Minh bạch trong đánh giá sản phẩm OCOP

Cùng với sự chuẩn bị chu đáo của các chủ thể, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp tỉnh đang tiến hành chấm điểm theo các tiêu chí quy định, đảm bảo tính khách quan, minh bạch để các sản phẩm được công nhận OCOP có sức lan tỏa.

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên có 66 sản phẩm của 44 chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cùng với sự chuẩn bị chu đáo của các chủ thể, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp tỉnh đang tiến hành chấm điểm theo các tiêu chí quy định, đảm bảo tính khách quan, minh bạch để các sản phẩm được công nhận OCOP có sức lan tỏa.

Hợp tác xã chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), có sản phẩm Chè Thịnh An đặc biệt tham gia đăng ký công nhận sản phẩm OCOP năm 2022.

Là một trong những sản phẩm tiềm năng được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa giới thiệu tham gia Chương trình OCOP, để đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn đặt ra, cơ sở sản xuất đũa cọ Hoàng Linh của gia đình ông Quán Văn Bảy, ở xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng, đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Ông Bảy chia sẻ: Nhận thấy cây cọ trên địa bàn có nhiều mà ít được người dân sử dụng, từ năm 2013, tôi bắt đầu mày mò, thiết kế máy móc để làm đũa. Với ưu điểm vượt trội là không bị cong vênh khi ngâm, sấy ở nhiệt độ cao nên đũa cọ được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được trên 1 vạn đôi đũa cọ, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tham gia Chương trình OCOP, tôi mong muốn sản phẩm đũa cọ được các cơ quan chuyên môn đánh giá, xếp hạng, tạo thuận lợi cho chúng tôi trong việc quảng bá, tiêu thụ.

Đối với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phú Thượng, ở xã Phú Thượng (Võ Nhai), sản phẩm được đơn vị lựa chọn tham gia Chương trình OCOP năm nay là bánh khẩu sli.

Ông Lành Văn Hữu, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: Món bánh khẩu sli có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Bánh được làm từ gạo nếp trộn với mật mía, khi ăn giòn tan, cộng thêm vị béo ngậy, mang hương vị đặc trưng. Để góp phần quảng bá sản phẩm này, năm nay chúng tôi đã đăng ký tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP và hiện đang hoàn thiện nốt các tiêu chí theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Chúng tôi mong muốn, du khách khi đến với hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà sẽ chọn lựa món bánh khẩu sli để làm quà, cũng là quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc.

Năm nay, tỉnh có 66 sản phẩm của 44 chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng khá đa dạng về chủng loại. Ngoài các loại thực phẩm như: Chè, miến, mỳ gạo, giò…, còn có một số sản phẩm mới như: Thịt lợn hun khói, đũa cọ, măng nứa, cao ngựa bạch, nem thính…

Đặc biệt, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều có dán tem truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR trên điện thoại di động, đảm bảo công khai thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ.

Tham dự buổi chấm điểm các sản phẩm OCOP được tổ chức tại Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh vào đầu tháng 11, chúng tôi nhận thấy, các thành viên Hội đồng đánh giá thực hiện nghiêm theo các tiêu chí quy định.

Thành viên Hội đồng là đại diện các sở, ngành, đơn vị tập trung nghiên cứu hồ sơ, xem xét kỹ các tiêu chí có liên quan đến đơn vị mình phụ trách để tham gia ý kiến, góp ý bổ sung cho chủ thể những nội dung cần hoàn thiện.

Để được công nhận, các sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bao bì, nhãn mã, tiềm năng xuất khẩu...

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Điểm khác biệt là năm nay chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành chấm điểm qua phần mềm hệ thống, góp phần rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể và giảm tải tài liệu bằng văn bản giấy.

Hiện nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh đang hoàn thiện báo cáo kết quả xếp hạng để trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận.

Để các sản phẩm OCOP phát huy giá trị sau khi được công nhận, ngành chức năng cần chú trọng công tác giám sát, kiểm tra, nhất là về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Song hành với đó, các địa phương tăng cường kết nối quảng bá, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản của bà con. Các chủ thể OCOP cần ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất và chú trọng quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức để đến gần hơn với khách hàng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202211/minh-bach-trong-danh-gia-san-pham-ocop-9c31f0e/