Ngành GD địa phương sau sáp nhập: Chủ động cập nhật kiến thức địa giới hành chính

Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh, ngữ liệu sách giáo khoa một số môn học sẽ có sự thay đổi do nội dung không còn phù hợp.

Một tiết học Lịch sử tại Trường THPT Định Thành (Bạc Liêu). Ảnh: Q.M

Một tiết học Lịch sử tại Trường THPT Định Thành (Bạc Liêu). Ảnh: Q.M

Nếu không điều chỉnh kịp thời vào năm học 2025 - 2026, điều này sẽ dẫn đến nhiều bất cập, ảnh hưởng việc dạy và học.

Môn Lịch sử, Địa lý chịu nhiều ảnh hưởng

Hầu hết, môn Khoa học xã hội bị ảnh hưởng khi sáp nhập tỉnh, bao gồm cả môn học chính hoặc phân môn. Môn Địa lý được đánh giá có nhiều thay đổi nhất sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Cô Cao Cẩm My, Trường THCS - THPT Lý Văn Lâm (TP Cà Mau, Cà Mau), nhận định: Môn Địa lý (cấp THPT) và phân môn Địa lý (cấp THCS) chịu ảnh hưởng đáng kể.

Đặc biệt, sách giáo khoa Địa lý 8 (nội dung về thiên nhiên Việt Nam) và Địa lý 9 (các vùng kinh tế trọng điểm) cần cập nhật lại. “Trong mỗi vùng kinh tế gồm có tài nguyên rừng, biển, đất đai, khoáng sản, vùng chuyên canh lúa, cây nông nghiệp… đều thể hiện khá rõ ràng, cụ thể trong ngữ liệu sách giáo khoa.

Vì thế, khi thay đổi địa giới hành chính, các vùng kinh tế thay đổi theo. Nếu không được điều chỉnh sẽ gây khó khăn cho người dạy, người học khi gặp tên tỉnh, thành cũ hoặc số liệu có trong sách giáo khoa không đúng thực tế”, cô My nói.

Cùng với môn Địa lý, ngữ liệu môn Lịch sử trong sách giáo khoa có những thay đổi đáng kể khi sáp nhập địa giới hành chính. Thầy Trần Bình Trọng - giáo viên Trường THPT Định Thành (Đông Hải, Bạc Liêu), cho rằng, khi sáp nhập đơn vị hành chính, các phần liên quan đến lịch sử địa phương, danh nhân, nhân vật lịch sử, chiến công, sự kiện lịch sử diễn ra trên địa bàn cũ… nếu không được cập nhật kịp thời, học sinh sẽ khó nhận diện và dễ nhầm lẫn giữa hiện tại và quá khứ.

Thầy Trọng đưa ra ví dụ: Khi nhắc đến chiến khu Việt Bắc, giáo viên thường giải thích cho học sinh đó là một vùng phía Bắc Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), bao trùm nhiều tỉnh ở Bắc Bộ. Ngày nay, chiến khu Việt Bắc được hiểu là khu vực gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên hợp nhất thành tỉnh Thái Nguyên, còn Hà Giang sáp nhập với Tuyên Quang để tạo thành tỉnh Tuyên Quang. Điều này đòi hỏi phải cập nhật lại thông tin cho phù hợp.

Là giáo viên dạy Sử tại Trường THCS - THPT Lý Văn Lâm (TP Cà Mau, Cà Mau), cô Huỳnh Liễu Yến bày tỏ đồng tình với quan điểm của thầy Trọng, bởi lịch sử có tính giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đòi hỏi ngữ liệu giảng dạy trong sách phải chính xác 100%.

“Sáp nhập địa giới hành chính khiến ngữ liệu môn Lịch sử trong sách giáo khoa thay đổi. Giáo viên lúng túng trong giảng dạy, khi sách ghi một đằng, thực tế hành chính một nẻo, giáo viên phải mất thêm thời gian cập nhật kiến thức, giải thích cho học sinh”, cô Yến phân tích.

 Tiết học Lịch sử của học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TPHCM). Ảnh: M.A

Tiết học Lịch sử của học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TPHCM). Ảnh: M.A

Linh động cập nhật kiến thức

Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM), việc sắp xếp, sáp nhập các tỉnh sẽ ảnh hưởng lớn đến kiến thức khoa học phổ thông. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của cơ quan liên quan còn đòi hỏi sự linh hoạt và nhanh nhạy của giáo viên trong việc cập nhật tri thức về địa lý và phân định lại kiến thức về lịch sử gắn liền với tên gọi các địa phương.

“Nhìn ở góc độ môn học Lịch sử, có thể thấy mô hình chính quyền hai cấp là tổ chức hành chính gọn nhẹ, từ địa phương (xã, phường), bỏ qua cấp trung gian (quận, huyện) rồi tới cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ngành Giáo dục cần tập huấn cụ thể rõ ràng ở các môn học, cụ thể là Địa lý và Lịch sử. Vì công cuộc cải cách hành chính cũng cần có một bức tranh tổng thể và được đề cập một cách chính thống, khoa học, hợp lý và rộng rãi.

Không phải giáo viên nào cũng nắm đầy đủ tinh thần cải cách hành chính, phân định khu vực hành chính địa lý và nắm rõ các vấn đề liên quan. Hiện, giáo viên cũng như viên chức biết các thông tin chủ yếu qua báo chí, truyền thông mà chưa có tài liệu tổng thể, toàn diện và có hệ thống, do đó cần được chia sẻ và phổ biến kiến thức”, cô Thảo chia sẻ.

Theo nhiều giáo viên, sau khi hoàn thành sắp xếp, sáp nhập tỉnh và các đơn vị hành chính cấp xã, khả năng cao sẽ chưa có sách giáo khoa, tài liệu học tập cập nhật địa giới hành chính mới. Thầy Trần Bình Trọng - giáo viên Lịch sử Trường THPT Định Thành cho rằng, giáo viên cần chủ động, linh hoạt tự cập nhật và bổ sung thông tin về địa giới hành chính mới vào các tiết học liên quan.

Thầy cô có thể sử dụng bản đồ mới, sơ đồ tư duy, hình ảnh minh họa, trình chiếu trong giờ học để cập nhật kiến thức đầy đủ cho học sinh. Khi ra đề kiểm tra và đánh giá, giáo viên tránh yêu cầu học sinh ghi nhớ các đơn vị hành chính đã thay đổi. Thay vào đó, khuyến khích người học nắm bắt quá trình phát triển lịch sử và ý nghĩa của các sự kiện, không bị ràng buộc vào tên gọi hành chính cũ.

“Về giải pháp ổn định lâu dài, tôi cũng đề xuất Bộ GD&ĐT và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sớm cập nhật và thay đổi nội dung sách giáo khoa phù hợp với thực tế địa phương. Cần tăng tính “mở” trong nội dung địa phương, cho phép các địa phương có phần phụ lục hoặc tài liệu bổ trợ riêng về lịch sử địa phương theo tình hình mới. Đồng thời, tích hợp nội dung lịch sử địa phương dưới dạng bản đồ số và tư liệu điện tử để cập nhật nhanh và thuận tiện”, thầy Trọng nêu ý kiến.

Do có nhiều thay đổi, cô Cao Cẩm My - giáo viên môn Địa lý tại Trường THCS - THPT Lý Văn Lâm kiến nghị cần sớm chỉnh sửa và xuất bản sách giáo khoa mới, cập nhật thông tin đầy đủ, phù hợp với sự thay đổi địa giới hành chính. Nếu chưa ban hành kịp trong năm học mới, ngành Giáo dục cần tổ chức tập huấn cho giáo viên để kịp thời nắm bắt kiến thức và phương pháp giảng dạy phù hợp.

Ông Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12, TPHCM), cho rằng, trước mắt, giáo viên cần chủ động cập nhật thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng, cũng như theo dõi sát các văn bản chính thức của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT liên quan đến thay đổi địa giới hành chính. Cùng đó, hiệu trưởng các trường chỉ đạo tổ chuyên môn tổng hợp và cung cấp thông tin chính xác, rõ ràng đến từng giáo viên, tránh nhầm lẫn khi giảng dạy.

“Giáo viên cần ghi chú rõ ràng trong từng bài giảng. Khi giảng bài, giáo viên nói rõ cho học sinh biết đâu là thông tin cũ hoặc đã thay đổi trong sách giáo khoa. Đồng thời, khuyến khích người học ghi chú lại thông tin mới bên lề sách giáo khoa hoặc trong vở học, giúp tiếp cận thông tin đúng mà không bị rối.

Ngoài ra, nhà trường cần sử dụng tài liệu bổ sung và bản đồ cập nhật. Tổ bộ môn có thể phối hợp để tự soạn tài liệu bổ trợ, in bản đồ hành chính mới và sử dụng khi giảng dạy. Có thể trình chiếu bản đồ điện tử, ảnh chụp địa giới mới từ cổng thông tin chính thức của các bộ, ngành, địa phương”, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền nói.

“Nhà trường hoặc tổ bộ môn có thể tổ chức các buổi ngoại khóa, tiết học tích hợp giữa các môn Địa lý - Lịch sử - Giáo dục công dân. Trong các tiết ngoại khóa, có thể mời đại diện UBND xã, phường đến giao lưu, giải thích thêm để học sinh hiểu rõ bối cảnh, lý do và ý nghĩa việc sáp nhập địa giới hành chính.

Đồng thời, thông báo tới phụ huynh về thay đổi này và việc sách giáo khoa chưa cập nhật, giúp phụ huynh đồng hành và hỗ trợ học sinh tra cứu, tiếp cận thông tin mới.

Đặc biệt, tổ chuyên môn các trường nên tổng hợp các nội dung trong sách giáo khoa cần cập nhật, gửi báo cáo góp ý đến sở GD&ĐT hoặc Bộ GD&ĐT. Điều này giúp các cơ quan chức năng nắm bắt và điều chỉnh nội dung sách giáo khoa kịp thời trong lần tái bản tiếp theo”, ông Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền góp ý.

Quách Mến - Minh Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nganh-gd-dia-phuong-sau-sap-nhap-chu-dong-cap-nhat-kien-thuc-dia-gioi-hanh-chinh-post728602.html