Mô hình đại học hai cấp có vấn đề, cải tiến ra sao?
Theo GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, với những người làm chuyên môn, cái khó nhất của mô hình đại học hai cấp không phải về mặt quản lý, mà ở việc giải thích về mô hình này khi làm việc với các đối tác nước ngoài.
Ngày 14/5, Bộ GD-ĐT tổ chức Tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
Theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Bộ GD-ĐT nhìn nhận về tổ chức và quản trị cơ sở giáo dục đại học, Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định về các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình hai cấp) có nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ.
Do đó, một trong những nội dung được đưa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi là tăng cường tự chủ, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học và hiệu lực quản lý nhà nước, nhằm giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; hiệu quả hoạt động của mô hình đại học hai cấp (có trường thành viên, có đơn vị trực thuộc);...
Nước ngoài họ không hiểu giáo dục đại học Việt Nam như thế nào mà lại có “university trong university”
Tại Tọa đàm, chia sẻ góc nhìn liên quan đến mô hình đại học hai cấp, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ nhất trí với đánh giá của Bộ GD-ĐT về việc mô hình này đang gặp những vướng mắc.

GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Hiệp
Ông chia sẻ, với những người làm chuyên môn, cái khó nhất của mô hình đại học hai cấp không phải về mặt quản lý, mà ở việc giải thích về mô hình này khi làm việc với các đối tác nước ngoài.
“Chúng tôi giới thiệu là university, ở trên lại có một university nữa. Nước ngoài họ không hiểu giáo dục đại học Việt Nam như thế nào mà lại có “university trong university”. Tôi nhất trí rằng mô hình đại học hai cấp có vấn đề và chúng ta phải rà soát”, ông nói.
Liên quan đến vấn đề Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh bày tỏ nhất trí rằng đây là mô hình quản trị rất phù hợp trong quá trình tự chủ của các trường, nhưng cần có quy định để hoạt động đi vào thực chất, có đóng góp nhiều hơn. Hiện nay tại nhiều cơ sở giáo dục đại học, Hội đồng trường còn ở mức độ hình thức, chưa thực nắm vai trò quản trị.
Trường đại học thành viên rơi vào cảnh "một cổ hai tròng"
PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, nếu Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có thể nghiên cứu bỏ mô hình đại học quốc gia, đại học vùng sẽ thể hiện tính mới, đột phá của Luật này.

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng. Ảnh: Trần Hiệp
Theo ông Hải, mô hình đại học quốc gia ra đời những năm 1995 - 1996 với cách nhìn khác hiện tại, đại học quốc gia được đưa nhiều trường thành viên vào và lập rất nhiều khoa. Những năm qua, các khoa này lần lượt trở thành trường thành viên, có những trường quy mô nhỏ với hơn 100 giảng viên, vài nghìn sinh viên.
"Khi tôi nói chuyện với các giáo sư nước ngoài, họ thường hỏi về mô hình đại học hai cấp của chúng ta hoạt động ra sao. Liệu trên thế giới có nước nào giống chúng ta, có đại học hai cấp hay không?", ông Hải nói.
PGS.TS Bùi Xuân Hải nhìn nhận, về mặt quản lý nhà nước, mô hình đại học hai cấp khiến các trường đại học thành viên rơi vào cảnh "một cổ hai tròng", trái với nguyên tắc tự chủ đại học. Nếu xác định các trường thành viên là cơ sở giáo dục đại học thì cần để họ tự chủ như các trường độc lập khác, để các trường thành viên có thể tự chủ, phát triển tốt hơn.
“Chúng ta không thể xếp ngang hàng cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam gồm từ đại học quốc gia, đại học vùng, đại học, trường đại học, học viện. Tôi ủng hộ ý kiến phát triển thành đại học nhưng ở trong là các trường (school hay college), không thể là “một pháp nhân nằm trong pháp nhân”, ông nói.
PGS.TS Bùi Xuân Hải cũng đề xuất khi bỏ mô hình đại học quốc gia, đại học vùng, nên phát triển, hợp nhất các trường thành viên quy mô nhỏ cùng với nhau. “Duy trì những trường đại học quá nhỏ sẽ làm triệt tiêu các tiềm lực để đầu tư, phát triển, tập trung đội ngũ, tập trung nguồn lực tài chính. Do vậy, cần nhắc có tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu để tồn tại với tư cách là một cơ sở giáo dục đại học”, ông đề xuất.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu. Ảnh: Trần Hiệp
Mỗi đơn vị có sứ mạng riêng, vị thế riêng
Trả lời về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng đây là những bất cập của mô hình đại học hai cấp, không phải chuyện bỏ đại học quốc gia và đại học vùng.
Theo Thứ trưởng, đại học quốc gia và đại học vùng là những đơn vị được Nhà nước quản lý theo sứ mạng, có sứ mạng riêng, vị thế riêng, là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm.
“Chúng ta cần bàn về việc quản trị bên trong, không phải vấn đề bỏ đại học quốc gia hay đại học vùng, mà phải xem lại mô hình đó nên đề xuất cải tiến thế nào”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, sửa đổi Luật lần này là cơ hội để thực hiện điều chỉnh căn bản, toàn diện Luật Giáo dục đại học. Từ đó, khắc phục những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc lớn trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua; cũng như thể hiện tinh thần đổi mới, đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn mới, với những chủ trương, chính sách đổi mới rất quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Có 6 nhóm chính sách quan trọng dự kiến được đưa ra trong dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời;
Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học;
Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; Thay đổi cách thức tiếp cận quản trị chất lượng trong hoạt động đảm bảo chất lượng.