Mở cửa 'thiên đường du lịch' Kbang - Kỳ cuối: Đầu tư gắn với bảo tồn bản sắc

Nhận biết được tiềm năng du lịch của địa phương, những năm gần đây, chính quyền và người dân huyện Kbang đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng, tôn tạo cảnh quan và quảng bá du lịch.

Sau khi được Bộ Văn hóa-Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa, năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Núp. Tháng 5-2011, khu lưu niệm được khánh thành và đưa vào hoạt động.

Phục dựng lễ tạ ơn của người Bahnar tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ảnh: Hoàng Ngọc

Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong cũng được đầu tư xây dựng và khánh thành vào tháng 5-2018. Tại đây đã tái hiện lại các hạng mục chính cơ quan đầu não của tỉnh trong thời kháng chiến chống Mỹ như: nhà làm việc, hầm chỉ huy, bếp...

Ngoài các công trình được xây dựng, đường giao thông từ thị trấn Kbang về đây được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho xe cộ lưu thông. Đặc biệt, mấy năm gần đây, khu di tích vốn nằm giữa khu rừng già còn được các cơ quan, đoàn thể tổ chức trồng thêm cây lưu niệm xung quanh tạo cảnh quan môi trường xanh mát, hấp dẫn du khách.

Song song với công tác đầu tư tôn tạo cảnh quan, nhằm thu hút du khách đến với Kbang, đến nay, chính quyền địa phương đã tổ chức 5 lần ngày hội du lịch một cách quy mô, bài bản.

Sự kiện diễn ra trong nhiều ngày và tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: hội chợ, thi thể thao, thi nghề truyền thống, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng… thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến trưng bày, quảng bá sản phẩm.

Những năm qua, người dân trong huyện đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa vào những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mía, cà phê, mắc ca, cây dược liệu… cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi tiềm năng của địa phương. Bên cạnh đó còn tổ chức khai thác bền vững nhiều sản vật dưới tán rừng như: mật ong, nấm linh chi, quả xoay, quả sim… Đây chính là điều kiện ban đầu để phát triển loại hình dịch vụ du lịch nông nghiệp đang là xu hướng chung trong lĩnh vực du lịch xanh.

Một số gia đình sống gần các khu di tích lịch sử văn hóa hoặc nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đã đầu tư tổ chức mô hình homestay mang lại nguồn thu nhập đáng kể như các xã: Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Sơn Lang và thị trấn Kbang.

Với tiềm năng như Kbang, sự đầu tư như đã nêu là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Cùng với việc huy động các nguồn lực đầu tư cho du lịch, huyện cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên vốn có của địa phương.

Đã có nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu văn hóa có dịp lên Tây Nguyên, đặc biệt là về Kbang không khỏi thốt lên lời than phiền khi không còn thấy hình bóng nào nguyên mẫu của làng Bahnar, mặc dù đây là các làng đang làm du lịch cộng đồng.

Trong quá trình giao tiếp, phục vụ du khách của một số cơ sở làm du lịch theo hình thức homestay cũng chưa đạt được yêu cầu, mặc dù vẫn giới thiệu được ẩm thực truyền thống, dân dã của đồng bào địa phương. Đồng thời, quá trình làm du lịch của cộng đồng vẫn còn mang tính tự phát, chưa có sự chuẩn bị thấu đáo, bài bản.

Để có thể phát huy tiềm năng du lịch của mình, bên cạnh sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn ổn định, giữ được bản sắc, không pha tạp; xây dựng trang web quảng bá rộng rãi du lịch Kbang và liên kết tour, tuyến với các đơn vị lữ hành; chính quyền địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như các cá nhân tham gia làm du lịch, đặc biệt là ở những khu vực có danh thắng văn hóa, lịch sử.

Đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng làm du lịch cộng đồng, homestay, farmstay và bước đầu nghiên cứu thử nghiệm các tuyến du lịch mạo hiểm (trekking) vốn rất được du khách quốc tế ưa thích mà địa hình cao nguyên, rừng núi và sông suối, ghềnh thác ở Kbang rất phù hợp với loại hình này.

Một việc làm khác không kém quan trọng là hướng cho con em trong huyện theo học ngành du lịch và trở về làm việc tại địa phương, thậm chí tạo điều kiện cho vay vốn để có thể xây dựng, mở các cơ sở du lịch tư nhân.

Song song với công tác này là các nghệ nhân có tay nghề vững nên mở các lớp truyền dạy đan lát, dệt thổ cẩm, xoang, đánh cồng chiêng… Làm được như vậy phải chăng là chúng ta đã mở cánh cửa “thiên đường du lịch” Kbang.

THANH PHONG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mo-cua-thien-duong-du-lich-kbang-ky-cuoi-dau-tu-gan-voi-bao-ton-ban-sac-post297958.html