Minh bạch cho vay mới, trả nợ cũ

Theo các chuyên gia, sau gần một năm các TCTD được phép cho vay mới trả nợ cũ tại các TCTD khác theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có các quy định về cho vay tái tài trợ có hiệu lực, hoạt động cho vay mới để khách hàng trả các khoản nợ cũ buộc các TCTD giảm lãi suất cho vay và tạo ra nhiều dịch vụ tốt hơn nếu không muốn mất khách hàng.

Nhiều sản phẩm vay tái tài trợ

Để triển khai chính sách này một cách bài bản, các NHTM đã niêm yết công khai các mức lãi suất mới trả nợ cũ ở trong từng nhóm lĩnh vực cho vay sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống để hỗ trợ khách hàng chuyển nợ và giảm áp lực chi phí lãi vay. Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) vừa niêm yết các gói vay bao gồm: cho vay ưu đãi xây dựng, sửa chữa nhà, vay trồng lúa và vay phục vụ đời sống kích cầu tiêu dùng. Các gói vay này được ngân hàng thiết kế với hạn mức từ 3-5 tỷ đồng, cho vay 80% giá trị tài sản đảm bảo trong thời gian từ 10-25 năm. Mức lãi suất áp dụng cho các khách hàng vay mới và chuyển khoản vay từ ngân hàng khác chỉ từ 3,5% - 5,5%/năm.

Với hoạt động cho vay để trả nợ cũ tại các ngân hàng khác cũng được các ngân hàng đẩy mạnh áp dụng, trong đó Vietcombank đang cho vay trả nợ trước hạn đối với các khoản vay tại ngân hàng khác với mức lãi suất 5,5%, 5,7% và 6,2%/năm - áp dụng lần lượt cho 6 tháng, 12 tháng và 18 tháng đầu.

Việc mở rộng pháp lý cho vay tái tài trợ giúp tăng cạnh tranh giữa các ngân hàng

Việc mở rộng pháp lý cho vay tái tài trợ giúp tăng cạnh tranh giữa các ngân hàng

VPBank cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn với mức lãi 4,6%/năm, ân hạn nợ gốc tới 24 tháng. Trong khi đó, VIB áp dụng các mức lãi suất ưu đãi 5,5%, 6,5% và 7,5%/năm - tương ứng ưu đãi 6-12 và 24 tháng khi khách hàng chuyển các khoản vay từ ngân hàng khác về ngân hàng này.

Các ngân hàng khác hiện cũng đang rất tích cực tìm khách hàng tốt giải ngân các gói vay ưu đãi sản xuất, tiêu dùng, trong đó có trường hợp vay trả nợ trước hạn ngân hàng khác.

Trên thị trường hiện nay các mức lãi suất bình quân các khoản vay này rất cạnh tranh. Tại Agribank mức lãi áp dụng là khoảng 6%/năm cho 24 tháng đầu tiên; tại BIDV, lãi vay ưu đãi từ 5-5,5%/năm (cho 6 tháng hoặc 12 tháng đầu). Trong khi đó, ACB áp dụng lãi suất cho vay 7%/năm trong 12 tháng đầu. Từ năm thứ 2, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất cho vay cơ sở cộng với biên độ 3,5%/năm.

Thêm cơ hội tiếp cận vốn rẻ

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, các NHTM được phép cho vay mới trả nợ cũ đã mang đến cho thị trường sự cạnh tranh sôi động trong việc phổ biến, mở rộng các gói tín dụng ưu đãi lãi suất trong bối cảnh mặt bằng lãi vay nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp.

TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đối với các khoản vay hiện hữu việc ngân hàng trực tiếp giảm một phần lãi suất là “rất kẹt” về pháp lý và khó có thể áp dụng với tất cả khách hàng. Bởi lãi suất cho vay cũ theo hợp đồng đã được tính toán kỹ trên cơ sở cân đối chi phí huy động, chi phí hoạt động và bù đắp rủi ro. Nếu muốn giảm lãi suất các khoản vay cũ ngân hàng sẽ phải tính toán lại phương án vay, định giá tài sản đảm bảo, cân đối hiệu quả đầu tư khoản vay.

“Việc này không dễ dàng và khó áp dụng với tất cả khách hàng. Vì thế Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã tạo “cửa ngách linh hoạt” để khách hàng đang vay vốn có thể chuyển một số khoản nợ sang ngân hàng có lãi suất thấp hơn, tận dụng các ưu đãi của thị trường”, TS. Linh nhận định.

Một số chuyên gia khác cho rằng, việc mở rộng và cho phép các NHTM có thể tăng cho vay mới để trả nợ cũ tại các ngân hàng khác đối với các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống là động lực giúp các ngân hàng cạnh tranh gia tăng thời gian ưu đãi và giảm lãi suất giữ chân khách hàng. Việc này có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng vay vốn phục vụ cho các nhu cầu đời sống. Trong đó, quan trọng nhất là khách hàng có nhiều cơ hội tiếp cận các gói vay lãi suất thấp và đưa mặt bằng lãi thấp trên thị trường về mức thấp.

Tuy nhiên, Luật sư Trần Văn Nhiên - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi khách hàng có nhu cầu vay của ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác tức là “đã có tính toán”, cân nhắc lợi thiệt. Vì thế, các TCTD cần xem xét, thẩm định kỹ lưỡng phương án, dự án. Trong đó, cần xác minh rõ hiện trạng khoản vay của khách hàng, làm rõ khách hàng có bao nhiêu khoản nợ, tình trạng các khoản nợ đang như thế nào. Bên cạnh đó, TCTD thẩm định kỹ tài sản bảo đảm của khoản vay có đang được sử dụng để bảo đảm chung cho các khoản vay khác (của chính khách hàng hoặc bên thứ ba) tại ngân hàng đang cho vay hay không.

“Về lý thuyết, nếu khoản vay đang tốt, quá trình trả nợ đúng hạn và tài sản đảm bảo của khoản vay có tính thanh khoản cao thì khách hàng đang là khách hàng tốt của ngân hàng đang cho vay. Vì thế, về phía khách hàng cũng không có nhiều động cơ để vay từ ngân hàng khác để trả nợ. Chưa kể, nếu có thì việc hợp tác giữa hai ngân hàng cũng gặp khó khăn, vì không nhà băng nào muốn nhường khách hàng tốt cả”, ông Nhiên phân tích.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/minh-bach-cho-vay-moi-tra-no-cu-154773.html