Mỏ cát 370 tỉ đồng và 'góc khuất' trong các phiên đấu giá khoáng sản

Doanh nghiệp phản ánh có tình trạng một số công ty được lập ra chỉ chuyên đi đấu giá với mục đích 'không trong sáng'.

Liên quan vụ việc mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn có giá khởi điểm hơn 1,2 tỉ được đấu giá lên tới hơn 370,5 tỉ đồng, ngày 22-10, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam cho biết đang phối với với các sở, ngành và UBND thị xã Điện Bàn rà soát quy trình, thủ tục liên quan phiên đấu giá.

Công an tỉnh Quảng Nam cũng cho biết đang vào cuộc điều tra vụ việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Khu vực mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ

Khu vực mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ

Nói về phiên đấu giá trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng có yếu tố bất thường bởi giá trả cao gấp rất nhiều lần so với giá khởi điểm và giá vật liệu xây dựng được cơ quan chức năng công bố.

Một số doanh nghiệp phản ánh hiện có tình trạng đáng báo động là một số công ty được lập ra chỉ chuyên đi đấu giá các mỏ khai thác khoáng sản. Trên thực tế, họ không có nhu cầu đấu giá khai thác mỏ thật sự mà tham gia phiên đấu giá với mục đích hoàn toàn không trong sáng.

Cụ thể, khi đến buổi đấu giá, các doanh nghiệp này tìm hiểu, nắm bắt được công ty nào có nhu cầu đấu giá thật sự thì tiến hành thương lượng, đặt vấn đề "chung chi". Công ty nào muốn trúng đấu giá thì phải chung cho họ một khoản tiền nhất định, nếu không đáp ứng nhu cầu thì họ sẽ "phá" bằng cách liên tục đưa ra mức giá cao, đẩy các phiên đấu giá kéo dài với mức trúng đấu giá cao bất thường sau đó bỏ cọc.

Khi quyết định "phá" thì doanh nghiệp chỉ mất tiền cọc với số tiền không quá cao, còn khi thương lượng được thì "ngồi mát ăn bát vàng". Điều này thực sự khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bức xúc.

Buổi đấu giá mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ kéo dài suốt 20 giờ, từ giá khởi điểm 1,2 tỉ lên hơn 370 tỉ đồng

Buổi đấu giá mỏ cát ĐB2B ở xã Điện Thọ kéo dài suốt 20 giờ, từ giá khởi điểm 1,2 tỉ lên hơn 370 tỉ đồng

Mới đây, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng kiến nghị một số vướng mắc, bất cập liên quan Luật Đấu thầu 2023.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam dẫn chứng: Luật Đấu thầu quy định việc đóng cọc cho các mỏ khai thác khoáng sản rất thấp. Do đó, sẽ có trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá quá cao so với thực tế, đấu giá để phá thầu, hoặc trúng thầu nhưng sau đó sẽ bỏ, khiến dự án không thể triển khai được… Do đó ông Lương Nguyễn Minh Triết kiến nghị Trung ương, Chính phủ sớm điều chỉnh một số bất cập trong Luật Đấu thầu 2023.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Công ty CP MT Quảng Đà (số 461 - 463 Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát tại xã Điện Thọ với mức giá không tưởng: Hơn 370,5 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty CP MT Quảng Đà mới được thành lập ngày 11-5-2022, đăng ký 41 mã ngành nghề kinh doanh. Trong đó, ngành chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Tháng 2-2023, Công ty MT Quảng Đà thay đổi đăng ký kinh doanh và bổ sung loạt ngành nghề không hoạt động tại trụ sở, bao gồm khai thác đá, cát, sỏi. Công ty này có vốn điều lệ 100 tỉ đồng.

Công ty CP MT Quảng Đà là đơn vị đưa ra giá cao nhất tại buổi đấu giá

Công ty CP MT Quảng Đà là đơn vị đưa ra giá cao nhất tại buổi đấu giá

Công ty CP MT Quảng Đà do ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến (SN 2000, quê ở xã Điện Thọ) làm người đại diện. Ông Tiến cũng là cổ đông lớn nhất với 68% vốn góp. Các cổ đông còn lại gồm ông Lê Nguyễn Đồng Quân giữ 2%, bà Võ Thị Hồng Nhung sở hữu 30%.

Đáng chú ý, trong số 6 công ty liên tục bỏ giá cao tại buổi đấu giá có Công ty CP Nông Sơn FARM. Công ty này thành lập tháng 8-2022, trụ sở tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Doanh nghiệp này có ngành nghề chính là chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn, có vốn điều lệ 150 tỉ đồng.

Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của Nông Sơn Farm xuất hiện những cái tên tương tự tại Công ty MT Quảng Đà. Trong đó, bà Võ Thị Hồng Nhung giữ 59% tỷ lệ sở hữu; ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến 40,9%; 0,1% còn lại thuộc về cổ đông Lê Nguyễn Đồng Quân. 2 công ty này cùng đăng ký 1 số điện thoại di động.

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã nhiều lần gọi vào số điện thoại đăng ký của 2 công ty trên nhưng không nhận được phản hồi.

Ngoài 2 công ty trên, tại phiên đấu giá, 4 công ty khác liên tục tham gia bỏ giá cao suốt nhiều giờ liền, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đăng ký chỉ 2 tỉ đồng, đăng ký 3 lao động.

Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Bá Anh (thị xã Điện Bàn) với ngành nghề đăng ký chính là bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, thành lập năm 2021 với vốn điều lệ 2 tỉ đồng. Cập nhật đến tháng 3-2023, số lao động đăng ký về thuế của công ty vỏn vẹn 3 người.

Tương tự, Công ty TNHH VLXD Khoáng sản Miền Trung (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thành lập tháng 5-2023, vốn điều lệ 9 tỉ đồng; tổng số lao động đăng ký thuế là 5 người.

Công ty TNHH Xây lắp, Thương mại và Dịch vụ Tân Nguyên Văn (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) thành lập tháng 5-2007, vốn điều lệ 2 tỉ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại.

Công ty CP Đầu tư tư vấn thăm dò địa chất Trung Trung Bộ chỉ thành lập được hơn 1 tháng (9-2024), vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của doanh nghiệp này là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác…

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-cat-370-ti-dong-va-goc-khuat-trong-cac-phien-dau-gia-khoang-san-196241022104017046.htm