Mô hình hợp tác công - tư được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả
Bà Đoàn Thị Tố Uyên, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực văn hóa, hợp tác công - tư trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể là khó khăn, phức tạp nhưng, thực tế cho thấy, mô hình hợp tác công - tư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, triển khai và đem lại hiệu quả.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, tại Điều 38. Thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư nêu Hội đồng Nhân dân thành phố (HĐND TP) Hà Nội được áp dụng phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là PPP) đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và pháp luật có liên quan; HĐND TP Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, thể thao, văn hóa.
Theo đó, nếu chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước, các dự án đầu tư trong lĩnh vực này sẽ kéo dài thời gian và khó có thể có nhiều dự án lớn, trong khi nhu cầu của xã hội ngày một cao (cả về lượng và chất). Cho dù công trình đã hoàn thành nhưng việc quản lý, vận hành, duy trì vẫn đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ, cả về nhân lực và tài lực.
Trong khi đó, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, của xã hội vào các dự án, công trình công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, thì việc đầu tư sẽ nhanh chóng hơn, triệt để hơn và có thể thực hiện được nhiều dự án hơn do có thêm nguồn kinh phí, việc vận hành, duy trì cũng sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Và kết quả là cả Nhà nước, tư nhân và người dân đều có lợi.
Trong lĩnh vực văn hóa, hợp tác công - tư trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể là khó khăn, phức tạp nhất bởi phải đảm bảo tính nguyên gốc, toàn vẹn, an toàn của bản thân di sản và không gian cảnh quan xung quanh trong khi phải có các hình thức phát huy giá trị di sản hiệu quả mới có thể thu hút được tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình hợp tác công - tư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, triển khai và đem lại hiệu quả.
Ở Việt Nam, một số di sản đã thực hiện việc hợp tác này và lợi ích đem lại cho các bên là không thể phủ nhận, như Khu di tích - danh thắng Yên Tử, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, Khu Phong Nha - Kẻ Bàng…
Theo bà Đoàn Thị Tố Uyên, hợp tác công - tư trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiểu một cách căn bản là sự bắt tay đồng thuận của Nhà nước và DN để cùng nhau bảo vệ, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của di sản, chứ không chỉ đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, nguồn lực văn hóa, xã hội, tài nguyên tự nhiên, kinh nghiệm quản trị, mà cao hơn là cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy di sản gắn với bảo tồn một cách bền vững.
Hoạt động này đặt bảo tồn di sản là trung tâm, người dân trong khu di sản là chủ thể, các doanh nghiệp (DN) là động lực để biến các giá trị thành giá cả, để di sản trở thành tài sản, hướng tới cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, có khả năng thích ứng. Người dân, DN vừa có trách nhiệm, vừa có quyền lợi rõ ràng, được hưởng lợi từ di sản, từ đó, cộng đồng sẽ ý thức hơn về những gì mà tổ tiên, ông cha ta trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.
“Bằng mô hình hợp tác công - tư, chúng ta có khả năng thu hút các nguồn lực, năng lực sáng tạo, chủ động của khu vực tư nhân, sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong tạo lập, cải thiện kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị di sản. Lợi thế của mô hình này là thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm và lợi ích gắn bó của các bên, cải thiện trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, giải quyết vấn đề quản lý khai thác kém hiệu quả, giúp phát triển du lịch di sản theo hướng bền vững.
Với di sản, hợp tác công - tư tưởng như khó thực hiện nhất nhưng vẫn có thể thực hiện, thì với các lĩnh vực khác của văn hóa, hoạt động này hoàn toàn có thể thực hiện”, bà Đoàn Thị Tố Uyên nhấn mạnh.