Minh bạch thông tin - tiền đề cho thị trường phát triển bền vững
Minh bạch thông tin là nền tảng cơ bản mà mọi TTCK muốn phát triển bền vững đều nỗ lực hướng tới,...
Minh bạch thông tin (MBTT) trên thị trường chứng khoán là nền tảng cơ bản mà mọi TTCK đều nỗ lực hướng tới. Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) coi MBTT là một trong 3 trọng tâm để phát triển bền vững TTCK.
Về tổng thể, MBTT có thể hiểu là mức độ thông tin đầy đủ, kịp thời, đáng tin cậy được cung cấp bởi các chủ thể (doanh nghiệp (DN) niêm yết, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, sở giao dịch chứng khoán) đến thị trường cho các đối tượng tiếp nhận. Đối với các TTCK cận biên (trong đó có Việt Nam), minh bạch thông tin là một trong các tiêu chí quan trọng mà 2 tổ chức FTSE Russell và MSCI căn cứ để nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Với MSCI, tiêu chí này được thể hiện qua "Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài" và "Luồng thông tin" (hiểu đơn giản là các thông tin về thị trường chứng khoán thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết). Còn về phía FTSE Russell, đó là sự “Đối xử công bằng với cổ đông thiểu số”.
Rõ ràng, đây đều là những tiêu chí mà Việt Nam vẫn chưa thỏa mãn MSCI và FTSE Russell. Để dễ tường minh, trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell vừa qua, tổ chức này đánh giá việc "Đối xử công bằng với cổ đông thiểu số" của TTCK Việt Nam vẫn ở mức hạn chế.
Không thể phủ nhận TTCK Việt Nam đã có nhiều sự phát triển về tính minh bạch trong xuyên suốt hơn 20 năm hoạt động. Với nhiều quy định về công bố và minh bạch thông tin dần tiệm cận với chuẩn mực và xu hướng thế giới (Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, Thông tư 96/2020/ TT-BTC ngày 16/11/2020…), tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đạt chuẩn công bố thông tin (CBTT) theo thống kê của Vietstock giai đoạn 2021-2023 là trên 50% - con số cao so với trước đây.
Song, TTCK Việt Nam vẫn còn phải rất nỗ lực để cải thiện vấn đề minh bạch. Theo đó, ngay trong thống kê kể trên, số liệu cũng cho thấy không có bất cứ doanh nghiệp nào duy trì sự xuất hiện liên tục trong danh sách DNNY đạt chuẩn CBTT trong 13 năm qua (2011-2023).
Mặt khác, TTCK Việt Nam còn nhiều vấn đề nhức nhối và kéo dài như: Nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) vẫn xem nhẹ việc công bố thông tin, giao dịch mua/bán cổ phiếu; 1/3 DNNY chưa hạch toán và công bố chính xác số liệu về lợi nhuận thuần; số lượng các DNNY được kiểm toán bởi Big4 chưa nhiều, chỉ đạt khoảng 1/4-1/3 tổng số DNNY; hay chỉ có 50-60% các doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng IFRS (mức độ cao hơn so với chế độ kế toán hiện hành là VASS) hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi theo IFRS. Cùng với đó, theo khảo sát của Deloitte, trong số các doanh nghiệp hiện đang áp dụng IFRS tại Việt Nam, chỉ có khoảng 30% áp dụng đầy đủ chuẩn mực của IFRS (tất cả các nghiệp vụ kế toán được ghi nhận theo IFRS từ ban đầu).
Cần sự đồng hành của thành viên thị trường
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng câu chuyện minh bạch và phát triển thị trường chứng khoán cần nhìn từ góc độ nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết và cơ quan quản lý.
Một trong những vấn đề của thị trường chứng khoán hiện nay là các doanh nghiệp niêm yết chưa xem trọng việc minh bạch trong công bố thông tin. Doanh nghiệp thường chỉ công bố thông tin cho nhà đầu tư lớn, cổ đông lớn, trong khi cổ đông đại chúng và nhà đầu tư nhỏ chưa được tiếp cận nhanh chóng, đầy đủ trên tinh thần sòng phẳng. Do vậy, bản thân những người đứng đầu DNNY cần thay đổi tư duy, ý thức rằng việc minh bạch thông tin sẽ giúp doanh nghiệp tạo hình ảnh tốt với giới đầu tư, từ đó sẽ hỗ trợ công ty trong những đợt phát hành cổ phần tăng vốn.
Bên cạnh đó, theo ông Minh, cơ quan quản lý cần giám sát doanh nghiệp niêm yết chặt chẽ hơn để tạo sự công bằng với các nhà đầu tư; kiểm soát đầu vào của hàng hóa niêm yết bởi khi nhà đầu tư chưa có nhiều kiến thức thì họ thường tin rằng những cổ phiếu đã được niêm yết là đạt chất lượng. Ngoài ra, cần có những chiến dịch truyền thông liên tục để tư duy và kiến thức tài chính của những nhà đầu tư tham gia vào thị trường ngày càng được nâng cao.
Cùng chung quan điểm, các chuyên gia SSI nhận định việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ mang lại vị thế mới cho TTCK Việt Nam đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư. Quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, trong đó không chỉ có các cơ quan quản lý mà đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.
Trong đó, với các doanh nghiệp niêm yết, cần giúp họ hiểu rõ được các cơ hội cũng như thách thức có thể có trong quá trình nâng hạng thị trường. Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, bao gồm các quy định về thị trường, thông tin của các sở giao dịch, VSD và thông tin về các doanh nghiệp là rất cần thiết để tạo sự bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.
Nhóm phân tích này đánh giá các vấn đề trên có thể triển khai sớm với điều kiện phải truyền thông tốt cho các doanh nghiệp niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin.
Một số chuyên gia cho rằng để tăng tính minh bạch, cần triển khai áp dụng Thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình kết nối và trao đổi thông tin giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường khu vực nhằm tăng cường chất lượng công khai thông tin theo các thông lệ quốc tế cũng như nâng cao mức độ minh bạch của thị trường cũng như các chủ thể tham gia thị trường. Việc kết nối và trao đổi thông tin không chỉ bao gồm các thông tin liên quan tới giao dịch trên thị trường thứ cấp, công khai thông qua việc kết nối cơ sở hạ tầng giao dịch và thanh toán giữa các thị trường vốn thứ cấp ở trên, mà còn bao gồm thông tin về các hàng hóa trên thị trường.
Cùng với đó, việc yêu cầu công bố bằng tiếng Anh cần được phân lộ trình thích hợp theo từng nhóm đối tượng. Trong ngắn hạn (6 tháng-1 năm), yêu cầu các công ty thuộc VN30, các công ty có vốn hóa thị trường lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh với chất lượng và mức độ chi tiết cao. Trên 12 tháng, các công ty niêm yết có vốn hóa nhỏ hơn phải công bố thông tin bằng tiếng Anh nhưng với yêu cầu đơn giản hơn nhằm tiết kiệm chi phí, sau đó dần tiến tới sự đồng nhất về quy định giữa các công ty. Ngoài ra, cần ban hành mẫu biểu thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, công khai trên cổng thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán, nhằm giúp chuẩn hóa thông tin niêm yết, giảm thiểu chi phí dịch thuật cho doanh nghiệp.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thành viên thị trường về nâng hạng TTCK Việt Nam, đề xuất giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, Ban Kinh tế TW, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán, các thành viên thị trường.
Hội thảo dự kiến tổ chức tại Hà Nội, thứ Ba ngày 10/10/2023.