Mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển và tiềm lực của TP.HCM
Yêu cầu đặt ra là trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giúp giải quyết vấn đề phát triển của Việt Nam theo nghĩa lịch sử thời đại như thế nào? Từ đó, Việt Nam sớm có chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển bằng thể chế, chính sách.
Trong bài viết mới đây nhan đề "Phát triển kinh tế tư nhân- Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định một cách rõ ràng và đầy cảm hứng rằng: "Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đối mới và phát triển đất nước.". Đây không chỉ là sự ghi nhận, mà là một định hướng chiến lược của Đảng ta đối với công cuộc phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ: Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, giảm thiểu sự can thiệp hành chính, loại bỏ cơ chế "xin - cho", thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, và đặc biệt là "xóa bỏ mọi rào cản, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế". TP.HCM cam kết thực hiện nhất quán và hiệu quả các định hướng đó.
Loạt bài “Mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển và tiềm lực của TP.HCM” đi sâu phân tích áp lực thay đổi chính sách cho kinh tế tư nhân và vai trò dẫn đầu của TP.HCM.
Theo các chuyên gia chính sách, chuyên gia kinh tế, thực hiện định hướng, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế, cần trả lời câu hỏi quan trọng là: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giúp giải quyết vấn đề phát triển của Việt Nam theo nghĩa lịch sử thời đại như thế nào? Đó cũng chính là tinh thần mà Tổng Bí thư đề cập. Từ đó, Việt Nam sớm có chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển bằng thể chế, chính sách.
Mở đường bằng chính sách
Theo nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, sự xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế đặt thành phần kinh tế này về đúng vị trí, vai trò và mở đường cho khối kinh tế tư nhân phát triển.
PGS.TS. Trần Đình Thiên điểm lại các mốc thời gian quan trọng thể hiện sự thay đổi trong quan điểm, nhìn nhận của đảng và nhà nước ta về kinh tế tư nhân và ông tin tưởng rằng sự thay đổi này sẽ dẫn đến những chính sách mang tính mở đường.
Từ năm 1986, khi Việt Nam đưa kinh tế tư nhân vào nền kinh tế nhiều thành phần, nền kinh tế đã hồi sinh. Tuy nhiên, phải đến bây giờ, vai trò của kinh tế tư nhân mới thực sự được nhìn nhận là động lực quan trọng nhất. Sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt, là một điểm tựa quan trọng, tạo niềm tin vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thực tế trong thời gian qua, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, yếu, gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều.
Kinh tế tư nhân làm tốt trong tạo việc làm và đem lại thu nhập cho người lao động, đóng góp vào GDP, đóng góp vào xuất nhập khẩu. Nhưng tất cả những điều đó còn khiêm tốn, có được cải thiện nhưng chưa xứng với thực lực.

PGS.TS. Trần Đình Thiên
Về tư duy và chính sách, trong giai đoạn đầu, khu vực doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé, nhưng thái độ và tầm nhìn của nhà nước đối với khu vực này sẽ quyết định các chính sách và giải pháp phát triển.
Nếu đã lựa chọn kinh tế thị trường và xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo, thì các chính sách và chiến lược phát triển cũng phải lấy khu vực này làm trọng tâm. Hiện tại là thời điểm mang tính quyết định. Vai trò của nhà nước cần theo hướng mở đường, dẫn dắt và quan trọng nhất là xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển.
"Tổng Bí thư, Thủ tướng đặt ra những bài toán khốc liệt, gây áp lực lớn, thách thức mạnh và phải làm. Đó là các trở ngại đối với kinh tế tư nhân như thủ tục, chi phí, thời gian, các cơ hội không được tiếp cận, cơ chế xin- cho nặng, cạnh tranh bình đẳng chưa có. Việc bây giờ là gỡ các trói buộc đó. Nhưng như vậy chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải tạo ra được những cái mới, một hệ thống doanh nghiệp mới, nhập cuộc được, cùng với đó là hệ thống thể chế, chính sách mới hẳn" - PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Là doanh nhân sớm trở về Việt Nam đầu tư và trở thành một doanh nghiệp tư nhân trong nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho rằng, Việt Nam đã có sự thay đổi đáng mừng trong nhìn nhận kinh tế tư nhân.
Trước đây, nhiều doanh nhân Việt kiều từng chia sẻ thẳng thắn rằng không phải kinh tế Việt Nam không phát triển mà là không muốn phát triển. Thì giờ đây, với sự mở đường cho kinh tế tư nhân, điều đó đã thay đổi. Tuy nhiên cánh cửa cho khối doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực sự được mở rộng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)
Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, doanh nghiệp mong muốn tạo sự công bằng hơn giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tư doanh có thể tham gia vào các dự án đầu tư công lớn.
Ông Kỳ kiến nghị: "Nhà nước nên có sự công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, dự án đầu tư các vùng địa phương, ngành nghề khác nhau…vẫn có sự ưu ái không chỉ về chính sách mà về đất đai, nhà xưởng...còn doanh nghiệp tư nhân thì không có. Chúng ta nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào dự án lớn của Chính phủ".
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia cho biết, từ 2020 đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP bắt đầu có sự thay đổi. Năm 2020 là 9,65%; 2021 là 24,13%. Còn tính cả khu vực kinh tế tư nhân thì vào cuối 2023, doanh nghiệp tư nhân đóng góp 24,23%; hộ kinh doanh 23,25%; kinh tế tập thể- hợp tác xã đóng góp 2,94%. Như vậy, sự đóng góp của hộ kinh doanh rất quan trọng.
Các thống kê sơ bộ cho thấy cả nước có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ khoảng 2,1 triệu hộ có đăng ký kinh doanh và nộp thuế. Còn lại, hơn 3 triệu hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh và chủ yếu là nộp thuế khoán.
TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, cần có chính sách nâng hộ kinh doanh thành doanh nghiệp siêu nhỏ, được hỗ trợ thành lập và tiến tới thu thuế đầy đủ, bình đẳng.
"Cần phải đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, kiến tạo nền hành chính phục vụ doanh nghiệp. Tôi rất mong muốn nhà nước hãy khuyến khích hộ kinh doanh thành doanh nghiệp siêu nhỏ, không bắt buộc. Khuyến khích bằng cơ chế miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3-5 năm đầu tiên hoạt động để nuôi dưỡng nguồn thu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục để nâng cấp thành doanh nghiệp, hỗ trợ họ về sổ sách, kế toán và quản trị"- ông Lực cho biết.
Bỏ hoàn toàn cơ chế xin - cho
Doanh nghiệp mong muốn thông qua chính sách của nhà nước, thành phần kinh tế này được đảm bảo ở mức cao nhất quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực không cấm và quyền cạnh tranh bình đẳng
Hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong khi khung pháp luật chưa hoàn thiện cho việc này.

Doanh nghiệp Việt nhỏ và siêu nhỏ cần được hỗ trợ bắng chính sách
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Lê Thành kiến nghị, trong giai đoạn những quy định của pháp luật chưa cập nhật kịp những thay đổi của thực tiễn, các cơ quan chức năng nên ứng xử trên tinh thần doanh nghiệp được phép làm những gì mà luật không cấm.
Vì trên thực tế, doanh nghiệp luôn gặp những yêu cầu tương tự như vậy nên doanh nghiệp không dám đổi mới, sáng tạo và “không dám lớn”. Trong khi TP.HCM là nơi khởi đầu của nhiều đổi mới sáng tạo và “xé rào” để tạo những bước phát triển kinh tế đột quá trong giai đoạn đầu đổi mới.
"Doanh nghiệp chúng tôi liên tục gặp câu hỏi là quy định nào cho chúng tôi làm? Trong khi điều doanh nghiệp muốn hỏi là cái này có gì cấm doanh nghiệp không? Đó là cái doanh nghiệp rất mong muốn. Chính cái vướng này mà doanh nghiệp rất sợ bị hình sự hóa. Tôi cũng trả lời luôn là vì vậy mà bây giờ có thực trạng doanh nghiệp không muốn lớn, không dám lớn và không dám đổi mới sáng tạo" - ông Lễ Hữu Nghĩa trình bày.
GS.TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore thẳng thắn nhận xét, tại Việt Nam kinh tế tư nhân nói riêng và các thành phần kinh tế nói chung đang gặp phải nhiều hạn chế về thể chế, gây ra những điểm nghẽn nghiêm trọng.
Nhiều quy định hiện hành đang cho phép doanh nghiệp tồn tại, duy trì chứ chưa thực sự tạo điều kiện để phát triển, khiến kinh tế khó có bước đột phá.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn, thay đổi cơ cấu kinh tế, nắm bắt công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước phải đổi từ tư duy quản lý sang quản trị.

Cơ chế quản lý chưa yểm trợ cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
GS.TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh: "Cơ chế quản lý cũ kỹ, chỉ loay hoay với việc kiểm tra thủ tục hành chính chứ không yểm trợ cho doanh nghiệp thành đội quân tiên phong. Cho nên quản trị đòi hỏi chỉnh thể rất quan trọng là tầm nhìn tương lai của Việt Nam đi đến đâu, hình dung 2030-2045 chúng ta làm thế nào để mà thiết kế chính sách, thay cho việc chỉ nhìn xem có đúng hay không".
Thúc đẩy kinh tế tư nhân là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi các chính sách được thực hiện nhất quán, rõ ràng và công khai, khi môi trường kinh doanh được cải thiện và các doanh nghiệp tư nhân được trao cơ hội bình đẳng để phát triển, thì kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Cùng loạt bài:
Mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển và tiềm lực của TP.HCM
TP.HCM trước sứ mệnh trở thành trung tâm của doanh nghiệp tư nhân