Mỏ dầu 700 triệu USD nhận FID, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) và PV Drilling (PVD) hưởng lợi lớn?
Mỏ Lạc Đà Vàng (Việt Nam) với quy mô đầu tư gần 700 triệu USD vừa nhận được Quyết định đầu tư cuối cùng. Qua đó mở ra kỳ vọng tạo nguồn công việc lớn cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (mã cổ phiếu PVS) và PV Drilling (mã cổ phiếu PVD) trong thời gian tới.
Ngày 3/11, tập đoàn khai thác dầu Murphy Oil (Mỹ) đã ra Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho mỏ Lạc Đà Vàng tại Việt Nam và đặt mục tiêu khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên (First Oil) từ mỏ này vào năm 2026. Trước đó, vào tháng 6/2023, kế hoạch phát triển mỏ Lạc Đà Vàng (FDP) đã được phê duyệt với quy mô đầu tư 693 triệu USD.
Việc tiến hành triển khai mỏ Lạc Đà Vàng được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn công việc mới cho nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam, trong đó Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) và Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD) có thể hưởng lợi lớn nhất.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang đấu thầu hợp đồng 283 triệu USD
Cụ thể, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang đấu thầu xây dựng 01 giàn xử lý trung tâm và 01 giàn đầu giếng với tổng giá trị hợp đồng là 283 triệu USD, dự kiến xây dựng từ năm 2024 - 2026.
Nhiều tổ chức tài chính nhận định với kinh nghiệm và năng lực đã được chứng minh qua loạt dự án trong và ngoài nước, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí nhiều khả năng sẽ giành được các hợp đồng trên.
Hiện hãng Chứng khoán Vietcap kỳ vọng Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ được trao thầu các hợp đồng trên vào cuối năm nay hoặc muộn nhất trong quý 1/2024. Chứng khoán Vietcap ước tính, nếu giành được các hợp đồng này, công việc từ mỏ Lạc Đà Vàng có thể đóng góp 11 triệu USD vào tổng lợi nhuận của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2028, tương đương 3% lãi ròng của công ty này trong giai đoạn 2024 - 2028.
Ngoài ra, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng đang đấu thầu hợp đồng cho thuê kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO/FPSO), dự kiến bắt đầu cho thuê từ năm 2026 khi mỏ Lạc Đà Vàng chính thức khai thác thương mại. Đây sẽ là nguồn lợi nhuận tiềm năng chính đối với Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam từ năm 2027, theo Chứng khoán Vietcap.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là đơn vị đứng đầu trong nước về dịch vụ FSO/FPSO. Doanh nghiệp này hiện sở hữu/đồng sở hữu 06 FSO/FPSO, và cung cấp các dịch vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng 08 FSO/FPSO trong và ngoài nước.
Kỳ vọng PV Drilling tham gia gói thầu 294 triệu USD
Murphy Oil cũng đang khảo sát thị trường nhằm tìm đối tác cung ứng 01 giàn khoan tự nâng để thi công 08 giếng khoan tại mỏ Lạc Đà Vàng trong 800 ngày. PV Drilling dự kiến sẽ tham gia đấu thầu dự án này; tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.
Xem thêm: "Giá phốt pho hồi phục, lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang (DGC) sẽ tăng trở lại từ quý 4/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
PV Drilling hiện là đơn vị đứng đầu trong nước về dịch vụ khoan thăm dò và khai thác dầu. Đặc biệt, đội giàn khoan của PV Drilling đang có độ tuổi khai thác trẻ nhất so với các đối thủ trong khu vực.
Chứng khoán Vietcap ước tính nếu PV Drilling giành được hợp đồng tại mỏ Lạc Đà Vàng thì công việc khoan sẽ được tiến hành từ năm 2026 với giá trị hợp đồng ước tính lên tới 294 triệu USD, tương đương tổng doanh thu 01 năm hiện nay của PV Drilling, dựa theo kế hoạch phát triển mỏ.
Các tổ chức tài chính nhận định, việc mỏ Lạc Đà Vàng nhận được FID là thông tin tích cực cho hoạt động thăm dò & khai thác (E&P) trong nước từ năm 2024 trở đi.
Hoạt động E&P trong nước được kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới kể từ năm 2024 với loạt dự án lớn như: chuỗi dự án điện-khí Lô B-Ô Môn, mỏ Lạc Đà Vàng, mỏ Đại Hùng giai đoạn 3… Qua đó, mở ra cơ hội việc làm lớn cho loạt doanh nghiệp ngành dầu khí Việt Nam.
Mỏ Lạc Đà Vàng là một phần của Lô 15/1-05 của bể Cửu Long (Việt Nam), có sản lượng khai thác được phê duyệt 20.000 - 25.000 thùng/ngày, tương đương 10% - 12% sản lượng dầu hiện nay của Việt Nam. Giá dầu hòa vốn sản xuất của mỏ này dự kiến ở mức 65 USD/thùng, thấp hơn tới 23% so với giá dầu thô Brent hiện nay.
Murphy Oil hiện nắm giữ 40% quyền lợi của dự án với tư cách nhà điều hành; trong khi đó, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) nắm 35% và tập đoàn năng lượng SK Energy (Hàn Quốc) giữ 25% quyền lợi tại dự án.
Ngoài Lô 15-1/05 và Lô 15-2/17 ở bể Cửu Long, Murphy Oil còn vận hành hai dự án thăm dò ở Lô 144 và Lô 145 thuộc bể Phú Khánh (Việt Nam).