Mô hình 'Dân vận khéo' trong bảo đảm an ninh trật tự
Những năm qua, các mô hình 'Dân vận khéo' bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) được lực lượng công an các cấp trong tỉnh xây dựng, triển khai đem lại hiệu quả tích cực, tạo sự đồng thuận, huy động được sức mạnh của cả cộng đồng trong công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Thành phố Phủ Lý là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, thu hút nhiều dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Xác định thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ góp phần trực tiếp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình dự án, đặc biệt là những dự án trọng điểm, nhưng đây lại là khâu khó, phức tạp nhất, là “nút thắt” của không ít dự án. Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện công tác đền bù GPMB một số dự án ở thành phố gặp khó khăn, trong đó có một phần nguyên nhân được xác định là do công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa hiệu quả. Sự hiểu biết của người dân về chính sách bồi thường GPMB chưa đầy đủ, nhân dân chưa đồng thuận về giá bồi thường từng thời điểm, có sự so sánh giữa các địa phương. Vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng xấu, phản động lợi dụng kích động các hộ dân trong diện thu hồi đất không đồng thuận với các quyết định của Nhà nước, dẫn đến khó khăn trong thu hồi đất ở một số dự án, thậm chí phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo và khiếu kiện trong nhân dân...
![Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID và app Báo cháy 114 tại phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_427_51469420/b73a328b03c5ea9bb3d4.jpg)
Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID và app Báo cháy 114 tại phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên.
Nhận thức rõ điều đó, tháng 3/2022, Công an thành phố Phủ Lý cùng các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố triển khai mô hình “Liên kết bảo đảm ANTT và vận động nhân dân thực hiện tốt công tác GPMB triển khai các dự án trên địa bàn”. Mô hình nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong công tác bồi thường GPMB gắn với nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương. Quá trình triển khai thực hiện mô hình, lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân tại địa bàn thực hiện dự án theo hướng chặt chẽ, kiên trì, toàn diện, chắc chắn từng bước theo phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, “Đối tượng nào, phương pháp ấy”. Cùng với đó, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên, người cao tuổi, người có uy tín, chức sắc tôn giáo; phân các hộ theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, trên nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau”; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc liên quan đến công tác bồi thường GPMB. Đồng thời, tổ chức các phương án cưỡng chế quyết định thu hồi đất bảo đảm an toàn, đúng quy định đối với các hộ không chấp hành tại một số dự án...
Mô hình này sau khi được triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân, nhất là các hộ dân trong diện thu hồi đất. Do đó, tính từ tháng 3/2022 đến tháng 12/2024, lực lượng công an thành phố cùng các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp tuyên truyền để 4.584 hộ bị ảnh hưởng của 127 dự án nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB với số tiền 472,18 tỷ đồng. Trong đó, riêng dự án Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo đã tuyên truyền, vận động 1.365/1.404 hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng...
![Các doanh nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù tại huyện Bình Lục.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_427_51469420/308eba3f8b71622f3b60.jpg)
Các doanh nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù tại huyện Bình Lục.
Cụ thể hóa nội dung công tác dân vận vào phong trào thi đua “Dận vận khéo”, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh tham mưu Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai mô hình “Phiên chợ của tình người”; tư vấn giới thiệu việc làm, vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phối hợp với công an các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, nắm chắc đối tượng chấp hành xong án phạt tù hằng năm trở về địa phương; phấn đấu từ 30-40% tổng số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được bồi dưỡng, tạo điều kiện tìm kiếm, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh phù hợp với sức khỏe, khả năng... Từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức 8 “Phiên chợ của tình người”, phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 628 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; phối hợp trao tặng 56 suất học bổng, 428 suất quà cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 800 triệu đồng; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ vay vốn cho 114 người chấp hành xong án phạt tù với tổng dư nợ đạt 14,6 tỷ đồng.
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” đem lại hiệu quả thiết thực, lực lượng công an các đơn vị, địa phương luôn bám sát địa bàn, lựa chọn nội dung, hình thức hoạt động phù hợp; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện. Nội dung thi đua “Dân vận khéo” tập trung vào việc xây dựng, nhân rộng các mô hình về tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chính sách bồi thường GPMB, tham gia tố giác tội phạm; tham gia phòng, chống ma túy tại nơi cư trú; xây dựng khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng nông thôn mới; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì có hiệu quả hoạt động của 106 mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực bảo đảm ANTT. Trong đó, 3 mô hình: “Phiên chợ của tình người”, “Liên kết bảo đảm ANTT và vận động nhân dân thực hiện tốt công tác GPMB triển khai các dự án trên địa bàn thành phố Phủ Lý” và “Dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở trong khu công nghiệp thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” được Bộ Công an ra thông báo nhân rộng toàn quốc.
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 mô hình “Dân vận khéo” và mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT trên địa bàn.