Lời giải cho mức tăng trưởng 8% của Việt Nam

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ thương mại, đầu tư, tiêu dùng nội địa đồng thời vượt thách thức về hạ tầng, lao động và biến động toàn cầu.

Sau năm 2024 ghi nhận tăng trưởng kinh tế "đánh bại" mọi dự báo từ các tổ chức tài chính quốc tế, Quốc hội tiếp tục giao Chính phủ mục tiêu tăng trưởng tích cực năm 2025 ở mức 6,5-7%, và phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay sẽ đạt 8%, thậm chí đạt 10% nếu thuận lợi.

Mục tiêu tăng trưởng tham vọng này được đặt ra với yêu cầu các địa phương đầu tàu như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng... phấn đấu tăng trưởng cao hơn mức chung cả nước.

Hiện tại, Oxford Economics, HSBC cùng dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,5% năm 2025; Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra mức tăng trưởng 6,6%; Standard Chartered dự báo 6,7%; và UOB kỳ vọng 7%, cao nhất trong các tổ chức tài chính đưa dự báo.

Dù các mức dự báo tăng trưởng kể trên thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra, đây vẫn là mức tăng trưởng đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới năm 2025.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Shantanu Chakraborty đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và năm 2025 sẽ là thời điểm then chốt để Việt Nam bứt phá.

Bài toán cho mục tiêu tăng trưởng 8%

Cụ thể, ông Shantanu Chakraborty cho biết với khát vọng đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 7%. Vì vậy, có thể hiểu việc đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 là nhằm bù đắp cho mức tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong những năm trước đây.

Tuy nhiên, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam nhấn mạnh rằng chất lượng tăng trưởng cần được chú trọng để đảm bảo tính bền vững và dài hạn. "Mục tiêu ở mức cao như vậy nên được coi như định hướng cho các nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo", ông nhìn nhận.

Dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít áp lực từ bên ngoài. Suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình căng thẳng địa chính trị xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và các chính sách bảo hộ thương mại từ chính quyền Mỹ là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thương mại và xuất khẩu của Việt Nam.

 Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam. Ảnh: ADB.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam. Ảnh: ADB.

Trong nước, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ tiếp tục là “điểm nghẽn” lớn, làm tăng chi phí hậu cần và cản trở sự phát triển kinh tế.

Ông Chakraborty chỉ ra rằng dù Chính phủ đã công bố các kế hoạch đầu tư hạ tầng đầy tham vọng, việc triển khai chậm trễ có thể hạn chế tác động tích cực mà những dự án này mang lại.

Ngoài ra, đảm bảo số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghệ cũng sẽ là bài toán Chính phủ cần giải quyết. Nhu cầu lao động kỹ năng cao đang vượt xa nguồn cung, cản trở sự phát triển của các lĩnh vực mới nổi. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh đào tạo và nâng cao tay nghề, đồng thời giải quyết những thách thức trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.

3 lời giải

Chỉ ra bài toán cho mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, lãnh đạo ADB cũng đưa ra 3 lời giải cũng là trụ cột quan trọng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay cũng như giai đoạn tiếp theo gồm: Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Cụ thể, đầu tư công được kỳ vọng tiếp tục là động lực chủ chốt. Với mức nợ công được kiểm soát tốt (ước tính 37,4% GDP vào cuối năm 2024), Việt Nam có đủ dư địa tài khóa để đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm. Đây không chỉ là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng trước mắt mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển dài hạn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn giữ vai trò quan trọng khi các doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Môi trường chính trị ổn định, cùng lực lượng lao động ngày càng nâng cao về kỹ năng, giúp Việt Nam duy trì vị trí điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư quốc tế.

Trong khi đó, tiêu dùng nội địa cũng là một động lực mạnh mẽ cần quan tâm. Tầng lớp trung lưu trẻ và đang phát triển, kết hợp với các biện pháp kích thích tài khóa và chính sách tiền tệ phù hợp, sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm và tiêu dùng trong nước. Đây là yếu tố quan trọng giúp cân bằng khi xuất khẩu gặp khó khăn bởi các rào cản thương mại và sự cạnh tranh quốc tế.

 Việt Nam có đủ dư địa tài khóa để đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Việt Nam có đủ dư địa tài khóa để đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cuối cùng, xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và nông sản, được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng, dù phải đối mặt với nhiều thách thức như trở ngại từ sự gián đoạn thương mại toàn cầu, cạnh tranh và các quy định khắt khe hơn về môi trường cũng như các biện pháp bảo hộ thương mại.

"Việc đa dạng hóa thị trường và cải thiện năng lực cạnh tranh sẽ là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu của Việt Nam", ông Shantanu Chakraborty nói.

Đồng thời vị chuyên gia này cũng cho rằng việc cải cách thể chế và thực hiện nhanh chóng các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu kinh tế năm 2025 như Chính phủ đề ra.

Cải cách thể chế và thực hiện nhanh chóng các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt mục tiêu kinh tế năm 2025

Ông Shantanu Chakraborty Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

Những tiến bộ trong Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực... và quan hệ đối tác công tư là những tín hiệu đáng mừng, nhưng cần được đẩy mạnh hơn nữa để mang lại hiệu quả thực sự.

Nếu thực hiện hiệu quả, các cải cách này sẽ giúp nâng cao hiệu quả nền kinh tế bằng cách giảm quan liêu, cải thiện dịch vụ công và cắt giảm chi phí kinh doanh, đồng thời tiếp thêm động lực cho các động lực tăng trưởng.

Theo ông Shantanu Chakraborty, trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% là thách thức không nhỏ, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực.

"Với những động lực từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, cùng sự phối hợp chính sách hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những bước tiến quan trọng trên hành trình phát triển bền vững và lâu dài", chuyên gia của ADB khẳng định.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-giai-cho-muc-tang-truong-8-cua-viet-nam-post1527382.html