Người phụ nữ nhập viện sau đêm ngủ phòng máy lạnh

Vừa ngủ dậy, người phụ nữ ở Phú Thọ đã phải vào bệnh viện cấp cứu vì dấu hiệu lạ trên mặt.

Thức dậy sau một đêm ngủ trong phòng máy lạnh, bà H.T.T. (47 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) phát hiện không nhắm kín được mắt phải, miệng méo, ăn uống rơi vãi.

Ngay sau đó, người phụ nữ này đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân liệt mặt do nhiễm lạnh.

Bà T. được chuyển sang điều trị phục hồi chức năng tại khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng liệt mặt của bà đã được cải thiện nhưng chưa phục hồi hoàn toàn.

 Người phụ nữ nhập viện sau một đêm nằm trong phòng máy lạnh. Ảnh: BVCC.

Người phụ nữ nhập viện sau một đêm nằm trong phòng máy lạnh. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Anh Hùng, Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, giải thích liệt mặt ngoại biên có nguyên nhân chủ yếu từ lạnh. Bởi dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với bề mặt da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu sẽ co lại gây tổn thương thần kinh số 7 ngoại biên.

Đây là bệnh khá phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nếu không điều trị kịp thời. Nếu có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và điều trị, không nên tự điều trị tại nhà hoặc điều trị theo kinh nghiệm.

Nếu để bệnh ở mức độ nặng, áp dụng các biện pháp điều trị muộn rất khó khỏi. Đặc biệt, điều trị muộn có thể gây thoái hóa dây thần kinh, một số trường hợp còn có chiều hướng tiến triển xấu do điều trị sai cách.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân cần lưu ý để tránh tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên vào mùa hè là không nên mở điều hòa quá lạnh, cần giữ ấm đầu, mặt, cổ. Bên cạnh đó, người dân cần tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, không tắm quá khuya.

Khi cho trẻ nhỏ ra ngoài trời vào lúc sáng sớm hoặc đêm muộn, cha mẹ cần cần mặc kín, đội mũ cho con, đeo khẩu trang, không nên cho bé ngồi phía trước xe máy.

Ngoài ra, một lưu ý khác trong mùa hè khi ngủ phòng máy lạnh là chú ý điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Bên cạnh bệnh liên quan dây thần kinh số 7, ngủ phòng máy lạnh không đúng cách (quá lạnh hoặc lâu ngày không vệ sinh máy lạnh) có thể dẫn đến nhiều bệnh đường hô hấp như viêm mũi, nghẹt mũi, viêm phổi, viêm phế quản, đau họng, khô họng...

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-phu-nu-nhap-vien-sau-dem-ngu-phong-may-lanh-post1482904.html