Mô hình Câu lạc bộ lấp được khoảng trống thiếu giáo viên Nghệ thuật cấp THPT?
Kinhtedothi- Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới theo định hướng giáo dục nghề nghiệp với cấp THPT. Tuy trong nhóm lựa chọn có môn Nghệ thuật nhưng do thiếu giáo viên, môn học này hầu như không xuất hiện trong mô hình tổ chức lớp của các nhà trường.
Chủ động “né” môn Nghệ thuật
Hà Nội có hiện hơn 100 trường THPT công lập nhưng số trường đưa Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) vào “thực đơn” môn lựa chọn từ năm học 2022-2023 chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nguyên tắc tổ chức mô hình lớp học đối với lớp 10 theo chương trình mới được các nhà trường áp dụng là căn cứ số lượng giáo viên thực tế, bên cạnh các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, các trường sẽ chủ động xây dựng tổ hợp và gửi đến học sinh để nghiên cứu. Từ đây, tùy theo năng lực, sở thích, sở trường của mình, học sinh sẽ đăng ký mô hình lớp học phù hợp nhất.
Với trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn), cùng các môn học và nội dung bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục An ninh quốc phòng, Lịch sử), nhà trường đưa ra tổ hợp 4 môn lựa chọn tương ứng với các lớp ban A (từ A1 đến A6) và ban D (từ D1 đến D9) và trong các mô hình này không có môn Âm nhạc và Mỹ thuật.
Với trường THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), năm học 2022- 2023 có 11 lớp 10 với định hướng ban A và ban D. Tổ hợp môn lựa chọn với ban Khoa học Tự nhiên (ban A) gồm Vật lí- Hóa học- Sinh học- Tin học và Ban Khoa học xã hội (ban D) gồm: Địa lí- Giáo dục Kinh tế & pháp luật- Vật lí/Hóa học- Tin học. Trong số các môn lựa chọn cũng thiếu vắng môn Nghệ thuật.
Khảo sát các trường THPT khác trên địa bàn TP cả khu vực nội thành và ngoại thành, tình trạng với môn lựa chọn cũng tương tự. Nguyên nhân của của tình huống do các trường THPT không có sẵn nguồn giáo viên nghệ thuật và chưa có cơ chế thuê/hợp đồng với giáo viên dạy môn học trên.
Trường Tiểu học, THCS & THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân) là một trong số hiếm hoi trường có môn Nghệ thuật để học sinh lựa chọn. Theo đó, ngay từ khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh lớp 10, căn cứ tình hình thực tế, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nhà trường đã xây dựng mô hình lớp học để học sinh đăng ký với 3 định hướng: Ban A, A1 và D. Điều đặc biệt, trong các môn học lựa chọn của trường có môn Mỹ thuật và Âm nhạc.
“Năm học 2022- 2023, trường có 7 lớp 10 thì sau khi triển khai mô hình lớp cho học sinh đăng ký, có 5 lớp học sinh chọn môn lựa chọn là Mỹ thuật và Âm nhạc”- nhà giáo Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ và cho biết, với lợi thế là trường liên cấp, trường đã hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên Nghệ thuật, do vậy việc tổ chức mô hình lớp học có môn Âm nhạc, Mỹ thuật để học sinh lựa chọn không gặp nhiều khó khăn.
Mô hình Câu lạc bộ thay thế môn Nghệ thuật?
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) thông tin: Chương trình GDPT mới đã được trường chủ động triển khai từ 2-3 năm trước và năm nay là năm tăng tốc thực hiện đúng yêu cầu của Bộ và Sở. Cụ thể, nhà trường đã xây dựng tổ hợp môn lựa chọn, tư vấn cho học sinh để các em đăng ký phù hợp năng lực, sở thích, sở trường của bản thân, sau đó trường xây dựng kế hoạch giáo dục đối với từng bộ môn.
“Với số lượng học sinh lớn nên trường gặp khó khăn về bố trí phòng học, đặc biệt phòng bộ môn. Trường chưa có phòng Âm nhạc, Mỹ thuật nên năm học 2022- 2023, trường tạm thời chưa tổ chức tổ hợp có môn học này. Giải pháp đưa ra để khắc phục đó là trường có 14 CLB, giúp đáp ứng nhu cầu, năng lực, sở thích của các em. Thời gian tới, trường đã đăng ký tuyển dụng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để có thể tổ chức mô hình lớp học có môn Nghệ thuật ở những năm sau”- nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp cho hay.
Với trường THPT Thăng Long, nhà giáo Phạm Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường có gần 20 CLB- đây là những CLB được tổ chức, xây dựng và phát triển từ nhiều khóa học trước và đến năm nay tiếp tục phát huy vai trò khi có rất nhiều học sinh đăng ký. Để duy trì chất lượng của các CLB, ngoài việc tự lên kế hoạch hoạt động thì các CLB đều có đề xuất chương trình tập huấn hàng năm.
Còn theo nhà giáo Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), tuy trường không có tổ hợp có môn Nghệ thuật nhưng nhà trường duy trì 22 CLB, trong đó có những CLB về Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật để học sinh thỏa sức tham gia. Muốn trở thành thành viên CLB, các học sinh phải trải qua vòng tuyển chọn khá gắt gao để đảm bảo mình có năng khiếu và niềm yêu thích đặc biệt với bộ môn đó.
Còn với một số trường THPT khu vực ngoại thành, số lượng CLB chưa phong phú hoặc thiếu vắng các CLB nghệ thuật thì nhà trường chọn giải pháp đẩy mạnh hoạt động phong trào, tích cực phát động hoặc giới thiệu các cuộc thi văn nghệ, vẽ tranh để những học sinh thực sự có năng khiếu tham gia. “Từ khóa học sau, dựa theo sở thích, năng khiếu của học sinh, nhà trường sẽ nghiên cứu tổ chức các CLB nghệ thuật để vừa tạo sân chơi, vừa góp phần chắp cánh cho các em có đam mê nghệ thuật”- nhà giáo Vũ Trí Thức- Hiệu trường THPT Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức) chia sẻ.
Tuy mô hình CLB ở các trường THPT hoạt động hiệu quả và có vai trò rất tích cực nhưng về lâu dài vẫn không thể thay thế được môn Nghệ thuật trong chương trình THPT chính khóa. Do đó, việc sớm xây dựng, bố trí, tổ chức nhóm môn học có Nghệ thuật ở cấp THPT để học sinh lựa chọn không những là yêu cầu bắt buộc của chương trình GDPT mới mà còn là nguyện vọng của học sinh và phụ huynh.