Miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh: Lợi ích thiết thực và lâu dài
Nhiều thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đánh giá cao tính nhân văn của chủ trương miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội).
Tuy nhiên cũng có ý kiến bày tỏ băn khoăn phải đầu tư ra sao để đảm bảo tính bền vững.
Có thể sớm triển khai
Mới đây, tại buổi tiếp xúc với cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở, Hà Nội có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí tại trường cho học sinh, song song với việc miễn học phí và có thể triển khai từ năm học 2025 - 2026.
Theo Tổng Bí thư, nếu Hà Nội thực hiện được bữa trưa miễn phí cho học sinh thì có thể xem xét nhân rộng ra cả nước. Gợi ý này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cử tri và người dân, nhất là với các gia đình công nhân, lao động phổ thông, hộ nghèo, chính sách.
Hà Nội hiện có khoảng 1,2 triệu học sinh bậc tiểu học và THCS. Nếu mỗi suất ăn trị giá khoảng 30.000 đồng, tổng kinh phí thực hiện chính sách này sẽ là con số không nhỏ. Tuy nhiên, với nguồn thu ngân sách cao tốp đầu cả nước, Hà Nội được cho là địa phương có đủ tiềm lực để tiên phong triển khai.
Chia sẻ về gợi mở này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho hay, cùng với miễn học phí, điều này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực và người được hưởng lợi chính là học sinh, phụ huynh. Trẻ đến trường được ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh, từ đó có thể tập trung học tập, rèn luyện cả ngày. Phụ huynh cũng yên tâm khi cho con tới trường học tập.
Về việc cung cấp bữa trưa miễn phí, theo ông Trần Xuân Nhĩ, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhằm khuyến khích trẻ đến trường, được dùng những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, tuân theo chế độ ăn uống cân bằng. Ngoài ra, học sinh được ăn giống nhau, không phân biệt giàu nghèo.
“Nếu thực hiện được chủ trương này sẽ rất tốt, nhân văn. Tuy nhiên, cần phải đồng bộ nhiều giải pháp như chống lãng phí, tiêu cực, từ đó nguồn lực chăm lo cho bữa ăn, học phí, chất lượng học sinh sẽ nâng lên”, ông Nhĩ nói.
Từ thực tế tại cơ sở, bà Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: Trường có tổ chức bán trú nhưng chỉ có khoảng 50 học sinh trên tổng số hơn 250 em được ăn tại trường. Mặc dù chi phí bữa ăn bán trú chưa đến 30 nghìn đồng nhưng nhiều gia đình vẫn chọn phương án đón con về buổi trưa để tiết kiệm chi phí.
“Nam Phương Tiến là xã nghèo, thường xuyên chịu ảnh hưởng của những đợt mưa lũ. Nếu Đảng, Nhà nước quan tâm và triển khai được chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí thì đây là sự chăm lo thiết thực cho học sinh và phụ huynh. Không chỉ giúp các em đảm bảo sức khỏe, học tập tốt hơn mà phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em ở trường”, bà Hoa nói.
Ủng hộ chủ trương miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh, thầy Nguyễn Khánh Hoàn - giáo viên Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai) cho rằng, việc này sẽ thúc đẩy các nhà trường tiến hành dạy học 2 buổi/ngày, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại Hà Nội, đa phần học sinh tiểu học đều ăn bán trú do cha mẹ đi làm cả ngày nhưng sang đến cấp THCS, không nhiều trường duy trì được bán trú nên phụ huynh gặp khó khăn. Khoản ăn trưa hiện nay dao động khoảng 30 nghìn đồng mỗi ngày. Nếu được miễn phí sẽ giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho các gia đình có hai con cùng đi học.

Cô trò Trường Tiểu học Ngôi sao Hoàng Mai (Hoàng Mai, Hà Nội).
Cần đầu tư đồng bộ
Mặc dù mang tính nhân văn sâu sắc, nhưng các nhà quản lý giáo dục đều cho rằng, chính sách này chỉ thực sự phát huy tác dụng khi có lộ trình rõ ràng và đầu tư đồng bộ về nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân lực. Để triển khai chương trình, cần tính toán cụ thể để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Theo ông Nguyễn Phạm Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai), nếu triển khai bữa ăn miễn phí, nhà trường hoàn toàn có thể bởi đã đầy đủ cơ sở vật chất, có bếp ăn, căng tin. Tuy nhiên cần tính toán để đầu tư trang thiết bị bếp ăn đạt chuẩn, nhân sự tổ chức nấu ăn, chăm sóc học sinh.
Do đó, nhà trường mong nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đơn vị liên quan và cả sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh để có thể từng bước nâng cấp và mở rộng quy mô bán trú, hướng tới việc đảm bảo bữa ăn cho toàn bộ học sinh khi học 2 buổi/ngày.
Đồng quan điểm, ông Lê Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thuần Mỹ (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, bữa ăn miễn phí cho học sinh sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, bữa ăn được đảm bảo giúp các em phát triển về thể chất. Về tâm lý, học sinh sẽ yên tâm học tập suốt cả ngày, phụ huynh cũng bớt lo lắng hơn. Đặc biệt với những em có hoàn cảnh khó khăn, bữa ăn miễn phí sẽ là sự hỗ trợ rất lớn.
Tuy nhiên khi triển khai cần tính toán cụ thể về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên phục vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với những trường học vùng khó khăn, vùng sâu xa, khó để tìm những đơn vị cung cấp thực phẩm, việc tổ chức bữa ăn bán trú gặp trở ngại nhất định.
Mỗi ngày, các nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú. Nhiều năm qua, sở luôn quan tâm đến việc đảm bảo bữa ăn học đường giúp học sinh có đủ sức khỏe học tập, tạo điều kiện phát triển thể lực và thể chất.
“Tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh theo gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm là chủ trương nhân văn. Hà Nội hoàn toàn có thể triển khai chủ trương này. Đầu tư cho bữa ăn học đường là đầu tư cho tương lai, nhưng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, địa phương để đảm bảo bền vững”, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.