Minh bạch xuất xứ, tăng cường phòng chống gian lận
Bộ Công Thương cho biết, trước sự cấp thiết cần sớm ban hành Nghị định xuất xứ hàng hóa nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý theo hướng minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế, Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định ngay trong tháng 5/2025.

Doanh nghiệp Việt được hưởng ưu đãi xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết Hiệp định Thương mại tự do. Ảnh minh họa: ST
Hội nhập sâu, hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi xuất xứ
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia vào hoạt động giao thương sôi động của kinh tế toàn cầu. Hội nhập càng sâu rộng, hàng hóa của Việt Nam càng đến được nhiều thị trường trên thế giới, thậm chí còn được ưu đãi xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ngày 08/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Nhằm thực thi chi tiết các quy định trong Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định về xuất xứ hàng hóa, kiểm tra, xác minh xuất xứ, trách nhiệm của các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn Điều ước quốc tế đó, trừ các thỏa thuận đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Dự thảo Nghị định xuất xứ hàng hóa thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng
Các văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa được nội luật hóa trên cơ sở tuân thủ quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết về xuất xứ hàng hóa tại các Hiệp định thương mại tự do.
Sau hơn 7 năm thi hành, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP đã giúp Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi, qua đó giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường quốc tế - đại diện Bộ Công Thương đánh giá.

Doanh nghiệp có thể vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: ST
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 31/2018/NĐ-CP đã góp phần tạo khung pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có FTA.
Cụ thể hóa Nghị định 31/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 47 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa để hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết Việt Nam tham gia - bà Trần Thanh Bình - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) cho biết.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ ngày 01/01/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VK, AK, D, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đang thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử. Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Quy trình chặt chẽ, phòng chống gian lận xuất xứ
Tuy nhiên, đến nay, ngoài việc tham gia các FTA thông thường, hàng loạt các FTA thế hệ mới đã được ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA).
Các FTA thế hệ mới này có nhiều quy định, cam kết khác nhau đã phát sinh một số vấn đề mà Nghị định này cần điều chỉnh như: quy trình, thủ tục áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chế tài xử lý gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp C/O, hồ sơ thương nhân, lưu trữ hồ sơ...

Các FTA thế hệ mà Việt Nam tham gia có nhiều quy định, cam kết khác nhau. Ảnh: ST
Theo các chuyên gia, thương mại quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam. Căng thẳng thương mại leo thang dẫn đến các hành vi gian lận thương mại, trong đó, gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương nhìn nhận: “Việt Nam là một trong những nước có độ mở nền kinh tế thuộc loại cao nhất, phụ thuộc nhiều vào thương mại, đầu tư quốc tế thì thách thức đối với kinh tế Việt Nam càng lớn. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập theo hướng đáp ứng “luật chơi” chung của toàn cầu và nền tảng là tham gia WTO với một quy tắc chung áp dụng cho tất cả các nước, đây là những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua”.
Việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, cấp bách, phù hợp với tình hình mới hiện nay nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa minh bạch, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương và các cam kết quốc tế - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị định xuất xứ hàng hóa thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP gồm 6 Chương, 34 Điều, trong đó quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi, quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi, thẩm quyền chứng nhận, kiểm tra xuất xứ hàng hóa...
Bà Trần Minh Trang - Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) chia sẻ, theo Dự thảo Nghị định mới, việc áp dụng hình thức Chứng nhận xuất xứ sẽ được quy định theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thương nhân xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu quản lý rủi ro, cùng với chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ.
Đồng thời, thiết lập cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Bà Trần Minh Trang nêu rõ, Nghị định sẽ cập nhật những nội dung mới, làm cơ sở triển khai cho giai đoạn các năm tới, tạo cơ sở để doanh nghiệp, cơ quan quản lý xác định xuất xứ Việt Nam của hàng hóa xuất nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, Nghị định cũng hướng tới tăng cường công tác phòng chống gian lận xuất xứ, hạn chế tình trạng giả mạo xuất xứ; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2025 dự báo là năm rất khó khăn trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và xuất khẩu hàng hóa nói riêng. Song đây cũng là năm thế giới bước vào giai đoạn thay đổi về chất trong chuỗi cung ứng, cho nên những nước hội nhập sau như Việt Nam nếu vươn lên, có khả năng “đi tắt đón đầu” thì sẽ tận dụng được cơ hội để gia tăng xuất khẩu.
Ông Lương Hoàng Thái
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/minh-bach-xuat-xu-tang-cuong-phong-chong-gian-lan-40481.html