Tầm quan trọng của HĐT trường ĐH thành viên thuộc đại học quốc gia, đại học vùng

Nếu loại bỏ Hội đồng trường tại các trường đại học thành viên thuộc các đại học quốc gia và đại học vùng thì không phù hợp với chủ trương tự chủ đại học...

Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học và thực hiện chủ trương tự chủ đại học theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, việc tổ chức mô hình quản trị trong các đại học – đặc biệt là đại học vùng và đại học quốc gia cần được xem xét một cách thận trọng, khoa học và nhất quán với định hướng phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Hiện nay có ý kiến đề xuất loại bỏ hội đồng trường tại các trường đại học thành viên thuộc các đại học quốc gia và đại học vùng, thay vào đó chỉ duy trì một Hội đồng đại học cấp trên. Đây là quan điểm không phù hợp với chủ trương tự chủ đại học, không phù hợp với thực tiễn cũng như lịch sử phát triển của các trường đại học thành viên.

Cơ sở pháp lý

Khoản 2, Điều 16, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) quy định rõ: "Hội đồng trường là cơ quan thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu, có quyền quyết định và giám sát việc thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học."

Đây là nền tảng pháp lý khẳng định rằng mỗi cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cả trường đại học thành viên, đều cần có Hội đồng trường để thực hiện các quyền tự chủ một cách thực chất.

 Ảnh minh họa: H.A

Ảnh minh họa: H.A

Cũng theo Điều 8, Luật số 34/2018/QH14: "Đại học quốc gia, đại học vùng là cơ sở giáo dục đại học đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia hoặc vùng..."

Mô hình của các đại học này là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có các trường đại học thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ, có lịch sử phát triển, thương hiệu và hoạt động quản trị tương đối độc lập. Do đó, việc mỗi trường thành viên có Hội đồng trường không chỉ phù hợp với Luật mà còn bảo đảm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giúp mỗi trường thực thi nhiệm vụ gắn với đặc thù chuyên môn.

Thực tiễn phát triển và hiệu quả của mô hình hội đồng trường tại các trường đại học thành viên

Các trường đại học thành viên đã hình thành hội đồng trường từ sớm và đang hoạt động tương đối hiệu quả. Điều này thể hiện qua:

Việc xây dựng chiến lược riêng biệt, phù hợp với đặc thù ngành nghề và sứ mệnh của từng trường.

Tăng cường trách nhiệm giải trình, quản trị nội bộ tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực xã hội hóa, kết nối doanh nghiệp, cựu sinh viên, đối tác quốc tế trong phát triển chương trình và hỗ trợ sinh viên.

Nếu xóa bỏ hội đồng trường tại các trường đại học thành viên sẽ dẫn tới: Mất đi cơ chế giám sát, quyết định chiến lược phù hợp với từng đơn vị; Tăng tính hành chính tập trung từ đại học cấp trên, triệt tiêu động lực sáng tạo; Gây đình trệ, chồng chéo trong quản lý và triển khai hoạt động của các đơn vị thành viên.

Nghị quyết Trung ương và chủ trương chính trị khẳng định vai trò Hội đồng trường

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2017 đã chỉ rõ: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường.”

Cụ thể, nghị quyết nêu rõ định hướng: Bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng trường, nhằm thống nhất lãnh đạo chính trị và quản trị hành chính, tạo điều kiện để tự chủ đi vào chiều sâu.

Áp dụng tinh thần này vào các trường đại học thành viên, chúng ta không thể triệt tiêu vai trò của Hội đồng trường bằng cách xóa bỏ hoặc hợp nhất một cách cơ học vào hội đồng đại học cấp trên. Việc đó đi ngược lại xu hướng tăng quyền cho cơ sở, đồng thời mâu thuẫn với thực tiễn chính trị và kể cả pháp lý đang triển khai.

Về đặc thù và nhiệm vụ của đại học vùng và đại học quốc gia

Theo luật định, các đại học quốc gia và đại học vùng được giao nhiệm vụ phục vụ lợi ích chiến lược của quốc gia hoặc vùng, không đặt trong môi trường cạnh tranh sòng phẳng với các đại học ngoài công lập hay đại học chuyên ngành đơn lẻ.

Vì vậy, trong khi đại học quốc gia và đại học vùng cần có cơ chế quản trị tổng thể (Hội đồng đại học) thì các trường đại học thành viên càng cần tự chủ sâu hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao một cách linh hoạt, chủ động, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, và nhu cầu liên kết, đổi mới, sáng tạo rất cao.

Không thể "đồng hóa" mô hình trường đại học thành viên trong các đại học quốc gia và đại học vùng với các trường trực thuộc các Đại học vừa mới thành lập mới sau khi Luật số 34 có hiệu lực.

Kết luận và kiến nghị

Thứ nhất, không nên xóa bỏ Hội đồng trường tại các trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia và đại học vùng. Việc này không phù hợp với thực tiễn và đi ngược với các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, cần có hướng dẫn pháp lý cụ thể và thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý để khẳng định: Trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia và đại học vùng là và đương nhiên phải có Hội đồng trường theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, đẩy mạnh thực thi mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường tại các trường đại học thành viên để thống nhất lãnh đạo, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản trị.

Thứ tư, tạo điều kiện để hội đồng trường thực hiện tốt vai trò quyết định chiến lược, kiểm soát quyền lực và giám sát toàn diện, nhằm phát triển bền vững từng trường thành viên gắn với chiến lược chung của đại học quốc gia hoặc đại học vùng.

Thứ năm, cần thiết phải có một Nghị định hướng dẫn riêng cho đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học sư phạm và trường đại học y dược. Đây là những cơ sở giáo dục đại học đặc biệt, có sứ mệnh quan trọng về chiến lược quốc gia, cần có cơ chế ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước và chính sách phát triển đặc thù về tổ chức, quản trị, nhân lực, chương trình đào tạo và nghiên cứu.

Hiện nay, Việt Nam có 2 đại học quốc gia bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 3 đại học vùng: Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế.

Hà An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tam-quan-trong-cua-hdt-truong-dh-thanh-vien-thuoc-dai-hoc-quoc-gia-dai-hoc-vung-post251336.gd