Miền Trung họp gấp vì… thiếu cát
Thời gian gần đây, hàng loạt các tỉnh thành miền trung đều đang xuất hiện tình trạng khan hiếm vật liệu san nền, vật liệu xây dựng như cát, đá. Hàng loạt các địa phương đã phải tổ chức họp gấp để giải quyết vấn đề này…
UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức họp với các sở, ngành và các doanh nghiệp liên quan về tình hình khai thác, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông, đất san lấp, đá xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Hiện Quảng Nam có tổng số điểm cát, mỏ đá, đất san lấp đã được quy hoạch thăm dò, khai thác trên địa bàn là 639 điểm. Trong đó, có 279 điểm mỏ cát; 112 điểm mỏ đá; 248 điểm mỏ đất san lấp.
Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có 46 giấy phép khai thác khoáng sản cát, đá, đất san lấp làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực. Tổng công suất khai thác cát, sỏi theo thiết kế là 279.664 m3/năm; đá: 2.358.48m3; đất san lấp: 1.385.968m3/năm.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Quảng Nam, trong thời gian qua, một số địa phương chậm tổ chức đấu giá quyền khai thác khoảng sản. Mặt khác, do một số vướng mắc trong quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản nên việc cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản chưa được kịp thời.
Hiện nay, số lượng giấy phép khai thác khoảng sản cát, đất san lấp trên địa bàn còn tương đối ít, một số đơn vị thi công trình trên địa bàn tỉnh phản ánh thiếu vật liệu cát, đất san lấp để thi công và có nơi chủ mỏ bán không đúng với giá công bố, giá niêm yết; bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán.
Qua theo dõi, thanh tra, kiểm tra nhận thấy vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tự giác chấp hành các quy định pháp luật, trong đó tập trung chủ yếu ở các hành vi sau: Cắm mốc không đầy đủ, cắm mốc không đúng quy cách mốc; không lắp đặt camera, trạm cân; không cần khoáng sản đưa ra khỏi khu vực khai thác; khai thác vượt ngoài ranh giới cho phép, khai thác vượt công suất, không lập đầy đủ bản đồ hiện trạng mỏ và các hồ sơ, chứng từ theo quy định; nộp báo cáo định kỳ không đúng thời hạn, không đầy đủ thông tin theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trưởng quy định; chậm thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ…
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức khai thác theo đúng công suất, trữ lượng đã được phê duyệt, cho phép; tuyệt đối không thực hiện hành vi găm hàng, tạo sự khan hiếm tài nguyên để đẩy giá trục lợi.
Tương tự, tại Quảng Trị, Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đang có 3 mỏ đất và mỏ đá có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đã được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 2,95 triệu m3; hiện tại mới chỉ khai thác khoảng 186.000 m3.
Địa phương này đã cấp phép nạo vét lòng hồ và tận thu đất làm vật liệu san lấp tại 27 hồ thủy lợi trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh với khối lượng tương đương 14,44 triệu m3 đất; hiện tại mới chỉ nạo vét và tận thu được khoảng 900.000 m3.
Dự kiến năm 2023, nếu thời tiết thuận lợi, nguồn đất tận thu từ nạo vét lòng hồ có thể đáp ứng được khoảng 5 triệu m3 để làm vật liệu san lấp.
Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp cũng đã diễn ra tại địa phương này. Trong cuộc họp ngày 9/3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu Sở Tài nguyên môi trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý vật liệu san lấp; rà soát quy trình thủ tục để đẩy nhanh tiến độ việc cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp sau khi trúng đấu giá.
Về phía các doanh nghiệp khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp, Quảng Trị yêu cầu phải thực hiện việc khai thác theo đúng giấy phép đã được cấp; bán đúng giá niêm yết; không được gây khan hiếm làm bất ổn thị trường.
Tại Quảng Bình, giá vật liệu bất ngờ tăng đột biến và khan hiếm, gây sốt thị trường vật liệu suốt 2 tháng qua. Chính quyền địa phương này đã mở nhiều cuộc họp bàn, phân tích, tìm mọi cách để hạ nhiệt, bình ổn thị trường, “cứu” các công trình đầu tư công, tư. Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp mới đây, vấn đề này lại được đem ra mổ xẻ.
Theo ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Quảng Bình cho biết, nếu các mỏ này hoạt động ổn định với tổng sản lượng hàng năm 170.000m3 cát sẽ đáp ứng đủ nhu cầu. Chưa kể vẫn còn lại một lượng cát gần 29.000m3 (giấy phép khai thác hết hiệu lực). Nếu được bán và chính quyền địa phương kiên quyết gia tăng kiểm soát, sẽ hết nạn khan hiếm và giá cả vật liệu sẽ trở lại quỹ đạo trước đây.
Mới đây nhất, trong công văn số 371/UBND-KT, Quảng Bình cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về khoáng sản, các văn bản chỉ đạo liên quan đến tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, các đơn vị chức năng phải thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân găm hàng, ép giá đối với nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với việc kinh doanh khoáng sản; xử lý tình trạng hợp pháp hóa, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với việc sử dụng khoáng sản tại các công trình, dự án.
Theo Bộ Giao thông vận tải, 10 dự án cao tốc thành phần thuộc cao tốc bắc nam từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 17,1 triệu m3 đá, 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp nền.
Tuy nhiên, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. Cụ thể, còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 đá, 3 triệu m3 cát và khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp nền.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trữ lượng vật liệu để làm đường cao tốc không thiếu nhưng cần sớm nâng công suất các mỏ đang khai thác và đẩy nhanh thủ tục để khai thác mỏ mới.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mien-trung-hop-gap-vi-thieu-cat.htm