Mở cánh cửa mới cho ngành dầu khí Việt
Với nguồn lực lớn được đầu tư và tiềm năng đã phát hiện, ngành dầu khí còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển. Đặc biệt, trước tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới có nhiều biến động, việc sửa Luật Dầu khí hiện hành và các quy định liên quan sẽ giúp 'mở cánh cửa mới' cho ngành dầu khí Việt Nam phát triển, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.
Bảo đảm tính hiệu quả, sátthực tiễn
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, khi Việt Nam có dầu khí cũng như có công nghiệp dầu khí là đã chuyển hẳn sang một vị thế khác, không còn là một nước nông nghiệp thuần túy như trước. Đây là ý nghĩa quan trọng của ngành dầu khí.
Về vai trò đặc biệt của Luật Dầu khí, cũng như của việc hoàn thiện luật, xung quanh vấn đề hoạt động dầu khí, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, luật về nguyên tắc là một “đường ray”, tạo khuôn khổ, thể chế tạo ra môi trường đầu tư cho các hoạt động về dầu khí. Do đó, việc hoàn thiện Luật Dầu khí rất quan trọng để bảo đảm đường ray này luôn luôn đúng hướng, vững chắc, hạn chế được những rủi ro, lệch lạc.
Thêm vào đó, luật về dầu khí còn thể hiện tầm nhìn, yêu cầu quốc gia về dầu khí và chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Đây được coi là mục tiêu quốc gia, quyết tâm chính trị của chúng ta.
“Sự điều chỉnh, sửa đổi để hoàn thiện Luật Dầu khí nhằm bảo đảm sự tương thích vừa phù hợp với thực tiễn mới, bảo đảm tính hiệu quả, tính thực tiễn của luật lại vừa phù hợp với các luật mới ra đời, tránh sự vênh nhau là yêu cầu tất yếu” - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Đặc biệt, bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu và mục đích mới. Hiện nay, chúng ta đang có xu hướng giảm mỏ mới, giảm sản lượng mới, giảm hợp đồng mới và do đó kéo giảm cả tỷ trọng trong nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu về xăng dầu tăng lên rất mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến của Nga và Ukraine và cuộc chiến xăng dầu trên thế giới. Cùng đó là trong bối cảnh tăng các tranh chấp; tăng các chi phí cả về điều tra, thăm dò, khai thác, sản xuất,…
Trước tình hình đó, nếu không được quan tâm đúng mức ngành này sẽ hao mòn. Bởi vậy, sự hoàn thành Luật để thu hút đầu tư mới, để khắc phục những hạn chế này là vô cùng cần thiết.
Bối cảnh mới, yêu cầu mới
Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than, Bộ Công thương Nguyễn Việt Sơn cho biết, nội dung của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 về chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vào ngày 3.6.2022 vừa qua.
Thứ nhất, chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí. Theo đó, thời hạn hợp đồng theo hướng linh hoạt, thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí; xem xét gia hạn cho bên ký hợp đồng dầu khí hiện tại; mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữ lại diện tích hợp đồng, hợp nhất phát hiện dầu khí theo hướng linh hoạt hơn...
Thứ hai, chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Bổ sung quy định về điều tra cơ bản về dầu; các bước triển khai, phê duyệt đối với trong các hoạt động dầu khí; bổ sung quy định về việc ưu tiên áp dụng pháp luật dầu khí thực hiện các quy trình, thủ tục phê duyệt, bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bổ sung quy định về phân cấp cho Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước về đẩy mạnh phấn cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý. Xác định nguyên tắc chính, định hướng lớn triển khai dự án đầu tư theo chuỗi trong hoạt động dầu khí nhằm thu hút vốn đầu tư cho các dự án lớn, phù hợp với đặc thù ngành dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
Thứ tư, chính sách quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Việt Sơn là quy định về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí. Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt; bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, để tận thu tài nguyên và đóng góp vào ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định các điều kiện đặc biệt của hợp đồng dầu khí trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.
Thứ năm, chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí. Bổ sung quy định nguyên tắc về công tác kế toán, kiểm toán đối với hoạt động dầu khí và các quy định về quyết toán dự án dầu khí phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế cũng như xử lý được những chi phí rủi ro của hoạt động dầu khí.
Thứ sáu, chính sách về quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.
“Việc sửa đổi Luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, nâng cao hiệu quả hoạt động dầu khí, phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng” - Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than, Bộ Công thương khẳng định.