Mô hình 'Địa chỉ tin cậy'- chỗ dựa cho phụ nữ bị bạo hành gia đình

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và tuyên truyền về bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tập trung củng cố, nâng cấp mô hình 'Địa chỉ tin cậy', qua đó nâng cao nhận thức pháp luật, xóa bỏ định kiến về giới, hạn chế các vụ bạo hành gia đình.

Tìm thấy chỗ dựa

Mô hình “Địa chỉ tin cậy” do Hội LHPN Việt Nam triển khai từ năm 2013. Đến nay, toàn tỉnh có 233 "Địa chỉ tin cậy" với hơn 3 nghìn thành viên ở 217 cơ sở hội. Thành viên mô hình gồm: Cán bộ phụ nữ, công an, tư pháp, y tế, văn hóa, người có uy tín trong cộng đồng. Hoạt động mô hình do hội phụ nữ cơ sở quản lý, tổ chức và có nơi tạm lánh đặt tại trạm y tế, trụ sở UBND hoặc công an các xã, thị trấn (nơi thường xuyên có người túc trực, bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân).

 Cán bộ phụ nữ xã Đồng Tiến (Yên Thế) vận động người có uy tín trên địa bàn tham gia mô hình "Địa chỉ tin cậy".

Cán bộ phụ nữ xã Đồng Tiến (Yên Thế) vận động người có uy tín trên địa bàn tham gia mô hình "Địa chỉ tin cậy".

Đồng chí Nguyễn Thị Dung Lan, Trưởng Ban Gia đình xã hội - Kinh tế (Hội LHPN tỉnh) cho biết: “Thông qua mô hình, các thành viên tiếp nhận, hỗ trợ, thông báo cho nạn nhân bị bạo lực cách ứng phó, đồng thời bảo đảm an toàn, bảo vệ bí mật thông tin người báo tin và nạn nhân. Nhờ đó, nhiều chị em đã tìm được chỗ dựa để tâm sự, chia sẻ về những xung đột trong gia đình, lánh nạn khi bị bạo hành”. Hơn 10 năm triển khai, các địa chỉ đã tham gia hỗ trợ, giải quyết hơn 700 vụ việc về hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

Toàn tỉnh hiện có 233 mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng với hơn 3 nghìn thành viên ở 217 cơ sở hội. Từ năm 2013 đến nay, các địa chỉ đã tham gia hỗ trợ, giải quyết hơn 700 vụ việc về hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

Đơn cử như trường hợp của chị H ở xã Lục Sơn (Lục Nam). Đến giờ chị H vẫn chưa thể quên những trận đòn vô lý của chồng chị là anh T cách đây nhiều năm. Mỗi khi anh T ra ngoài uống rượu say, về nhà lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Có lần chị H phải nhập viện cấp cứu vì thương tích nặng. Thế nhưng chị không dám kể với ai vì e ngại, xấu hổ. Năm 2018, Hội LHPN xã Lục Sơn củng cố mô hình, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Sau nhiều lần được tuyên truyền, chị H đã thay đổi suy nghĩ, mở lòng để tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng. Từ chia sẻ của chị H, các thành viên "Địa chỉ tin cậy" xã Lục Sơn đã gặp gỡ anh T để phân tích, cảnh báo về hệ lụy của lạm dụng rượu bia, hành vi bạo hành. Anh T dần thay đổi, chăm chỉ làm việc, cùng chị H chăm sóc con cái.

Một trong những hoạt động của mô hình là hỗ trợ người bị bạo hành lánh nạn. Tại huyện Lạng Giang đã có hàng chục hội viên, phụ nữ được tư vấn, giúp đỡ, cưu mang, lánh nạn. Chị L ở thôn Dâu (xã Quang Thịnh) nhớ lại: “Trước đây, tôi bị chồng kiểm soát, ngăn cấm không cho giao tiếp ngoài xã hội vì nghĩ rằng phụ nữ thì phải ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Mỗi khi tôi phản đối đều phải hứng chịu những trận đòn roi và bị đuổi ra khỏi nhà. Khi đó, Hội LHPN xã đưa tôi tới phòng lánh nạn tại UBND xã ở tạm. Bên cạnh đó, các chị còn kết nối, phân tích để hai vợ chồng tôi hiểu những điều nên và không nên trong cách ứng xử. Nhờ đó, chúng tôi hiểu nhau hơn, gia đình cũng êm ấm trở lại”.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã bảo vệ nhiều chị em trước hành vi bạo hành, giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn hạnh phúc, sống thuận hòa. Phát huy kết quả đó, năm 2021, Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo Hội LHPN các địa phương đưa việc củng cố, nâng cấp hoạt động của mô hình vào nội dung của Dự án 8. Khi nâng cấp, mô hình tại các xã, thị trấn được bố trí phòng tạm lánh riêng và trang bị đồ dùng sinh hoạt như giường, chiếu, chăn, gối... thay vì sử dụng các phòng chức năng của các tổ chức đoàn thể để làm địa chỉ tạm lánh như trước đây. Từ đó bảo đảm việc ăn, ở, sinh hoạt cho người dân khi tới tạm lánh.

Quá trình củng cố, Hội LHPN tỉnh, các huyện có Dự án 8 (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang) đã tổ chức gần 30 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho gần 60 nghìn lượt người. Sau nhiều lần tham gia các lớp tập huấn, anh Trần Thế Đương thành viên “Địa chỉ tin cậy” xã Đồng Vương (Yên Thế) đã biết cách thu thập thông tin đa chiều thông qua hàng xóm, người thân của những nạn nhân bị bạo hành. Đồng thời tìm hiểu kỹ nguyên nhân của sự việc để lựa chọn cách hòa giải phù hợp. Để thành viên các mô hình gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động cũng như nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, vừa qua, Hội LHPN các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế tổ chức các cuộc giao lưu mô hình “Địa chỉ tin cậy”.

Bên cạnh đó, hằng năm, Hội LHPN các xã, thị trấn phối hợp với tổ chức thành viên, tiến hành củng cố, kiện toàn các “Địa chỉ tin cậy”. Rà soát, nắm tình hình, lập danh sách những trường hợp có nguy cơ bị bạo hành, cần trợ giúp, tư vấn, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở chủ động phương án hỗ trợ.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tăng cường kiểm tra hoạt động của mô hình tại 5 huyện có Dự án 8, qua đó tổng hợp những cách làm hay, mặt hạn chế để rút kinh nghiệm, khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình. Tập trung nắm bắt tình hình để cảnh báo kịp thời các gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực, nâng cao hiệu quả ngăn ngừa các vụ bạo lực trên địa bàn. Cùng đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, người có uy tín tại cộng đồng dân cư xây dựng các địa chỉ tin cậy tại thôn, bản nhằm hỗ trợ kịp thời những trường hợp bị bạo lực gia đình, từng bước thay đổi hành vi của người dân, thực hiện tốt công tác bình đẳng giới.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mo-hinh-dia-chi-tin-cay-cho-dua-cho-phu-nu-bi-bao-hanh-gia-dinh-090531.bbg