Miếng ghép còn thiếu của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Một thực trạng với phần đông startup Việt Nam đó là chưa quan tâm nhiều đến vấn đề pháp lý, đôi khi dẫn đến quá trình nhận vốn đầu tư tốn nhiều thời gian và tình trạng hậu đầu tư gặp nhiều rắc rối.
Việt Nam với GDP bình quân 5 năm gần nhất, từ 2015-2019, đạt 6,76% và trở thành một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất thế giới - đang trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Thực tế, các tập đoàn lớn, quỹ mạo hiểm đang có sự tin tưởng vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Báo cáo của Do Ventures năm 2020 cũng chỉ ra khởi nghiệp Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam nhận định: "Các nhà đầu tư đang kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực và thế giới".
Mặc dù các startup Việt Nam đang đứng trước cơ hội rộng mở, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập Ecomobi, startup không nên gọi vốn bằng mọi giá, xác định rõ mục tiêu gọi vốn, thay vì gọi vốn theo phong trào.
Một thực trạng với phần đông startup Việt Nam đó là chưa quan tâm nhiều đến vấn đề pháp lý, đôi khi dẫn đến quá trình nhận vốn đầu tư tốn nhiều thời gian và tình trạng hậu đầu tư gặp nhiều rắc rối.
Các điều khoản trong hợp đồng được ông Bùi Thành Đô, Giám đốc và đồng sáng lập Thinkzone Ventures chỉ ra - là điều startup chưa thực sự coi trọng, dẫn đến các thương vụ đầu tư thường có lợi cho nhà đầu tư một cách không công bằng.
Ông Hoàng Minh Đức, luật sư cấp cao tại Duane Morris cho rằng, đó là do văn hóa người Á Đông trường tránh né va chạm, đặc biệt trong quá trình nhạy cảm như hoàn thiện hợp đồng gọi vốn. Startup cần hiểu nội hàm, bản chất của các điều khoản trong hợp đồng, từ đó có định hướng nhất định để xử lý nếu có vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, với các startup mới hoạt động chưa có doanh thu nên chưa có khả năng chi trả chi phí thuê luật sự đồng hành trong các thương vụ quan trọng thì ông Đức cho rằng, startup có thể giải quyết bằng cách tìm hiểu thông tin trên mạng, đồng thời tranh thủ đến các hội thảo chuyên môn để trao đổi thông tin và nhận được tư vấn từ các luật sư.
Theo thống kê của Văn phòng Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội.
Mỗi quỹ đầu tư lại có khẩu vị, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc đầu tư VIGroup chỉ ra những sự khác biệt cơ bản giữa quỹ nội và quỹ ngoại. Theo đó, quỹ ngoại thường có mạng lưới đối tác ở rất nhiều quốc gia khác nhau, do đó có thể hỗ trợ startup nhiều trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường khác.
Trong khi đó, quỹ nội thường có sự am hiểu sâu rộng về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, có đội ngũ nhân lực hỗ trợ startup về các vấn đề pháp lý, kế toán, tài chính.
"Sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực của quỹ hiện diện tại thị trường Việt Nam", ông Việt kết luận.
Theo các chuyên gia, startup cần có sự tìm hiểu kỹ càng về các nhà đầu tư sẽ tham gia vào vòng gọi vốn tiếp theo của mình.
Ngoài ra, do mỗi nhà đầu tư đều có một vài startup trong danh mục đầu tư, nên startup cùng được đầu tư bởi một quỹ cần có sự kết nối chặt chẽ với nhau, hướng tới hình thành các cộng đồng nhỏ để có thể thường xuyên trao đổi thông tin.