Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM: Chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm

Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP HCM và DN Hàn Quốc năm 2025 vừa diễn ra, một số chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) khu vực Đông Bắc Á của Hàn Quốc.

Ông Michael Jaewuk Chin đánh giá TP HCM có nhiều cơ hội trở thành TTTCQT. (Ảnh: Lê Anh)

Ông Michael Jaewuk Chin đánh giá TP HCM có nhiều cơ hội trở thành TTTCQT. (Ảnh: Lê Anh)

Tại Hội nghị, đại diện Sở Tài chính TP HCM cho biết, TP đang định hướng phát triển và thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, dịch vụ tài chính và trung tâm công nghệ số. Đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính xây dựng TTTCQT TP HCM.

Đại diện Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - Xã hội TP (Viện Nghiên cứu Phát triển TP) cho biết, trọng tâm của đề án thành lập TTTCQT tại TP là phát triển các dịch vụ tài chính cốt lõi, thu hút hệ sinh thái DN tài chính đa dạng và xây dựng TP HCM thành điểm đến fintech (công nghệ tài chính) trong khu vực.

Đại diện trung tâm cho biết, hiện TP đang xem xét phương án TTTCQT của TP được phát triển dựa trên khu phố tài chính ở Trung tâm hiện hữu thuộc quận 1 và hình thành khu phố tài chính ở Thủ Thiêm. Đồng thời kêu gọi các định chế tài chính lớn, DN công nghệ và nhà đầu tư chiến lược tham gia, có khả năng xây dựng các khu phức hợp đa năng, hiện đại và cam kết bảo đảm tiến độ đầu tư, cam kết đầu tư lâu dài và quảng bá TTTCQT Việt Nam tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đặc biệt là có tầm ảnh hưởng để thu hút được các định chế tài chính lớn.

Đồng thời, TTTCQT TP HCM định hướng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), fintech, dữ liệu lớn…, tập trung các tổ chức và thị trường tài chính theo hướng cụm ngành (industrial cluster) để khai thác tác động cộng hưởng, tương hỗ của dịch vụ tài chính khác nhau và dịch vụ hỗ trợ; thu hút các nhà đầu tư phát triển các dịch vụ phụ trợ, tiện ích chất lượng cao hỗ trợ cho TTTCQT.

TTTCQT TP HCM bao gồm 3 cấu phần: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. Trong đó, TP chọn đột phá dịch vụ tài chính mới: Fintech và ngân hàng số (digital banking); kết nối fintech và các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Cùng với đó là lĩnh vực tài chính xanh: Thực hiện cơ chế, sản phẩm tài chính xanh để hỗ trợ TP chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào 2050.

Cuối cùng là sàn giao dịch hàng hóa (commodities exchange), hình thành và phát triển Sở giao dịch hàng hóa TP HCM gắn với thị trường nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, gắn với thị trường nguyên liệu sản xuất và chế biến công nghiệp ở Đông Nam Bộ, kết nối với các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu.

Tại cuộc gặp, ông Michael Jaewuk Chin, thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng Pepper Savings Bank (Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng TTTCQT khu vực Đông Bắc Á của Hàn Quốc, trong đó nhấn mạnh ba yếu tố: Xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính, cải cách quy định và đổi mới công nghệ (ngân hàng số, tài chính di động, blockchain).

Ông Michael kiến nghị chiến lược phát triển TTTCQT TP HCM là tập trung xây dựng thị trường tiềm năng tài chính chuỗi cung ứng (SCF) và xây dựng trung tâm tài chính thương mại; tạo dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tài chính số, fintech. Áp dụng tài chính xanh và hệ sinh thái tài chính bền vững.

"TP HCM có nhiều cơ hội trở thành TTTCQT của khu vực với các yếu tố lợi thế về nguồn nhân lực công nghệ cao, giá cả chi tiêu, sinh hoạt hợp lý; và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP HCM đang thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh", ông Michael nhận định

Để thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, ông Michael cũng đề xuất triển khai hệ thống trái phiếu xanh, dự án giao dịch tín chỉ carbon chung và hợp tác phát triển năng lượng tái tạo; cho rằng tài chính xanh không chỉ là chìa khóa góp phần giúp TP HCM trở thành TTTCQT, mà còn tạo đà cho sự phát triển bền vững của cả hai nước.

Số liệu công bố tại cuộc gặp cho thấy, hiện có hơn 80.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại TP HCM cùng hơn 2.000 DN Hàn Quốc đang hoạt động. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại TP với 2.286 dự án, tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ USD. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của TP và là cầu nối hiệu quả giữa hai quốc gia.

Tại cuộc gặp, đại diện UBND TP nhấn mạnh, trong bối cảnh TP đang đẩy mạnh phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, lãnh đạo TP cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, duy trì sự ổn định về chính trị, xã hội, đồng thời hỗ trợ các DN nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc, phát triển lâu dài và bền vững.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-tp-hcm-chuyen-gia-nuoc-ngoai-chia-se-kinh-nghiem-post543960.html