'Minh bạch là nguyên tắc cơ bản của hoạt động vận động quyên góp từ thiện'

Theo đại biểu Quốc hội, Nghị định 93 của Chính phủ quy định về việc cá nhân kêu gọi, quyên góp tiền từ thiện là cần thiết, là hành lang pháp lý để có thể triển khai được một cách thuận lợi, minh bạch, đúng đối tượng.

Ngày 27/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/12.

Theo Nghị định, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối. Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin để theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) cho rằng, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93 là hết sức cần thiết và kịp thời. Theo đại biểu Đôn Tuấn Phong, trong thời gian vừa qua, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sỹ đã rất tích cực trong việc vận động công chúng, nhân dân đóng góp ủng hộ để hỗ trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, kể cả các trường hợp dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo. Chúng ta nên khuyến khích động viên các cá nhân đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Tuy nhiên, đại biểu Phong cho rằng, với mọi hoạt động trong xã hội đều phải cần có hành lang pháp lý để triển khai một cách thuận lợi, minh bạch đúng đối tượng. Đây cũng chính là mục đích của Nghị định này.

“Việc Chính phủ đã ban hành Nghị định là một môi trường pháp lý, hành lang pháp lý cho các hoạt động quyên góp triển khai từ thiện, nhất là đối với các cá nhân. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quá trình vận động, quyên góp, triển khai thực hiện được minh bạch và hiệu quả, đảm bảo sự hỗ trợ của công chúng tới được những người có hoàn cảnh khó khăn hay đến được địa chỉ cần thiết”- đại biểu Đôn Tuấn Phong cho biết.

Đại biểu Phong cũng chia sẻ, các hoạt động vận động, quyên góp từ thiện một cách tự phát và từ tấm lòng của các cá nhân là hết sức hoan nghênh. Nhưng cũng cần một hành lang pháp lý để được tổ chức thực hiện từ quyên góp, vận động cho tới sử dụng, phân phối, thậm chí sau này có thể đánh giá hiệu quả được thực hiện một cách công khai và minh bạch. Điều này cũng hết sức quan trọng và bảo vệ cho chính những người mà tham gia vận động quyên góp bằng tấm lòng của mình.

Liên quan đến hoạt động này, trước sự việc thời gian qua đã có một vài trường hợp bị nhắc tên và được dư luận quan tâm, đại biểu Phong cho rằng cũng cần phải xem xét một cách cụ thể và chúng ta cũng chưa thể kết luận mà phải chờ các cơ quan chức năng. Ông cũng mong rằng chúng ta vẫn có thể rút kinh nghiệm, tìm ra những bài học để tiến hành công việc này tốt hơn.

Ông Phong cũng nêu rõ, khi quyên góp, vận động và hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần phải được thực hiện một cách minh bạch. Minh bạch là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động này. “Với những yêu cầu của Nghị định, hoạt động quyên góp, vận động từ thiện sẽ được thực hiện một cách bài bản và sẽ giúp được các nguồn lực khi được quyên góp sẽ đến được những địa chỉ mà có nhu cầu thực sự; Đồng thời cũng đảm bảo khi chúng ta có hành lang pháp lý và quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch đó thì sẽ được triển khai một cách chuẩn mực với quy mô lớn hơn và nhiều người được giúp đỡ hơn khi có nhu cầu”- đại biểu Đôn Tuấn Phong cho biết.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cũng cho rằng quy định này là cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động vận động, quyên góp từ thiện thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh những chuyện lùm xùm đáng tiếc như thời gian vừa qua.

“Việc công khai minh bạch là quan trọng cần thiết. Khi mạnh thường quân đóng góp nguồn lực thì mong muốn được sử dụng đúng mục đích, địa chỉ. Bên cạnh đó, công khai minh bạch còn đáp ứng được nguyện vọng của người tiếp nhận sự trợ giúp này, người ta mong muốn sự đóng góp của mạnh thường quân đến mình, đến những người gặp rủi ro. Việc công khai minh bạch càng rõ càng có cơ hội để người ta sẵn sàng, tin tưởng đóng góp nhiều hơn, ủng hộ nhiều hơn”- đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho hay./.

Minh Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/minh-bach-la-nguyen-tac-co-ban-cua-hoat-dong-van-dong-quyen-gop-tu-thien-901324.vov