Minh bạch chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản

Trong các cuộc đàm phán thương mại song phương, Mỹ thường yêu cầu đối tác phải chứng minh khả năng kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, minh bạch chuỗi cung ứng và đảm bảo không tiếp tay cho hoạt động gian lận. Đây là vấn đề cần được ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đặc biệt quan tâm để hạn chế rủi ro, giảm thiệt hại trước tác động của chính sách thuế quan.

Minh bạch chuỗi cung ứng là yêu cầu hàng đầu để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ảnh: ST

Minh bạch chuỗi cung ứng là yêu cầu hàng đầu để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ảnh: ST

Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đứng trước thách thức lớn

Nông, lâm, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn của Việt Nam. Trong đó, thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng này. Tuy nhiên, với việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam đang đặt ra những rủi ro, thách thức rất lớn cho hoạt động xuất khẩu của ngành nông nghiệp…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, nếu bị áp mức thuế này, xuất khẩu nông sản sang Mỹ thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, “toàn ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần nhanh chóng đánh giá lại và triển khai các giải pháp phù hợp để duy trì đà tăng trưởng. Các ngành hàng cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng tình hình mới” - Thứ trưởng Tiến nói.

Bên cạnh việc phối hợp, tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ để thuyết phục điều chỉnh lại mức thuế phù hợp; một trong những hướng đi quan trọng là toàn ngành cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn về nguồn gốc. Giải pháp thứ hai, đó là phải mở rộng thị trường xuất khẩu để giảm lệ thuộc. Tuy nhiên, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, dù có áp dụng giải pháp gì, thì một trong những vấn đề mấu chốt ngành nông nghiệp cần quan tâm, đó là nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, minh bạch chuỗi cung ứng. Bởi theo ông Thủy, Việt Nam bị Mỹ nhìn nhận là nơi tiếp nhận hàng của thị trường khác để xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, “đảm bảo rõ nguồn gốc của sản phẩm là yêu cầu sống còn” - ông Thủy nhấn mạnh.

Vừa chịu tác động của chính sách thuế quan từ Mỹ, vừa trong diện bị áp “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), ngành thủy sản đang đứng trước áp lực kép cần có giải pháp tháo gỡ, đổi mới toàn diện, trong đó có việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như chất lượng, độ an toàn của sản phẩm xuất khẩu.

Là ngành hàng có nguy cơ cao trước chính sách thuế của Mỹ, ngành gỗ (năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Mỹ chiếm trên 55% tổng kim ngạch của ngành, đạt trên 11 tỷ USD) cũng đang “thấp thỏm” trước việc Tổng thống Mỹ yêu cầu rà soát thuế đối ứng với từng mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Bên cạnh đó, dù đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi vào thị trường châu Âu (EU), song xuất khẩu gỗ phải đối diện với một số thách thức, đặc biệt là khi EU đặt ra tiêu chuẩn cao về nguồn gốc nguyên liệu. “Nguồn cung nguyên liệu dồi dào thôi chưa đủ, mà nguồn gốc phải rõ ràng, nhất là việc khai thác gỗ không làm giảm diện tích rừng theo yêu cầu của EU” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài lưu ý.

Cần sự chung sức, nỗ lực của các bên

Trong bối cảnh thị trường liên tục có biến động với nhiều thách thức đan xen, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản góp phần giảm thiểu rủi ro cho sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng cũng cần phải tập trung vào sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường, đặc biệt là yếu tố xuất xứ. Đây là yếu tố cốt lõi, mang lại sự phát triển bền vững cho ngành trước các rủi ro, thách thức ngày càng gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến

Liên quan đến nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp - ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp gỗ. Bởi, muốn có ngành công nghiệp gỗ mạnh, đủ sức cạnh tranh để tiếp cận các thị trường tiềm năng, cần phải tập trung phát triển hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, chất lượng cao. “Để hạn chế được rủi ro, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp, bất kể đó là thị trường nào” - ông Hoài cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết đơn vị đã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Nhiệm vụ của mã số này là phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng với các yêu cầu quốc tế, cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.

Nhấn mạnh việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trước khi xuất khẩu là cần thiết, song theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến hải sản hiện đang gặp khó khăn ở khâu đảm bảo nguyên liệu đánh bắt hợp pháp. Hiện nay, việc cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) (nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp theo khuyến cáo của EC) tại các cảng cá ở nhiều nơi đang mất rất nhiều thời gian. Do đó, để tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét thay đổi quy định về việc cấp S/C. Đồng thời, xem xét chấp nhận mẫu Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) của các quốc gia có Thỏa thuận với EU, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mua nguyên liệu từ các quốc gia này về trong nước chế biến và xuất khẩu sang EU.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong muốn các ngành, địa phương đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong bối cảnh biến động thế giới, cũng như các thị trường tăng cường thực thi các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước. “Chúng tôi đang nỗ lực thay đổi, với việc làm chủ công nghệ chế biến, minh bạch hóa trong chuỗi cung ứng song rất cần được tiếp cận vốn ưu đãi, cũng như được đơn giản hóa thủ tục theo quy định để nâng cao năng lực hoạt động” - đại diện một doanh nghiệp cho biết./.

PHỐ HIẾN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/minh-bach-chuoi-cung-ung-nong-lam-thuy-san-40076.html