Miền yêu thương

Thế mẹ mày đi thật hả Kiên?

- Thế mẹ mày đi thật hả Kiên?

- Mẹ đi đâu hai anh em có biết không? Có nói bao giờ về không con?

- Hai anh em giờ sống thế nào hả cháu? Mẹ có dặn dò gì hai đứa không?

- Rõ khổ, hai anh em trứng gà, trứng vịt…

Thằng Kiên cắm mặt xuống đất, giả ngơ, cố guồng chân hối hả để phóng xe đạp thật nhanh về nhà. Từ lúc mẹ nó khăn gói ra đi, hễ bước chân ra khỏi nhà là nó lập tức nhận được vô số câu hỏi kiểu như vậy kèm những ánh mắt xót xa, thương hại. Nó cũng chỉ biết vâng dạ cho phải phép. Mọi chuyện đến nó còn không hiểu thì nó biết nói thế nào cho mọi người hiểu đây?

Xóm Cót nhỏ như cái vành thúng giờ đây không còn chuyện gì nóng hổi hơn chuyện mẹ nó đột ngột biến mất. Chuyện động trời chứ không phải giỡn đâu. Họ hàng ở xa không biết đã đành một nhẽ, đằng này hàng xóm láng giềng cũng không ai hay ngoại trừ hai đứa con. Chẳng qua thấy sạp hàng đồ khô của mẹ nó ở chợ Hoành nghỉ bán cả tuần lễ nên bạn hàng mới thắc mắc. Lần hỏi đến nhà thì hai đứa con chỉ lắc đầu chỉ ra ngõ kêu không biết. Mà chúng không biết thật. Chúng cũng chẳng biết chạy đi đâu, hỏi ai và tìm mẹ kiểu nào. Chuyện nhà ra nông nỗi này, chúng biết kể thế nào đây? Hai thằng con trai đang tuổi ăn tuổi lớn đành lặng lẽ vào ra trong căn nhà năm gian xơ xác như chợ ngày ba mươi Tết, ngóng bóng mẹ một ngày nào đó sẽ xuất hiện nơi cửa nhà.

Rốt cuộc mẹ Hân của chúng đi đâu?

Thoạt tiên người trong xóm đồn đoán chắc mẹ nó đi kiếm mối làm ăn khấm khá hơn, đặng kiếm tiền trả nợ cho chồng, đỡ mang tiếng xấu cho những đứa con. Buôn bán nói trước bước không qua nên mẹ nó mới không tiết lộ với ai. Cái này nghe chừng cũng không có cơ sở bởi nợ nần của cha chúng lâu quá người ta cũng chán đòi rồi, người ta cũng biết thương cảnh ba mẹ con túng thiếu mà chấp nhận bỏ qua, vậy mắc mớ gì mẹ nó phải nặng lòng. Hay mẹ nó lầm lụi khổ sở mãi đâm phẫn chí, chán đời mà bỏ đi biệt xứ? Lý do này càng hoang đường hơn nữa. Mẹ nào nỡ bỏ lại con côi cút, mà hai con - thằng anh học lớp 10, thằng em học lớp 6 - rõ ngoan ngoãn hiền lành chứ.

Một tuần, hai tuần, rồi một tháng, hai tháng... trôi qua cái vèo. Anh em thằng Kiên vẫn ngơ ngác cảnh gà con đợi mẹ. Hàng xóm láng giềng thương tình đôi lúc đáo qua dúi cho hai anh em quả bí, mớ rau, chục trứng…, đoạn tranh thủ ngó nghiêng xem hai đứa ốm đau sống chết thế nào. Rõ khổ hai thằng con trai lộc ngộc, bát đũa ăn xong có khi chưa kịp rửa, quần áo chưa kịp giặt, nhà cửa có khi chưa kịp dọn. Sáng đi học có khi mặc vội quần áo treo trên dây còn chưa kịp khô. Nhưng hai anh em tuyệt nhiên không oán than, kêu ca gì. Thực ra có kêu ca cũng chẳng giải quyết được gì. Chúng biết tính mẹ. Mẹ bảo đi là đi, không nói qua nói lại nhiều lời. Mẹ dặn hai anh em ở nhà trông nhau thì anh em ở nhà trông nhau. Hai anh em vốn cũng đã quen thu xếp cuộc sống trong căn nhà năm gian tuềnh toàng vắng bóng cha suốt bao năm qua.

***

Mấy năm trước cha chúng đột ngột bỏ đi, không một lời nhắn nhủ. Khi ấy người trong xóm thêu dệt nhiều chuyện. Nào thì ông làm thầu xây dựng nhưng bị vỡ nợ nên phải bỏ trốn. Nào thì ông phải lòng con mụ bán thịt ngoài chợ huyện. Nào thì ông chán đời đâm ra sa đọa nghiện ngập chích hút bị người ta hốt đi trại. Nào thì ông xấu hổ với vợ con nên trốn tu ở chùa nào đó. Chuyện về cha chúng thì nhiều như nước sông mùa lũ, chẳng ai đong đếm được. Nhưng có một thực tế là kể từ bữa đó nhà còn lại ba mẹ con sớm tối lụi hụi bên nhau. Thực ra có cha ở nhà mẹ chúng cũng chẳng đỡ vất vả hơn. Ông cục cằn, khó tính. Hiếm khi ông cười với vợ con. Nguyên do cũng bởi ông thất cơ lỡ vận, làm ăn thất bát, nợ nần xếp đàn xếp đống mà sinh ra chán chường, cay nghiệt. Nhưng dù sao thì sự hiện diện của ông trong căn nhà cũng khiến không khí gia đình bớt quạnh quẽ, con có cha, vợ có chồng, bữa cơm có người thưa thốt chuyện trò.

Từ bữa cha bỏ đi, mẹ chúng như thể vỏ chai rỗng bị quăng ra biển. Có bữa ngồi bán hàng mà bà không cất lấy nửa lời, mặt mũi thất thần, mặc khách hỏi han. Chị em bạn hàng phải xúm vào bán hộ. Cũng may chỉ chếnh choáng mất một thời gian rồi bà cũng tự xốc lại được tinh thần, tập trung lo làm lo ăn, nuôi con nuôi cái. Bà gạt mọi lời bàn ra tán vào, thôi không than thân trách phận. Sáng vừa mở mắt bà đã tất tả ra chợ, tối nhọ mặt người mới quang gánh thu vén về nhà. Việc nhà bà dạy hai thằng con tự biết mà chủ động xoay xở. Gạo sẵn trong thùng, rau sẵn ngoài vườn. Buổi chợ cuối ngày về bà tranh thủ kho nồi cá, rang bát thịt, đảo mớ tép. Hôm nào nhỡ bữa thì vẫn còn ít trứng gà, hai anh em chỉ việc lấy ra mà chế biến. Việc học hành của hai đứa bà cũng để chúng tự chủ động. Thằng anh có trách nhiệm đưa em đi học, kiểm tra bài vở của em. Để thầy cô quở trách thì liệu hồn với mẹ. Lớ xớ, bà dùng roi để dậy. Con có lỗi, bất kể lỗi do thằng anh hay thằng em bà lôi tất cả hai đứa ra phạt. Lý do đơn giản là bởi hai đứa không biết bảo ban nhau nên dù lỗi của ai thì người kia cũng phải chịu trách nhiệm. Thế nên hai đứa cố gắng đừng làm gì sai để bị mẹ xuống đòn.

Hai đứa trẻ bởi vậy cũng tự biết thân biết phận mà ngoan.

***

Trước hôm đi, sau bữa cơm tối, mẹ gọi hai anh em thằng Kiên ngồi lại bên bàn nước và thông báo ngắn gọn việc mình có việc phải đi. Thời gian ngắn dài thế nào chưa biết, mẹ để tiền ở nhà, hai anh em chịu khó xoay xở, chăm sóc nhau. Bí quá thì chạy hỏi cô Loan, bạn buôn bán của mẹ. Nhất định cô sẽ giúp hai đứa. Khi nào lo xong việc mẹ sẽ về. Việc nhà nghe thế biết thế, tuyệt đối không nhiều chuyện. Yên tâm, mẹ không bỏ các con. Mẹ cũng sẽ không để các con phải khổ.

Thằng Kha run rẩy nhìn mẹ, định nhệu nhạo khóc thì bị thằng Kiên lườm cho sém mặt nên đành ngồi im. Đêm hôm ấy hai anh em nằm cạnh nhau, nín thở nghe tiếng cọt kẹt trở mình bên giường của mẹ. Thằng Kha nằm sụt sịt bảo mẹ đi thì anh em mình sống thế nào? Thằng Kiên nói cứng: Có gì mà lo không sống được. Mày cần gì có anh đây rồi. Cá anh cũng biết kho, thịt anh cũng biết rang. Mày muốn gì? Thằng Kha ấm ức, anh là anh, mẹ là mẹ. Có anh nhưng em cần mẹ. Thằng Kiên chậc lưỡi: Thì mẹ đi mẹ lại về, vài bữa thôi mà. Có việc quan trọng lắm mẹ mới phải đi như vậy, xong việc mẹ sẽ về. Thằng Kha thiểu não: Biết vậy nhưng mà mẹ không đi đâu thì vẫn tốt hơn. Cái này thì thằng Kha nói trúng ý thằng Kiên. Thằng Kiên cầu trời cho mẹ nó sau một đêm nằm nghĩ lại bèn đổi ý, sáng ra sẽ tuyên bố rằng thôi mẹ không đi nữa, mẹ ở nhà với các con thôi. Không có việc gì quan trọng bằng việc ở bên cạnh các con. Như vậy có phải tốt biết bao. Ý nghĩ tươi sáng này như liều thuốc an thần, giúp xoa dịu những làn sóng thổn thức chực trào trong lồng ngực nó, khiến nó thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng, vừa nghe tiếng con gà gáy toe toe ngoài vườn, thằng Kiên mở choàng mắt. Thằng Kha đã không còn nằm bên cạnh. Thằng Kiên lao bổ ra ngoài sân. Nó nhìn thấy thằng Kha đang ngồi thẫn thờ trên bậc cửa, mặt chảy dài như quả chuối nẫu, giọng meo méo:

- Mẹ đi rồi...

Thôi thế là xong. Ông trời đã không nghe thấy lời khẩn cầu của thằng Kiên nên sau một đêm, ý định ra đi của mẹ nó vẫn thực hiện như kế hoạch. Thằng Kiên ngồi xuống cạnh cu em, cố tỏ ra bình thản:

- Ừ thì mẹ đã nói là đi rồi còn gì.

Hai anh em cứ ngồi chong chong nhìn đến trụi cả vạt cỏ ở con ngõ trước cổng. Thằng Kiên hình dung ra hướng đi của mẹ. Ra khỏi ngõ, mẹ sẽ rẽ về bên phải, đi hết dọc con đường ven sông, rẽ phải tiếp về phía đường chính. Qua chợ Hoành, rẽ trái là đến điểm chờ xe khách liên huyện. Nhưng mẹ nó sẽ lên chuyến xe nào, và sẽ đi đến đâu? Tới đoạn này thì nó không có lời giải. Tại sao mẹ nó lại phải ra đi? Mẹ nó có kế hoạch gì trong chuyến đi kỳ lạ lần này? Vô số các câu hỏi mọc ra như gai bưởi, châm chích vào trái tim nó, khiến nó đau đớn.

- Ăn gì anh nấu rồi còn đi học kẻo muộn?

Thằng Kiên phủi đít đứng dậy, nén cơn sầu muộn xuống đáy sâu. Thằng Kha vẫn thờ thẫn chẳng nói chẳng rằng. Nó muốn khóc mà không dám khóc, nhỡ đâu bị thằng anh đá đít cho thì khổ.

- Ăn gì? - Thằng Kiên quát - Không thì anh úp mì tôm, đừng có mà đòi.

- Vâng, thế cũng được.

Giọng thằng Kha nhũn ra như sợi bún chần nước sôi.

***

Thằng Kiên không đếm được những đêm nó nằm nghe tiếng tầu chuối quạt gió ngoài vườn sau. Thằng Kha nằm cạnh nó, thở đều đều. Mùi mồ hôi chua chua của thằng em giờ đây tự nhiên trở nên thân thương đến lạ.

Thằng Kha đã không còn hỏi anh bao giờ mẹ về. Hàng xóm cũng không gặng hỏi hai anh em nó thông tin về mẹ Hân. Rốt cuộc thì ai cũng phải lo chuyện nhà mình, sức đâu mà quan tâm mãi đến chuyện của nhà khác được. Nhưng nhỡ mẹ đi không về nữa thì sao? Ý nghĩ ấy khiến thằng Kiên thấy ớn lạnh. Cha chúng cũng đi biền biệt rồi có thấy về đâu. Ai dám bảo đảm rằng… Thằng Kiên không dám nghĩ tiếp. Nhưng càng xua đuổi viễn cảnh u ám đó thì nó lại càng nghĩ nhiều hơn. Tiền mẹ để ở nhà đã gần cạn. Chẳng mấy nữa mà nó phải chạy nhờ cô Loan. Nhưng cứ kéo dài mãi thế này thì không ổn. Nó phải nghĩ cách để nuôi em Kha. Nó là anh, nó phải gánh vác trách nhiệm này.

Nhiều lần đi qua hàng sửa xe máy của ông Cân, nó nảy ra ý định xin vào đó theo học và kiếm việc. Xóm Cót bây giờ nhà nào chẳng có xe máy, đi nhiều ắt sẽ hỏng. Thanh niên xóm thì đua nhau lên phố, ông Cân chắc sẽ cần người làm trẻ khỏe nhanh nhẹn như nó. Nó chịu khó học thế nào cũng làm được. Ít ra thì nó cũng biết rửa xe. Ai dè bữa trước nó vừa loạng quạng vào hỏi chuyện đã bị ông Cân trừng mắt đuổi về. Ông Cân mắng nó lo về mà học hành cho tử tế, chứ học đến chừng này rồi còn định bỏ là sao? Học xong thì thiếu gì việc mà làm.

Thằng Kiên lủi thủi đi về như con gà chọi bị đá khỏi xới. Ý nghĩ bỏ học kiếm việc nuôi em càng bùng lên dữ dội. Đấy cũng là cách để nó đỡ đần cho mẹ. Vừa may kỳ nghỉ hè đến nên nó có cơ hội để tập dượt, thử sức.

***

Bữa cơm muộn cuối ngày hôm nay có thịt gà rang. Đấy là tiền công của thằng Kiên đi bốc dỡ hàng hóa cho xưởng vật liệu xây dựng ở xóm bên. Cầm được những đồng tiền đầu tiên do mình kiếm được nó chạy ngay ra chợ nhờ bác Sành làm cho con gà sạch sẽ, chặt sẵn, ướp gừng, về chỉ việc nêm nếm mắm muối mà rang lên ăn. Khỏi nói thằng Kha hân hoan đến thế nào. Nó cầm sẵn bát đũa ngồi chực chờ bên bếp, cái miệng tem tém nuốt nước bọt liên tục.

- Chịu khó học hành tử tế, anh đi kiếm tiền, anh em mình lại có thịt gà mà ăn.

Thằng Kiên tuyên bố chắc nịch. Thằng Kha gật gật đầu, không phản đối, mắt vẫn hóng vào nồi gà rang thơm lừng.

Nồi thịt đã chính, thằng Kiên nghiêng người dụi lửa, tắt bếp. Tự nhiên nó thấy khắp không gian dâng lên một mùi hương quen thuộc đến nôn nao. Trong tích tắc nó thấy tim mình đập chộn rộn.

Mẹ!

Thằng Kiên quay phắt ra ngoài cửa bếp. Mắt nó như thể bị nhòe đi.

Mẹ. Đúng là mẹ rồi. Cạnh mẹ là dáng người gầy gò, cao lênh khênh của cha đứng như tạc vào khung cửa liêu xiêu. Liệu nó có nhìn nhầm không vậy?

- Các con...

Tiếng cha nhòe đi trong khói bếp cay xè, nghẹn những yêu thương.

Truyện ngắn của PHONG ĐIỆP

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/truyen-ngan/mien-yeu-thuong-637582/