Minh bạch tiền công đức - Bài 1: Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện giám sát
Công đức khi đi lễ chùa hay tới các cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là một thói quen từ xưa của người Việt. Công đức là một khoản đóng góp tự nguyện hay như người dân vẫn nói là tùy tâm. Tuy nhiên, gần đây xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng vẫn không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Thời gian qua, các hoạt động cung tiến, tài trợ, đóng góp cho các hoạt động lễ hội, đặc biệt là tại các cơ sở tôn giáo đã mang lại số tiền, vật chất cung tiến rất lớn. Tuy nhiên, quá trình sử dụng như thế nào, sử dụng vào mục đích gì, có tư lợi, lợi ích nhóm hay không vẫn luôn là băn khoăn, trăn trở của dư luận xã hội. Từ đó dẫn đến yêu cầu bức thiết, là cần kiểm soát các hoạt động này, đưa nó vào trật tự, đảm bảo các vật dụng, tiền bạc cung tiến được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát thế nào lại là một bài toán khó dành cho các nhà quản lý văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo.
Để giải quyết những vấn đề liên quan đến tính minh bạch của tiền công đức, ngày 28/4/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 4269/BTC-HCSN về việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh… về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Tại thời điểm đó, trong dư luận cũng có ý kiến cho là, một mặt sẽ gây khó khăn cho hoạt động lễ hội, vì tính chất lễ hội và tôn giáo đôi khi không phù hợp với khoản chi theo luật định của Bộ Tài chính, dẫn đến khó được quyết toán số khoản chi thực tế…
Trước thực tế đó, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.
Theo Thông tư, với các lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức thì đơn vị thực hiện phải có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử. Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.
Thông tư cũng khẳng định Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện việc giám sát mà không tham gia quản lý nhằm giúp cho công tác quản lý tiền công đức, tài trợ được minh bạch nhưng cũng không gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là hết sức cần thiết và kịp thời góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ. Đây cũng là hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, đồng thời tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này. Khi có hiệu lực, thông tư này sẽ góp phần giúp cho việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong tình hình mới theo hướng minh bạch, rõ ràng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên trường Đại học KHXH&NV khẳng định, thông tư này không phải để Nhà nước quản lý tiền mà mục đích là làm cho các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo tốt đẹp hơn. Đây là động thái cần thiết. Thông tư thể hiện sự hợp lý, minh bạch của việc thu chi tiền công đức, tiền lễ hội và tài trợ. Khi thông tư được thực hiện sẽ đem lại niềm tin, uy tín cho chính cơ sở, tín ngưỡng tôn giáo và các ban tổ chức lễ hội.
Thông tư 04/2023/TT-BTC cũng khẳng định Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện việc giám sát mà không tham gia quản lý nhằm giúp cho công tác quản lý tiền công đức, tài trợ được minh bạch nhưng cũng không gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
(Còn nữa)