Mô hình 3D tiết lộ khoảnh khắc cuối cùng dữ dội của Titanic

Hơn một thế kỷ sau thảm kịch hàng hải chấn động lịch sử, con tàu Titanic lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý - lần này là nhờ công nghệ số hóa tiên tiến.

Theo Newsweek, một bản sao kỹ thuật số 3D mới của xác tàu Titanic, do công ty lập bản đồ biển sâu Magellan Limited (Anh) thực hiện, vừa được công bố trong bộ phim tài liệu Titanic: The Digital Resurrection phát hành trên Disney+.

Mô hình này không chỉ đem lại cái nhìn cận cảnh và chân thực hơn bao giờ hết về con tàu huyền thoại, mà còn hé lộ nhiều chi tiết gây xúc động về những giây phút cuối cùng của Titanic - từ cấu trúc bị xé toạc đến sự hiy sinh thầm lặng của các thủy thủ.

Xác tàu Titanic được tái tạo bằng cách quét kỹ thuật số - Ảnh: Magellan

Xác tàu Titanic được tái tạo bằng cách quét kỹ thuật số - Ảnh: Magellan

Công nghệ đưa quá khứ sống lại

Bản quét 3D của Magellan được thực hiện bởi hai robot điều khiển từ xa mang tên Romeo và Juliet, hoạt động ở độ sâu khoảng 3.800m dưới mặt nước biển Bắc Đại Tây Dương - nơi Titanic yên nghỉ từ năm 1912. Đây được xem là cuộc quét dưới nước lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 715.000 bức ảnh và hàng triệu phép đo laser được chụp lại, ghép thành một mô hình ảo độ phân giải cực cao.

Tổng cộng, khoảng 16 terabyte dữ liệu đã được xử lý - tương đương dung lượng của hơn sáu triệu cuốn sách điện tử - để tái hiện lại Titanic trong trạng thái gần như nguyên bản, từ khung thép đến những vật dụng cá nhân bị bỏ lại.

Mô hình 3D hé lộ toàn bộ thân tàu bị tách làm đôi sau cú va chạm với tảng băng trôi. Phần mũi tàu cắm xuống đáy biển trong trạng thái gần như thẳng đứng, trong khi phần đuôi đã bị vỡ vụn đáng kể. Đây là bằng chứng trực quan củng cố các ghi chép từ nhân chứng và nhà nghiên cứu trước đó.

Mũi tàu Titanic được bảo quản tốt hơn nhiều so với đuôi tàu - Ảnh: Magellan

Mũi tàu Titanic được bảo quản tốt hơn nhiều so với đuôi tàu - Ảnh: Magellan

Một điểm đặc biệt cảm động là hệ thống lò hơi vẫn hoạt động ngay cả khi con tàu đang chìm. Theo mô phỏng, các lò vẫn sáng đèn trong những phút cuối cùng - trùng khớp với lời kể rằng những người thợ lò hơi đã tiếp tục xúc than, bất chấp cái chết cận kề, nhằm duy trì hệ thống chiếu sáng để giúp hành khách sơ tán. Hành động dũng cảm này có thể đã cứu sống hàng trăm người.

Ngoài ra, mô hình cũng tái hiện các lỗ thủng nhỏ chạy dọc thân tàu - hậu quả của cú va chạm với tảng băng. Mặc dù mỗi vết thủng có kích thước tương đối nhỏ, nhưng vì trải dài qua nhiều khoang, nước biển đã âm thầm tràn vào quá giới hạn thiết kế. Titanic được thiết kế để chịu đựng khi có 4 khoang bị ngập, nhưng cú va chạm đã khiến 6 khoang kín nước bị tràn, vượt quá khả năng chịu đựng và dẫn tới thảm họa.

Một số tài sản cá nhân của hành khách - từ vali, mũ, đến các vật dụng nhỏ khác - cũng xuất hiện trong mô hình, như những chứng tích lặng lẽ của ký ức để lại.

Các chuyên gia nói gì?

Ông Parks Stephenson, chuyên gia nghiên cứu Titanic, ví mô hình 3D như một hiện trường vụ án. “Titanic là nhân chứng sống sót cuối cùng của chính thảm họa này. Nó vẫn còn nhiều câu chuyện chưa được kể”, ông chia sẻ với BBC.

Ông Stephenson cho rằng việc có cái nhìn toàn cảnh về địa điểm đắm tàu giúp các nhà khoa học và sử gia hiểu sâu hơn về nguyên nhân chìm tàu, cách con tàu bị gãy và phản ứng của thủy thủ đoàn cũng như hành khách.

Phần đuôi tàu Titanic bị hư hỏng nặng - Ảnh: Magellan

Phần đuôi tàu Titanic bị hư hỏng nặng - Ảnh: Magellan

Trong khi đó, giảng viên kiến trúc hải quân Simon Benson từ Đại học Newcastle (Anh) nhấn mạnh tính nghiêm trọng của các lỗ thủng nhỏ trên thân tàu.

“Chúng rất nhỏ, chỉ bằng một tờ giấy, nhưng trải dài dọc con tàu, khiến nước tràn vào từ từ nhưng không thể kiểm soát, và điều đó đã định đoạt số phận của Titanic”, ông Benson nói.

Tại sao mô hình này quan trọng?

Thảm họa Titanic vào tháng 4.1912 cướp đi sinh mạng của khoảng 1.500 người, trở thành một trong những vụ đắm tàu thảm khốc nhất lịch sử hàng hải. Câu chuyện của Titanic từ lâu đã thu hút không chỉ giới nghiên cứu mà còn cả công chúng toàn cầu, từ những bộ phim Hollywood đến các chuyến thám hiểm đáy biển.

Tuy nhiên, việc tiếp cận trực tiếp xác tàu ẩn chứa nhiều rủi ro, điển hình là vụ nổ tàu ngầm Titan vào tháng 6 năm 2023 khiến năm người thiệt mạng khi đang trong hành trình khám phá xác Titanic. Do đó, mô hình 3D này được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp an toàn hơn và thân thiện hơn với môi trường đáy biển, thay vì các chuyến lặn trực tiếp gây nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm di tích.

Những gì còn sót lại của phòng nồi hơi trên tàu Titanic - Ảnh: Magellan

Những gì còn sót lại của phòng nồi hơi trên tàu Titanic - Ảnh: Magellan

Các chuyên gia sẽ tiếp tục phân tích mô hình 3D để tìm hiểu thêm về diễn biến chính xác của vụ đắm tàu, cũng như hành vi phản ứng của con người trong thảm họa. Những dữ liệu này có thể đóng góp quan trọng cho lịch sử hàng hải, nghiên cứu kiến trúc tàu và thậm chí cải thiện thiết kế tàu hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh các mô hình số hóa, vẫn có nhiều nhà thám hiểm và cá nhân giàu có tiếp tục theo đuổi mong muốn trực tiếp tiếp cận hiện trường đắm tàu Titanic, bất chấp những rủi ro nghiêm trọng.

Giữa bối cảnh công nghệ mô phỏng ngày càng chân thực, nhu cầu trải nghiệm thực tế lịch sử vẫn tồn tại song song với những thách thức liên quan đến an toàn và đạo đức khai thác di tích dưới biển sâu.

Titanic vẫn nằm yên dưới đáy đại dương lạnh giá, nhưng nhờ tiến bộ công nghệ, những câu chuyện chưa trọn vẹn của con tàu đang dần được tái hiện với độ chính xác và chiều sâu chưa từng có, mang đến một cái nhìn mới mẻ và đầy nhân văn về thảm họa này.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mo-hinh-3d-tiet-lo-khoanh-khac-cuoi-cung-du-doi-cua-titanic-231343.html