũng Cú. Ảnh: VIỆT AN

Đồng Văn là huyện miền cao biên giới của tỉnh Hà Giang, là xứ sở của đá và biết bao huyền thoại bí ẩn về cao nguyên đá xám.

Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Huyện Đồng Văn có hơn 52km đường biên giới giáp với Trung Quốc, diện tích tự nhiên 446km2 và ở độ cao từ 1.000-1.800m so với mực nước biển.

Huyện Đồng Văn có 18 xã và 1 thị trấn huyện lỵ. Thị trấn Đồng Văn là đô thị loại V, có khoảng 8.000 người, cơ sở hạ tầng khá khang trang, hiện đại với trường học, chợ huyện, trụ sở cơ quan; đường dân sinh liên thôn, liên xã được bê tông hóa…

Cột cờ Lũng Cú ở xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn) cách thị trấn Đồng Văn 26km, được xây dựng từ thời nhà Lý (1009-1225) trên đỉnh núi Lũng Cú (núi Rồng) cao 1.470m, có ý nghĩa về mặt chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, nay cột cờ này có độ cao 33,15m, đường kính ngoài rộng 3,8m, kiểu dáng hình bát giác. Phía trên cắm lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Muốn lên cột cờ, chúng ta phải leo qua 349 bậc cấp, còn lên đỉnh phải qua 149 bậc thang trong lòng cột cờ. Đứng trên đỉnh cột cờ, bạn sẽ thấy Đồng Văn thu nhỏ, âm thanh của tiếng lá cờ phần phật trong gió cảm thấy thiêng liêng, tự hào.

Đồng Văn có quốc lộ 4C nối với TP Hà Giang và các huyện vùng cao, có ngành Du lịch khá phát triển, với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, núi rừng hùng vĩ, kết hợp các di tích lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đa dạng đặc sắc. Núi rừng còn là tiềm năng tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến nông lâm sản; phát triển các loại cây dược liệu. Hàng năm mùa khô kéo dài từ 4-6 tháng, nước sinh hoạt và sản xuất khan hiếm nghiêm trọng.

Nhà của người dân thấp thoáng trong thung lũng ở Đồng Văn. Ảnh: VIỆT AN

Đồng Văn bây giờ khác xưa nhiều. Trước kia từ trung tâm Hà Giang lên Đồng Văn khoảng 160km, phải đi ròng rã cả ngày trời. Nay ô tô chỉ đi 2-3 giờ là tới, đời sống của người dân cũng được nâng lên một bước. Từ Quản Bạ đi Yên Minh rồi sang Mèo Vạc, tới Đồng Văn, hai bên đường thấp thoáng trong các thung lũng bằng phẳng là những căn nhà của đồng bào có kiến trúc khác xưa, họ không còn ở nhà sàn mà đã hạ sơn. Với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, hạ sơn đồng nghĩa với việc tiến tới ấm no; có điện, nước, trường lớp cho con em học chữ.

Rời Đồng Văn, tôi như muốn thu vào tâm khảm khung cảnh hoành tráng, hoang sơ, hình ảnh cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang, đến những vách núi nhọn của vùng cao nguyên đá xám. Qua dốc Mã Pí Lèng, chúng tôi bắt gặp mấy chàng trai người Mông đang tập xe trên đoạn đường thảm nhựa. Hỏi chuyện mới biết, để có được chiếc xe máy, gia đình phải bán mấy con heo và con bò ở phiên chợ Lũng Phèng. Với các chàng trai người Mông, ngoài chiếc khèn truyền thống để kiếm tìm bạn tình mỗi độ xuân về, còn phải có chiếc xe để cùng người yêu đi thăm bạn bè ở các buôn làng thì cuộc sống mới thú vị.

Bên cạnh đường lớn là bờ dốc phẳng, nơi có con đường uốn lượn đi vào chợ tình Khâu Vai (chợ tình Phong Lưu). Mỗi năm, chợ này sẽ có phiên chợ tình họp vào ngày 27/3 âm lịch. Hàng ngàn nam thanh, nữ tú từ các buôn làng tụ hội về đây. Đi chợ mà chẳng ai thiết mua gì, vì chợ chỉ dành cho các cặp đôi, ngày trước không có duyên, nay có ngày gặp lại, như câu hát của người Mông: Một năm chỉ có một ngày tốt/ Ngày tốt ta lại được gặp nhau/ Chàng ơi xuống núi cùng em/ Hãy mang theo ngựa và đi một mình/ Em đây tuy chẳng còn xinh/ Có ô che nắng chợ tình Phong Lưu.

Miền núi đá Đồng Văn, nơi địa đầu của Tổ quốc có một mạch ngầm văn hóa truyền thống hàng ngàn năm nay vẫn âm thầm chảy trong mỗi con sông, ngọn núi để tạo nên tính cách và tâm hồn khoáng đạt đầy bản lĩnh. Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/307294/mien-nui-da-dong-van.html