Miền Trung

Bao giờ em về thăm/Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa/Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam...

Miền Trung

Tấm lưng trần đen sạm

Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn

Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng

Những đứa con văng như mảnh đạn

Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi

Miền Trung

Đã bao đời núi với bể kề đôi

Ôi! Biển Đông - giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ

Nóng hổi như vừa lăn xuống

Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm

Miền Trung

Câu ví giặm nằm nghiêng

Trên nắng và dưới cát

Đến câu hát cũng hai lần sàng lại

Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Miền Trung

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Em gắng về

Đừng để mẹ già mong.

(5-1990)

HOÀNG TRẦN CƯƠNG

Lưu dấu căn cước một vùng văn hóa

Nhà thơ Hoàng Trần Cương (1948-2020), nguyên Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, vừa qua đời sau một thời gian lâm trọng bệnh. Ông qua đời trong thời gian cách ly xã hội vì dịch Covid-19 nên nhiều bạn bè, người yêu thơ không thể đến dự lễ tang. Nhưng điều đó đâu có quá quan trọng, người trong văn giới vẫn nhớ đến ông với tính cách một ông đồ Nghệ đôn hậu, thẳng thắn và nhất là tài thơ hiển lộ với những câu thơ đọc một lần là nhớ: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”.

Sinh thời, Hoàng Trần Cương tự nhận mình sống “có lãi”: Tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn bình an trở về, phấn đấu sự nghiệp để lại nhiều đóng góp cho ngành tài chính và nhất là có nhiều tác phẩm thơ ca chất lượng, được nhiều giải thưởng uy tín, hơn thế được dịch sang tiếng Anh. Dù có diện veston đi năm châu bốn bể, Hoàng Trần Cương vẫn nhớ về quê hương, nguồn cội. Điều khác biệt khi lưu dấu tình yêu quê hương mãnh liệt vào thơ, Hoàng Trần Cương muốn khám phá các giá trị văn hóa-tầm vỉa sâu sắc, bền chặt, lâu dài tạo nên bản sắc, hình hài xứ sở. Tư duy, phong cách thơ Hoàng Trần Cương đã được định hình ngay từ trường ca đầu tay “Trầm tích” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1999).

Trường ca “Trầm tích” với 19 khúc, thực chất là 19 bài thơ độc lập về xứ Nghệ, về miền Trung, trong đó khúc cuối “Miền Trung” vừa có tính khái quát cao, vừa trữ tình để lại ấn tượng cho người đọc bao năm qua. Bề ngoài bài thơ là là tiếng nói chứa chan sôi nổi của chàng trai miền Trung mời gọi người yêu về thăm quê nhưng thực ra là để nói về chiều sâu nghĩa tình của con người và văn hóa.

Bài thơ dựng lên những thi ảnh, thi liệu đối lập: Thiên nhiên và ngoại cảnh khắc nghiệt, làm động lực cho con người miền Trung cần cù siêng năng, mạnh mẽ vượt khó: “Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn/ Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng/ Những đứa con văng như mảnh đạn/ Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi”. Tồn tại giữa mảnh đất nghèo sản vật bao nhiêu, người miền Trung lắng đọng cho mình một thứ văn hóa, ứng xử và biết trân quý các giá trị truyền thống nghĩa tình bấy nhiêu: “Câu ví giặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát/ Đến câu hát cũng hai lần sàng lại/ Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm”.

Không cần dài dòng, làm dáng câu chữ, chính giọng điệu thơ bộc trực, mạnh mẽ, phóng khoáng, câu chữ chắt lọc từ bao suy ngẫm trải nghiệm đã khái quát được những điều ai cũng biết về miền Trung mà đọc lên vẫn thấy ấn tượng xót xa: “Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người”.

Người miền Trung, người xứ Nghệ không thiếu những người làm thơ nổi tiếng nhưng có người phải thú nhận là từ bỏ ý định viết trường ca về quê hương bởi khó có thể vượt qua được Hoàng Trần Cương với “Trầm tích”. Cũng có thể đó là cách nói quá đặc thù của người miền Trung khi trót yêu một tài thơ Hoàng Trần Cương. Nhưng ai cũng phải thừa nhận, phải yêu quê hương đến quay quắt, bỏng cháy tận gan ruột, Hoàng Trần Cương mới có thể lưu dấu căn cước một vùng văn hóa vào thơ để người đọc nhớ mãi: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật”.

VIỆT PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mien-trung-615494