Mở 'chui' lớp VB2, ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN: Cần xử lý nghiêm để làm gương

Các chuyên gia cho rằng, đây là sự việc nghiêm trọng cần sớm được làm sáng tỏ các vi phạm và có biện pháp xử lý để răn đe các trường hợp khác

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết phản ánh về việc mở "chui" các lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại các cơ sở ngoài nhà trường xảy ra tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Sự việc này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc, nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự việc nghiêm trọng và có dấu hiệu lừa dối người học khi có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa nhà trường để mở các lớp văn bằng 2 dù không có chủ trương.

Cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: "Nếu như toàn bộ kết quả của người học khi theo học các lớp văn bằng 2 nói trên không được công nhận thì rõ ràng họ bị mất tiền và công sức vô ích, họ hoàn toàn có thể kiện các cá nhân đã thực hiện tổ chức tuyển sinh, đào tạo và thu tiền.

Sau sự việc, các cơ quan chức năng nên sớm làm sáng tỏ các vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và có biện pháp xử lý để không làm tái diễn sự việc và răn đe các trường hợp khác", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Qua đó, vị nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhận định, trong sự việc này thì người học phải chấp nhận chịu "thiệt" vì trước đó đã không tìm hiểu kỹ các thông tin về tuyển sinh các lớp văn bằng 2 nói trên.

 Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: P.M

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: P.M

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, một phần nguyên nhân khiến nhiều sự việc bất cập tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn còn xảy ra vì chính nội bộ trường đại học này thực hiện chưa nghiêm các quy định đã đề ra, một phần khác đến từ việc xử lý "nhẹ tay" của cơ quan chức năng.

Qua đó, đối với sự việc này, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có đợt thanh tra, rà soát và tìm ra nguyên nhân của các "điểm nghẽn" tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

"Tôi được biết thì đến nay trường đại học này đến nay vẫn chưa thành lập được Hội đồng trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Rõ ràng khi tập thể nhà trường chưa thành một khối thống nhất, chưa có "đầu tàu" để lãnh đạo, dẫn dắt thì những sự việc như thế này xảy ra cũng là điều "dể hiểu". Thậm chí, nếu cơ quan chức năng không sớm vào cuộc, tại nhà trường cứ "mạnh ai người đó làm" như hiện tại thì có thể sau này sẽ xảy ra nhiều sự việc nghiêm trọng hơn nữa", Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Dưới góc nhìn của mình về người học, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho rằng, trong việc này có thể một số người học chủ quan, không tìm hiểu rõ về các lớp văn bằng 2 được mở nên dư luận nên có cái nhìn cảm thông, chia sẻ thiệt thòi với họ.

Tuy nhiên vị này cũng cho rằng, trong bài viết "Mở "chui" lớp VB2 ngôn ngữ Anh, ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN: Nhiều sự lạ đời" Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải có đề cập đến nội dung của đoàn thanh tra nội bộ nhà trường về việc thực hiện tuyển sinh không tuân thủ quy định về đào tạo văn bằng 2 chính quy theo quy định. Cụ thể là: không thành lập hội đồng tuyển sinh và các ban đề, ban coi thi, ban chấm thi/xét tuyển, ban thanh tra, không tổ chức xét tuyển hoặc hoặc thi tuyển; không họp hội đồng tuyển sinh xét trúng tuyển; không có đủ hồ sơ thí sinh.

Ngoài ra, các quyết định công nhận trúng tuyển đầu vào các lớp văn bằng 2 do Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hóa ký không có sự ủy quyền của Hiệu trưởng nhà trường là không đúng quy định.

 Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC

Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC

Theo đó, chuyên gia giáo dục này cho hay: "Đối chiếu các vấn đề được kết luận thanh tra nội bộ chỉ ra cho thấy, việc để trúng tuyển vào các lớp văn bằng 2 như trên là quá "dễ dàng" khi nhiều công đoạn quan trọng đã bị một số cá nhân, tổ chức đứng ra mở lớp "cố tình" bỏ qua.

Như vậy, nếu một số người học chỉ quan tâm đến việc làm sao để có bằng cấp nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân mà không cần phải theo học để tích lũy kiến thức theo đúng yêu cầu đào tạo trình độ đại học thì rõ ràng các lớp này đã đáp ứng đúng yêu cầu của người học đó.

Điều này sẽ có hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng chung của giáo dục đại học khi bằng cấp được học qua loa vẫn nghiễm nhiên có vị trí ngang bằng với bằng cấp của người học khác phải bỏ rất nhiều công sức và thời gian để theo học.

Qua sự việc này, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ các vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời có hình thức xử lý nghiêm khắc để cảnh tỉnh đối với các cơ sở giáo dục khác".

Người học có thể khởi kiện các cá nhân, tổ chức mở lớp đào tạo "chui"

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cơ sở đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh này do một số cá nhân tự thành lập, tự ký kết không đúng thẩm quyền.

Như vậy, đây hoàn toàn không phải là cơ sở đào tạo hợp pháp của Trường Đại học kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thành lập nhưng những cá nhân này lại lấy danh nghĩa và tên của trường để làm những thông báo tuyển sinh, thu hút học viên tham gia, tiến hành đào tạo và cấp bằng.

Do đó, đây được xác định là hành vi lừa dối những người học về thông tin cơ sở đào tạo và bằng cấp mà người học được nhận sau khi tốt nghiệp. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người học.

"Dựa trên những thông tin báo chí đăng tải thì các cơ sở mở "chui" các lớp văn bằng 2 này là do một số cá nhân thực hiện, không phải chủ trương của Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội. Do đó trách nhiệm bồi thường tổn thất phải thuộc về những người có hành vi gian dối dẫn đến thiệt hại cho người học.

Ngay thời điểm ban đầu, người học được quảng cáo về tính hợp pháp của bằng cấp nhận được sau khóa học. Như vậy, đây là hành vi gian dối trong giao dịch dân sự giữa những người đứng đầu cơ sở đào tạo trái phép với người học. Vì vậy, các giao dịch nộp học phí đang thực hiện trên cơ sở bị gian dối phải được xác định là vô hiệu và những cá nhân đã thu tiền của người học phải có trách nhiệm hoàn trả cho người học.

 Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phúc Khang

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phúc Khang

Ngoài ra, căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người nào có hành vi xâm phạm đến tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại.

Như vậy, đáng lý ra người học khi tham gia, đóng học phí, hoàn thành các khóa học thì phải nhận được bằng cấp phù hợp như thông tin nhận được khi đăng ký tuyển sinh. Tuy nhiên, do lỗi của những cá nhân thành lập cơ sở đào này dẫn đến những thiệt hại về tiền bạc, thời gian và bằng cấp cho người học nên người học hoàn toàn có thể đòi bồi thường tổn thất, đòi lại tiền học.

Đồng thời, người học cũng có thể khởi kiện những cá nhân đã tự ý ký lập các cơ sở đào tạo trái phép làm xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật", Luật sư Nguyễn Minh Long nhấn mạnh.

Phúc Khang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mo-chui-lop-vb2-dh-kinh-doanh-va-cong-nghe-hn-can-xu-ly-nghiem-de-lam-guong-post247388.gd