Miền Trung hối hả chống bão số 5
Dự kiến bão số 5 đổ bộ vào miền Trung trong sáng nay (12-9), các địa phương đã sẵn sàng ứng phó, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt
Do ảnh hưởng của bão số 5, trong ngày 11-9, nhiều khu vực ở miền Trung, từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa to và gió lớn liên tục khiến nguy cơ xảy ra lũ ống, sạt lở đất ở các huyện miền núi rất cao.
Ngày 11-9, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã đi kiểm tra hiện trường thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Thọ yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thi công trong mùa mưa bão; cắt cử lực lượng, tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục, xử lý và giải quyết tình huống, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở cao.
Do ảnh hưởng của bão, ngày 11-9, tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 21 nhà tốc mái. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế dự báo từ ngày 11 đến 13-9, tại tỉnh này có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa khoảng 150-300 mm, có nơi trên 400 mm, cần đề phòng ngập úng cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Để đối phó với bão số 5, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có phương án dự trữ 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm bảo đảm trong 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ra công điện khẩn yêu cầu các ban, ngành và địa phương tập trung ứng phó với bão số 5 và mưa lũ. Theo đó, các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành công tác sơ tán dân tránh bão trước 20 giờ, tuyệt đối không để người dân ra khỏi nhà từ 22 giờ ngày 11-9. Tỉnh Quảng Trị cũng đã lên phương án sơ tán gần 9.000 hộ dân với hơn 28.000 nhân khẩu thuộc các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ.
Các địa phương dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 cũng khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức hỗ trợ người dân trong việc chằng chống nhà cửa. Toàn thành phố cũng dự kiến sơ tán hơn 58.000 người với bão cấp 8 đến cấp 11. Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã mở cửa để 700 tàu cá cùng hơn 1.000 ngư dân vào neo đậu trú bão. Đơn vị cũng đã bố trí địa điểm và lên phương án test nhanh Covid-19 để sẵn sàng đưa số ngư dân này vào bờ nếu có bão.
Tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân trên địa bàn không nên ra đường từ 20 giờ tối 11-9 cho tới khi bão tan. Trong ngày 11-9, UBND huyện Phước Sơn đã vận chuyển 14 tấn gạo đến 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc đề phòng nguy cơ bị cô lập do mưa lũ, sạt lở gây ra. Chính quyền huyện Phước Sơn và nhiều huyện miền núi ở Quảng Nam cũng đã di dời hàng ngàn hộ dân các vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, theo ghi nhận trong ngày 11-9, do ảnh hưởng bão số 5 gây mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt. UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu cơ quan chức năng cần bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở và có nguy cơ cao bị sạt lở tại các huyện vùng cao Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện Bình Sơn, Trà Bồng.
Tỉnh Bình Định ghi nhận 1 tàu cá với 13 ngư dân gặp nạn trên biển. Tàu này đang bị thả trôi do hỏng máy khi đánh bắt trên vùng biển gần đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa. Đến chiều tối 11-9, gần 1.300 tàu cá cùng khoảng 9.000 ngư dân tỉnh Bình Định đã được hướng dẫn trú tránh bão.
Biển động rất mạnh
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 11-9 đã ban hành công điện, các văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với bão số 5.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo sáng nay (12-9), bão số 5 vào đất liền các tỉnh, thành Trung Trung Bộ, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7, cấp 8; sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-5 m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; khu vực sâu trong đất liền có gió giật cấp 7-8; nhiều nơi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 350 mm; Quảng Ngãi phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 200 mm.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mien-trung-hoi-ha-chong-bao-so-5-20210911224638154.htm