Miệng có vị kim loại khi ho có nguy hiểm không?

Ho không phải là triệu chứng hô hấp hiếm gặp khi thời tiết giao mùa. Có nhiều nguyên nhân gây ho như cúm, cảm lạnh,... với các cơn ho khan, ho có đờm nhưng miệng có vị kim loại khi ho có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe nguy hiểm hơn bạn nghĩ.

 Miệng có vị kim loại khi ho cũng có thể gặp ở bệnh nhân lao phổi bị ho ra máu (Ảnh: ST)

Miệng có vị kim loại khi ho cũng có thể gặp ở bệnh nhân lao phổi bị ho ra máu (Ảnh: ST)

Theo Healthline, việc ho khạc đờm liên tục thường khiến họng bị tổn thương, chảy một lượng nhỏ máu vào miệng và gây ra tình trạng miệng có vị kim loại khi ho. Mặc dù miệng có vị kim loại khi ho có thể chỉ đơn thuần là triệu chứng cảm lạnh thông thường nhưng còn nhiều nguyên nhân sức khỏe tiềm ẩn khác cần được khám ngay lập tức.

1. Miệng có vị kim loại khi ho là bệnh gì?

Nếu bị ho ra một chút máu hay miệng có vị kim loại khi ho, có thể bạn đã gặp phải các tình trạng dưới đây, điều quan trọng là quan sát các triệu chứng sức khỏe bất thường khác kèm theo tình trạng miệng có vị kim loại khi ho để nhanh chóng thăm khám bác sĩ.

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Thường xảy ra do nhiễm virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên dẫn tới kích ứng mũi họng, thậm chí là phổi như cảm lạnh, viêm xoang, đau họng hoặc nghiêm trọng hơn do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn.

Miệng có vị kim loại khi ho là bệnh gì? Ảnh: ST

Miệng có vị kim loại khi ho là bệnh gì? Ảnh: ST

Triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên chủ yếu gồm nghẹt mũi, ho dai dẳng, mệt mỏi và kèm theo sốt nhẹ. Ho trong nhiễm trùng đường hô hấp có thể là ho khan hoặc ho có đờm, trong đó đờm, chất nhầy và dịch tiết từ nhiễm trùng có thể gây ra tình trạng miệng có vị kim loại khi ho.

- Bệnh nha chu: Bệnh nha chu là tình trạng nhiễm trùng của các mô nướu trong miệng, xảy ra do tích tụ vi khuẩn trong khoang miệng. Bệnh nha chu có thể gây ra các triệu chứng gồm: Hơi thở có mùi hôi, sưng đau viêm nướu, chảy máu nướu răng, răng ê buốt. Trong những trường hợp bị viêm nha chu nặng, răng có thể bị lung lay do tụt lợi. Máu chảy từ nướu răng có thể gây kích ứng niêm mạc họng và khiến người bệnh cảm thấy miệng có vị kim loại khi ho.

- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra vị kim loại trong miệng, chẳng hạn như thuốc chống đông máu, thuốc hóa xạ trị ung thư vùng đầu cổ, thuốc gây mê, thuốc kháng sinh, thuốc metformin, thuốc ức chế thụ thể ACE.

Trong đó, gây mê có thể khiến người bệnh cảm thấy miệng có vị kim loại trong 1 - 2 tuần sau đó, thậm chí nhiều tháng. Hoặc thuốc điều trị ung thư khiến chức năng của vị giác giảm, lượng nước bọt giảm ảnh hưởng tới cảm nhận mùi vị thức ăn dẫn tới một số loại thức ăn mặn, đắng, ngọt trở nên khó chịu. Chẳng hạn thịt có vị kim loại khi ăn.

Tốt nhất, hãy nói chuyện với bác sĩ thay vì tự ý ngừng thuốc sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh.

Một số bài tập thể dục cường độ cao có thể gây ra vị kim loại trong miệng (Ảnh: ST)

Một số bài tập thể dục cường độ cao có thể gây ra vị kim loại trong miệng (Ảnh: ST)

- Tập thể dục: Nghe có vẻ không liên quan nhưng một số bài tập thể dục cường độ cao có thể gây ra vị kim loại trong miệng. Đặc biệt nếu điều này thường xuyên xảy ra và dẫn tới các triệu chứng khác như ho ra máu nghiêm trọng, khó thở thì cần nhanh chóng tìm bác sĩ để được giúp đỡ.

Tình trạng phù phổi cấp do tập thể dục (Exercise-induced pulmonary edema) do áp lực ở ngực tăng, các tế bào hồng cầu rò rỉ vào túi khí của phổi và giải phóng hemoglobin có chứa sắt. Lúc này phế quản vận chuyển các hemoglobin tới miệng và gây ra vị kim loại trong miệng.

- Viêm phế quản cấp tính:Nguyên nhân gây ra gồm virus, vi khuẩn với các triệu chứng viêm phế quản như nghẹt mũi, ho, nhức đầu, đau họng, đau nhức cơ và mệt mỏi; nếu không chữa dứt điểm người bệnh có thể bị ho ra máu.

- Ung thư phổi:Ho ra máu là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư phổi. Ho do ung thư phổi ban đầu thường là ho khan sau đó chuyển sang ho có đờm kéo dài, lúc nào cũng có cảm giác ngứa ngáy trong cổ họng và phải khạc nhổ thường xuyên; thậm chí sau đó là các cơn ho dữ dội hơn có lẫn máu hoặc các chất nhầy dạng giống thạch. Điều này khiến bệnh nhân có cảm giác miệng có vị kim loại khi ho.

- Bệnh lao phổi:Miệng có vị kim loại khi ho cũng có thể gặp ở bệnh nhân lao phổi bị ho ra máu do các mạch máu bị hoại tử hoặc có xu hướng bị tổn thương. Máu trong bệnh lao phổi thường có màu đỏ tươi, ra trong hoặc sau cơn ho kèm theo các bọt, bóng khí có thể lẫn với đờm.

- Hen suyễn: Những người bị hen suyễn có thể ho ra máu trong hoặc sau một đợt hen kèm theo thở khò khè, khó thở, ho nhiều hơn vào buổi sáng.

Ngoài các tình trạng có thể gây ra miệng có vị kim loại khi ho là bệnh gì kể trên thì thuyên tác phổi, dị vật kẹt trong đường thở hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng có thể dẫn tới tình trạng này, với các mức độ và đặc trưng triệu chứng khác nhau.

2. Miệng có vị kim loại khi nào cần khám bác sĩ?

Mặc dù thường thì tình trạng miệng có vị kim loại thỉnh thoảng mới xảy ra không đáng lo ngại, sẽ tự khỏi trong vài ngày. Nhưng nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hơn dưới đây cùng với vị kim loại trong miệng thì bạn cần khám sớm:

- Ho ra máu nhiều hơn: Nếu bị ho ra máu khiến miệng có vị kim loại, tùy từng nguyên nhân gây ra là gì mà việc điều trị sẽ giúp kiểm soát và loại bỏ vấn đề này. Lượng máu ho ra dưới 50ml/ngày. Máu ho ra chỉ thành vệt lẫn trong chất khạc hoặc chỉ vài ngụm máu nhỏ. Bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các thuốc an thần cầm máu, giảm ho, giảm vận động, uống nước mát, ăn lỏng (sữa, súp) hoặc nửa lỏng (cháo, mì, miến, phở...).

Nhưng với lượng máu trong khi ho ra nhiều hơn từ 50 - 200ml hoặc thâm chí trên 200ml/ngày thì cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ để được can thiệp chẩn đoán sớm.

- Sốt kéo dài hoặc sốt cao: Sốt nhẹ là triệu chứng phổ biến của các nhiễm trùng đường hô hấp trên nhưng nếu sốt trên 39,4 độ C và có vị kim loại trong miệng thì hãy cẩn thận.

- Miệng có vị kim loại khi ho kèm theo khó thở, thở khò khè: Cảnh báo đường thở đang bị thu hẹp, có thể dẫn tới cơn hen suyễn bùng phát nghiêm trọng, đau tim, thuyên tắc phổi,... cần cấp cứu khẩn cấp.

Các triệu chứng khác như giảm cân không chủ đích, chán ăn, mệt mỏi nghiêm trọng dù nghỉ ngơi đầy đủ có thể cho thấy nguy cơ ung thư. Nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh đáp ứng điều trị tốt và tăng tiên lượng bệnh.

Nhìn chung, tình trạng miệng có vị kim loại khi ho (có thể có máu hoặc không) thường nhẹ và cải thiện sau vài ngày nhưng cũng có thể do các nguyên nhân nghiêm trọng cần chăm sóc khẩn cấp như thuyên tắc phổi, lao phổi, ung thư phổi,... Quan trọng là chú ý tới các bất thường sức khỏe khác và thăm khám khi cảm thấy không ổn.

Châu Anh (tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mieng-co-vi-kim-loai-khi-ho-co-nguy-hiem-khong-202502201403023.htm