'Mở cửa' cho nhà hát

Không chỉ là điểm đến cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhiều nhà hát còn là những không gian kiến trúc văn hóa đặc trưng của địa phương, thậm chí mang tầm quốc gia. Tuy nhiên, việc khai thác không gian văn hóa này đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.

Nhà hát Lớn Hà Nội - biểu tượng kiến trúc của Thủ đô. Ảnh: NHCC.

Nhà hát Lớn Hà Nội - biểu tượng kiến trúc của Thủ đô. Ảnh: NHCC.

Mỏi mắt tìm “đất diễn”

Tại Hà Nội, hiện có khoảng 20 nhà hát do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội quản lý. Mới đây nhất là Nhà hát Hồ Gươm do Bộ Công an quản lý vừa khánh thành. Trừ Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô có 1.200 chỗ ngồi, số còn lại đều có quy mô từ 100 - 900 chỗ ngồi.

Với vị thế là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội đang sở hữu một cơ ngơi đồ sộ các không gian phục vụ các hoạt động biểu diễn, cũng như tổ chức sự kiện… Nhà hát Lớn Hà Nội từ lâu đã là biểu tượng kiến trúc của Thủ đô. Tuy nhiên, có một nghịch lý đó là việc sử dụng hết công năng của Nhà hát lại đang trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.

Dù mang danh là “anh cả” của ngành cải lương, nhưng hiện Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn chưa có rạp tiêu chuẩn để biểu diễn. Trụ sở Nhà hát tại số 164 Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xây dựng chắp vá từ những năm 60 của thế kỷ trước hiện đã xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn đón tiếp khán giả, lại ở con phố nhỏ, giao thông hẹp, hay ùn tắc.

Theo NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, việc không có rạp đã ảnh hưởng đến tính chất chuyên nghiệp cao của đơn vị, gây khó khăn cho quá trình triển khai hoạt động biểu diễn. Phải đi thuê rạp làm tăng chi phí đêm diễn (30 - 50 triệu đồng/đêm diễn), khó cân đối thu chi, hạn chế tần suất biểu diễn phục vụ khán giả.

Cũng theo ông Kiên, hiện nay hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam chủ yếu theo mùa vụ, tập trung vào 3 tháng sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, ngày kỷ niệm các sự kiện lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao... Nhà hát cũng biểu diễn lưu động phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới... theo đặt hàng của Nhà nước, nhưng “không đáng là bao”.

Một số đơn vị như Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng đang phải chịu cảnh chạy vạy thuê địa điểm bên ngoài để biểu diễn. Không chỉ chịu cảnh phải đi thuê, nhiều đơn vị dù có sân khấu riêng nhưng lại đang xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ khán giả. Đơn cử như Nhà hát Múa rối Thăng Long dù sáng đèn quanh năm, có những thời điểm hàng ngày đều đặn 4-5 suất diễn, nhưng hiện nay có một số hạng mục xuống cấp, đặc biệt là khán phòng. Ghế ngồi quá nhỏ so với mục tiêu phục vụ khách quốc tế.

Dung hòa giữa cung và cầu

Có thể nói, câu chuyện thiếu sân khấu biểu diễn vốn là những nút thắt chưa được tháo gỡ của nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Nhiều nhà hát dù có sân khấu riêng nhưng phải mở rộng khai thác các dịch vụ ngoài công năng để bù lỗ. Đơn cử, ngoài phục vụ hoạt động biểu diễn của Nhà hát chèo Việt Nam, rạp hát Kim Mã còn cho đơn vị khác thuê biểu diễn, làm triển lãm ảnh, mở quán cà phê…

Theo GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, trên phương diện cơ sở vật chất - kỹ thuật, hệ thống nhà hát ở nước ta còn nhiều yếu kém, hạn chế. Một số nhà hát tuy phát triển tốt về khán giả, doanh thu, nhưng quy mô chưa đáp ứng theo quy định. Hiện nay, Hà Nội ngoài Nhà hát Lớn được xây dựng từ thời Pháp, mới đây có thêm Nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn, sự kiện văn hóa trang trọng. Còn lại, nhìn chung chúng ta đang rất thiếu nhà hát để tổ chức các sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế hay mời các ban nhạc, ngôi sao nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn.

Để dung hòa giữa cung - cầu, giải được bài toán thừa và thiếu nhà hát hiện nay đang cần sự chung tay từ nhiều phía. Bởi nếu có sự bắt tay giữa các đơn vị nghệ thuật biểu diễn với các nhà hát có quy mô thì câu chuyện thiếu sân khấu biểu diễn hoàn toàn có thể được giải quyết.

Đơn cử như Nhà hát Hồ Gươm sau một thời gian đi vào hoạt động, mới đây cũng vừa công bố hàng loạt chương trình nghệ thuật đẳng cấp thế giới diễn ra từ tháng 7 đến cuối năm 2024, với sự tham gia biểu diễn của rất nhiều dàn nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Pháp, Anh, Áo…

NSND Nguyễn Công Bẩy - Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm cho biết, sau 1 năm khánh thành, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra gần 50 chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị cũng như các hoạt động biểu diễn khác.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật trung ương cho rằng, đây không chỉ là việc xây dựng nơi biểu diễn mới mà còn cần tính toán kỹ lưỡng, xem xét nhiều yếu tố. Mỗi năm để có tác phẩm, vở diễn chất lượng, lấp đầy khán phòng nhà hát thực sự khó khăn. Vì thế, các nhà hát dù được đầu tư nhưng thời gian sử dụng không nhiều, thời gian nhàn rỗi trong năm lớn gây ra sự lãng phí. Do đó, khi đầu tư, xây dựng nhà hát điều cần quan tâm nhất là hiệu năng, hiệu quả sử dụng của công trình. Đồng thời, chất lượng các tác phẩm, vở diễn của các nhà hát cần được đầu tư, thay đổi, nâng cao chất lượng để lôi kéo khán giả đến rạp hát.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, việc thiếu nhà hát, không gian biểu diễn tiêu chuẩn ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp âm nhạc Việt Nam cũng như mời những ngôi sao quốc tế đến biểu diễn. Trước mắt cần phải có nơi biểu diễn đạt chuẩn để dễ dàng hội nhập với đời sống âm nhạc thế giới.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-cua-cho-nha-hat-10283389.html