Mở đường cho văn hóa từ chức

Ngày 3-11-2021, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (Quy định số 41). Quy định này áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2-10-2009 của Bộ Chính trị (Quy định số 260). Quy định mới đã kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, đồng thời bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Sau đây là những điểm mới trong quy định này.

Những khái niệm mới bổ sung

Theo Quy định số 41: Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Trong khi đó, theo Quy định số 260 thì: Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên.

Cũng trong Quy định số 41: Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Còn theo quy định cũ, thì: Từ chức là việc cán bộ tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Đặc biệt, trong Quy định số 41 đã bổ sung 2 khái niệm hoàn toàn mới. Đó là, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là: Vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác. Còn vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là: Vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

Căn cứ xem xét miễn nhiệm

Cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. Trước đây, theo Quy định số 260, đối tượng này bị miễn nhiệm là do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế. Đối với những cán bộ bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm. Trước đây, quy định là 2 lần bị xử lý kỷ luật trong một hoặc hai nhiệm kỳ. Tiếp đó, trong Quy định số 41 đã bổ sung nội dung hoàn toàn mới, đó là: Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Cán bộ có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. So với trước đây, ở quy định mới đã thay cụm từ “hai năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ” thành “hai năm liên tiếp”.

Những cán bộ bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. So với trước đây, quy định mới đã bổ sung 2 nội dung: Thứ nhất là “suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thứ 2 là vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. Trong khi đó, ở quy định cũ chỉ quy định là cán bộ bị kết luận vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm. Cán bộ bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. So với trước đây, quy định mới đã bổ sung thêm về mức vi phạm “đến mức phải miễn nhiệm”.

Ngoài ra, quy định mới đã bổ sung nội dung hoàn toàn mới đó là: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

Căn cứ xem xét từ chức

Theo quy định tại Quy định số 260 thì, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý và cán bộ xin từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khỏe. Còn trong quy định mới, 2 căn cứ nêu trên đã được sửa đổi, bổ sung thành 1 căn cứ là: Cán bộ xin từ chức “do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Đồng thời, quy định mới đã bổ sung 2 căn cứ có nội dung hoàn toàn mới: Một là để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Việc bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Vì thời gian qua, có một số cán bộ là người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhưng lại để xảy ra sai phạm, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng. Nhưng việc xử lý vai trò của người đứng đầu chưa thống nhất, có đơn vị, địa phương xử lý không nghiêm do nể nang, dĩ hòa vi quý. Hai là có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Với điểm mới bổ sung thứ 2 này là nhằm thống nhất quan điểm, chủ trương của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm cán bộ được nêu trong Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Thẩm quyền cho miễn nhiệm, từ chức

Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức. Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo quy định này (Điều 4, Quy định số 41-QĐ/TW).

Không được cho từ chức nếu phải miễn nhiệm

Đây là một trong những nguyên tắc hoàn toàn mới được nêu trong Quy định số 41. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 3 của quy định có nội dung: Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Còn khoản 3, Điều 3 của Quy định số 260 không có nội dung này mà chỉ nêu, việc từ chức của cán bộ do người đứng đầu quyết định sau khi tham khảo ý kiến của các thành viên lãnh đạo khác.

Bên cạnh đó, so với quy định cũ, trong nội dung của Quy định số 41 đã tách riêng 1 điều về thẩm quyền không nêu trong nguyên tắc chung như Quy định số 260. Đó là: Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì cũng có thẩm quyền xem xét cán bộ miễn nhiệm, từ chức. Cụ thể, khi việc cho từ chức, miễn nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền cấp trên thì cấp ủy, tổ chức đảng báo cáo cấp trên đề xuất miễn nhiệm, từ chức. Và khi có đủ căn cứ, cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện miễn nhiệm, từ chức với cán bộ.

Cán bộ từ chức có thể được quy hoạch, bổ nhiệm

Đây cũng là nội dung hoàn toàn mới được bổ sung trong Quy định số 41. Cụ thể, tại Điều 10 của quy định có nêu: Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Như vậy, nội dung của Quy định số 41 có sự kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của khóa XI và XII, từ đó Trung ương đã cụ thể hóa nhiều tiêu chí để xem xét, đánh giá việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đặc biệt, những quy định mới được sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện cho cán bộ từ chức để đảm bảo linh hoạt hơn trong quá trình giải quyết đối với cán bộ, mà còn mở đường để từng bước hình thành văn hóa từ chức đối với cán bộ có năng lực yếu kém, uy tín thấp hoặc mắc sai lầm, khuyết điểm.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/128331/mo-duong-cho-van-hoa-tu-chuc