Miền Tây sạt lở do khai thác cát quá mức?

Trong khi tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu cát đắp nền làm ảnh hưởng tiến độ thì việc khai thác cát quá mức trên sông Tiền, sông Hậu làm trầm trọng thêm tình trạng sạt lở và sụt lún khu vực này.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu vừa gửi ý kiến chất vấn tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan tiến độ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau bị ảnh hưởng vì thiếu cát lấp nền. Mặt khác, theo ý kiến của các nhà khoa học, nếu tiếp tục khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ làm trầm trọng sạt lở và sụt lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long (miền Tây), thực tế đã xảy ra vừa qua. Việc này đòi hỏi giải pháp từ Bộ GTVT để đảm bảo vật liệu phục vụ các công trình giao thông cũng như bảo vệ môi trường khu vực này.

Bộ GTVT cho biết, theo khảo sát, trữ lượng cát các mỏ trên sông trong khu vực miền Tây khoảng 215 triệu m3. Trong đó, trữ lượng cát tại An Giang khoảng 54,5 triệu m3 với 13 mỏ; Đồng Tháp khoảng 33,5 triệu m3 với 10 mỏ; Vĩnh Long khoảng 42 triệu m3 với 10 mỏ; Sóc Trăng khoảng 85 triệu m3.

Sạt lở bờ sông Trà Ôn - một nhánh của sông Hậu tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long hôm 12/6 vừa qua, làm 8 nhà dân bị kéo xuống sông.

Sạt lở bờ sông Trà Ôn - một nhánh của sông Hậu tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long hôm 12/6 vừa qua, làm 8 nhà dân bị kéo xuống sông.

Tuy nhiên, cát tại Vĩnh Long và Sóc Trăng thuộc khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu, chất lượng cát kém do lẫn nhiều tạp chất, bùn sét lớn, không thể dùng san nền đường, chủ yếu dùng cát khai thác tại An Giang và Đồng Tháp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Tổng nhu cầu cát đắp nền các dự án cao tốc khu vực miền Tây giai đoạn từ nay tới năm 2025 khoảng 53 triệu m3, chỉ bằng 35% trữ lượng các mỏ trong khu vực.

Riêng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần trên 18 triệu m3 cát, Thủ tướng đã yêu cầu điều phối nguồn cát giữa các địa phương, trong đó An Giang và Đồng Tháp mỗi địa phương đảm bảo cung cấp khoảng 7 triệu m3, Vĩnh Long lo cung ứng 5 triệu m3.

Hiện các địa phương cơ bản bố trí đủ nguồn cát tại các mỏ, đang đánh giá tác động môi trường để cấp phép khai thác phục vụ dự án. Trong đó, sẽ đánh giá về xói lở lòng và bờ sông, đảm bảo việc khai thác không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.

Về lâu dài, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT đang thí điểm dùng cát biển san nền tỉnh lộ 978 (khoảng 1 km), hiện dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác và tiến hành quan trắc, đánh giá tác động (chủ yếu chỉ tiêu nhiễm mặn khu vực xung quanh). Dự kiến cuối năm nay sẽ có kết quả đánh giá thử nghiệm trên. Nếu kết quả thí điểm khả qua, nguồn cát biển sử dụng san nền đường sẽ đáp ứng được nhu cầu làm đường khu vực miền Tây.

Về tiến độ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tới nay các địa phương đã bố trí được khoảng 2,7 triệu m3 cát cho dự án. Dự kiến, tháng 10 tới, khi Vĩnh Long và Đồng Tháp hoàn thành các thủ tục cấp mỏ mới sẽ đảm bảo trên 9 triệu m3 trong năm nay để phục vụ thi công dự án.

“Với khối lượng còn lại (khoảng 9 triệu m3 - PV), Bộ sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với địa phương để đảm bảo nguồn cung theo kế hoạch. Như vậy, tiến độ hoàn thành của dự án sẽ đảm bảo theo đúng kế hoạch đã đề ra”, Bộ GTVT khẳng định.

Từ tháng 5 tới nay, khắp các khu vực bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục xảy ra các vụ việc sạt lở bờ sông, cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu, đường sá... Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp thị sát, kiểm tra tình hình sạt lở tại nhiều địa phương trong khu vực, để chỉ đạo giải pháp khắc phục.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mien-tay-sat-lo-do-khai-thac-cat-qua-muc-post1561321.tpo