Mô hình làm việc mới của công ty công nghệ thời hậu Covid

Các công ty công nghệ đang dần tiến tới việc mở cửa văn phòng trở lại như thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, cách thức làm việc sẽ không còn giống như trước nữa.

Kế hoạch làm việc từ xa của Facebook được mở rộng cho tất cả nhân viên trong dài hạn. Ảnh: Getty Images

Ưu tiên mới trong tuyển dụng

Cách đây hai năm, các cơ sở của Alphabet, Facebook và Amazon ở bờ Tây nước Mỹ lần lượt trở nên trống rỗng, khi đại dịch Covid-19 lây lan khắp nơi. Các công ty buộc phải làm quen với mô hình làm việc từ xa để vừa đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động.

Giờ đây, sau hai năm làm việc tại nhà, nhiều nhân viên lành nghề đã quen với phương thức mới và không còn hứng thú với việc quay trở lại văn phòng. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với nỗ lực tuyển dụng của các công ty công nghệ. Họ sẽ phải làm tất cả những gì cần thiết để thu hút và giữ chân đội ngũ nhân tài – những người đang có yêu cầu ngày càng cao đối với việc tự chọn lựa thời gian, vị trí làm việc.

Ngay cả khi đại dịch kết thúc, nhiều lãnh đạo các hãng công nghệ tin rằng, tính linh hoạt trong công việc sẽ trở nên ngày càng quan trọng và hoạt động tuyển dụng sẽ trở nên phân tán về mặt địa lý hơn. Các nhân viên sẽ sử dụng thời gian làm việc theo một cách thức khác so với trong quá khứ: một số giờ nhất định để cộng tác với đồng nghiệp, và những giờ còn lại để làm các công việc được phân công.

“Những ý nghĩa thường thấy của vị trí làm việc đã bị phá vỡ một cách vĩnh viễn”, Annie Dean – người đứng đầu bộ phận làm việc từ xa của Facebook trước đại dịch và hiện đang đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch phụ trách làm việc từ xa tại công ty phát triển phần mềm Atlassian cho biết.

Bà dự đoán rằng, các doanh nghiệp cố gắng buộc người lao động phải quay trở lại văn phòng theo những cách cứng nhắc sẽ mất uy tín trầm trọng trong mắt đội ngũ nhân viên của mình. “Đó sẽ không phải là con đường mà chúng tôi nên đi”.

Google mới đây đã vạch ra kế hoạch mở cửa trở lại các văn phòng của mình, trong đó yêu cầu các nhân viên đến chỗ làm vài ngày trong tuần kể từ tháng 4 tới. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Alphabet – công ty mẹ của Google, Sundar Pichai đã chia sẻ với The Wall Street Journal hồi tháng trước rằng, tương lai của công việc sẽ rất linh hoạt, và ông coi nó như một “bức tranh mới, mà trên đó chúng tôi có thể phát triển những cách thức mới mẻ hơn, giúp cả cuộc sống công việc lẫn cuộc sống cá nhân của mọi người đều trở nên viên mãn hơn”.

Một hãng công nghệ khác là Apple, hôm thứ Sáu tuần trước cũng thông báo với các nhân viên rằng, họ sẽ bắt đầu quay trở lại văn phòng làm việc một ngày mỗi tuần, kể từ 11-4 và tiến dần tới làm việc tối đa ba ngày mỗi tuần vào cuối tháng 5.

Trước đó, Twitter – một trong những công ty đầu tiên thông báo sẽ cho phép nhân viên của mình làm việc từ xa vĩnh viễn, cũng cho biết, sẽ bắt đầu mở cửa văn phòng trở lại từ ngày 15-3. Tuy nhiên, khi đưa ra thông báo, Giám đốc điều hành Parag Agrawal đã nhấn mạnh rằng, triết lý quay trở lại làm việc quan trọng nhất của công ty vẫn là sự lựa chọn của nhân viên.

“Bất cứ nơi nào bạn cảm thấy hiệu quả và sáng tạo nhất sẽ là nơi bạn làm việc, và điều này bao gồm cả làm việc toàn thời gian tại nhà. Đến văn phòng mỗi ngày? Bạn có thể lựa chọn. Một phần thời gian làm việc tại nhà, một phần thời gian làm việc tại văn phòng? Dĩ nhiên là được”, ông Agrawal chia sẻ với các nhân viên của mình.

Có vẻ như những tác động mà Covid-19 tạo ra đối với môi trường làm việc được thể hiện rõ nét hơn cả thông qua hoạt động tuyển dụng. Quan điểm này đã được nhiều giám đốc điều hành cấp cao đưa ra trong các bài đăng trên mạng xã hội Twitter.

“Địa điểm làm việc của chúng tôi trước đây là thung lũng Silicon. Giờ có vẻ như địa điểm làm việc đã chuyển lên mạng Internet”, Brian Chesky – Giám đốc điều hành của Airbnb chia sẻ trên tài khoản twitter cá nhân.

Tương tự, người đứng đầu Coinbase Global – ông Brian Armstrong cũng nhận xét, thung lũng Silicon đã chuyển từ bang California sang “đám mây”. Ông cho biết, 89% nhân viên mới tuyển dụng của sàn giao dịch tiền kỹ thuật số này, làm việc tại các vị trí bên ngoài khu vực bờ Tây nước Mỹ trong quí gần nhất, tăng mạnh so với mức 30% trước đại dịch.

Alyssa Henry – người đứng đầu bộ phận kinh doanh Square tại Công ty Block cho biết, 40% nhóm quản lý của bà không làm việc trực tiếp với các nhân viên tại cùng một địa điểm. “Công việc phân tán và không đồng bộ là hiện tại và tương lai”, bà kết luận.

Công nghệ không phải là lĩnh vực duy nhất đang nhấn mạnh yếu tố làm việc từ xa trong các chương trình tuyển dụng. Nhà sản xuất ô tô General Motors cho biết, đang có kế hoạch thuê 8.000 nhân viên công nghệ cao, trong đó nhiều người sẽ không làm việc tại trụ sở chính của hãng ở Detroit, mà tại các văn phòng như ở Austin, Texas, hoặc tại nhà.

“Vị trí làm việc sẽ không bị giới hạn ở văn phòng”, Kyle Lagunas – Trưởng bộ phận nhân sự tại GM cho biết. Ông đã nhận lời gia nhập GM hồi năm ngoái, phụ trách công việc giám sát tuyển dụng, một phần là bởi công ty vẫn cho phép ông sống và làm việc tại quê nhà – bang Massachusetts. “Tôi sẽ không bao giờ chuyển đến Detroit”, Kyle khẳng định.

Những cách thức làm việc mới

Sự thay đổi về vị trí làm việc cũng tác động lớn đến cách thức làm việc. Trong bối cảnh các đội ngũ nhân viên phân tán ở khắp nơi và bắt đầu đảm nhiệm vai trò của mình từ xa, các công ty công nghệ đã khám phá ra nhiều cách thức khác nhau để cân bằng giữa thời gian làm việc chung và làm việc riêng của mỗi nhân viên.

Với hãng công nghệ Slack Technologies, các nhân viên có thể sắp xếp thời gian làm việc của mình theo lịch trình phù hợp nhất với cuộc sống của họ. Công ty vẫn yêu cầu người lao động phải đảm bảo một số “giờ làm việc chính”, trong đó, các thành viên của từng nhóm phải sẵn sàng thực hiện các cuộc họp trực tuyến hoặc trực tiếp với đồng nghiệp. Salesforce – công ty mẹ của Slack, khuyến khích nhân viên thiết lập trạng thái “thời gian tập trung” trên nền tảng Slack khi đang xử lý công việc của mình, hoặc trạng thái “kết nối”, để báo hiệu họ đang sẵn sàng làm việc nhóm với đồng nghiệp.

Phát ngôn viên của Salesforce mới đây cho biết, hãng đã thử nghiệm cách thức mới với “Tuần lễ không đồng bộ” đầu tiên. Có đến 20.000 trong tổng số gần 70.000 nhân viên của hãng đã hủy bỏ các cuộc họp thường ngày, để tập trung nhiều thời gian hơn cho công việc của mình. Trong số những người tham gia thử nghiệm, 72% cho biết điều này giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Tỷ lệ người cảm thấy ít căng thẳng hơn cũng đạt 70%. Hiện Salesforce đã lên kế hoạch triển khai hai “tuần lễ không đồng bộ” nữa trong năm nay.

Twitter cũng đang áp dụng cách tiếp cận tương tự, trong đó, các nhóm làm việc thiết lập những khoảng thời gian chung phù hợp để làm việc nhóm. Gần đây, hãng cũng đã thử nghiệm chương trình “một tuần tập trung” đối với toàn bộ đội ngũ nhân viên, trong đó, phần lớn các cuộc họp bị hủy bỏ và mọi người có thể dành thời gian để giải quyết những công việc còn tồn đọng.

“Chúng tôi có một văn hóa rất nặng về họp hành”, Megan Gleeson – Phó chủ tịch Twitter cho biết. “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy số lượng các cuộc họp tăng mạnh trong suốt thời kỳ đại dịch, để mọi người có thể tìm thấy sự kết nối với nhau”.

Giờ đây, mọi thứ đang dần thay đổi khi Twitter khuyến khích các nhân viên nghĩ về việc thiết lập một chương trình làm việc chặt chẽ và hiệu quả hơn. Các cuộc họp sẽ được ghi âm lại, để những người không tham gia trực tiếp có thể nắm được nội dung sau đó. Cũng theo bà Gleeson, việc tiến hành một cuộc họp cũng sẽ được cân nhắc trước xem liệu nó có thực sự cần thiết hay không.

Bà Annie Dean – cựu trưởng bộ phận làm việc từ xa của Facebook cho biết, vẫn còn rất nhiều điều mà các công ty cần làm, để giúp các mô hình làm việc không đồng bộ hoạt động trơn tru. Thách thức lớn nhất cần giải quyết chính là việc các nhân viên sẽ cần làm việc trực tuyến trong thời gian bao lâu?

Trên thực tế, người lao động rất khó để có thể liên tục tập trung khi làm việc trực tuyến trong nhiều giờ liên tục, và có xu hướng thực hiện công việc ngoài khung giờ truyền thống (từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều). Bà Dean dự đoán, trong tương lai, các nhà tuyển dụng sáng suốt sẽ giúp mọi người thu hẹp khoảng thời gian phải làm việc trực tuyến với các đồng nghiệp. “Sẽ không có những kỳ vọng về việc bạn phải trực tuyến 10 giờ mỗi ngày, luôn sẵn sàng làm việc với các đồng nghiệp khác”.

Thay vào đó, các nhóm làm việc sẽ thiết lập nhiều kế hoạch đầu – cuối cho các dự án, đặt ra các nhiệm vụ và thời hạn cho các thành viên trong nhóm. Đối với một số nhóm, các mô hình làm việc kết hợp có thể mang lại hiệu quả khi mọi người cùng đến văn phòng vào các ngày nhất định trong tuần. Với một số nhóm khác, tất cả thành viên cần làm việc tại văn phòng cả 5 ngày/tuần, trong hai tuần liên tiếp, để lên kế hoạch cho một dự án. Sau đó, họ có thể làm việc tại nhà trong vài tuần khi thực hiện dự án đó, và chỉ cần đăng nhập trực tuyến.

Những cách thức gắn kết mới

Trong suốt nhiều năm, để thu hút nhân viên tới làm việc, các công ty công nghệ đã phát triển các khuôn viên văn phòng xa hoa, với đầy đủ các dịch vụ, từ massage tại chỗ, đồ ăn miễn phí cho tới các lớp tập thể dục. Giờ đây, ngay cả khi hầu hết nhân viên sẽ chỉ quay lại làm việc bán thời gian, nhiều công ty cho biết, những không gian này vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng: địa điểm để kết nối các nhân viên.

Theo một báo cáo mới từ Công ty bất động sản thương mại CBRE, các hãng công nghệ chiếm tới 37% tổng diện tích của 100 hợp đồng thuê văn phòng hàng đầu được ký hồi năm ngoái, tăng mạnh so với mức 32% hồi năm 2019.

Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, hồi năm ngoái đã ký hợp đồng thuê địa điểm tại phố Sixth Street, Austin, bổ sung 54.700 mét vuông diện tích vào không gian văn phòng mà hãng đang có trong thành phố. Theo bà Katherine Shappley, người đứng đầu văn phòng Austin của Meta, công ty hiện có 2.000 nhân viên sống ở thành phố này và dự kiến tuyển thêm 500 vị trí làm việc khác tại đây. Công ty cũng đã mở rộng không gian văn phòng của mình trong suốt thời kỳ đại dịch ở New York, Boston, Chicago và Bellevue, Wash… những nơi có rất nhiều tài năng công nghệ.

Tuy nhiên, tính chất của các văn phòng tại các công ty công nghệ đang dần thay đổi. Dropbox đã gọi các không gian của mình là “không gian sáng tạo – studio” thay vì “văn phòng”. Những “studio” như vậy, có ít bàn làm việc hơn và nhiều phòng họp, sảnh chờ cho các cuộc họp nhóm ít mang tính trang trọng hơn.

Một hãng công nghệ khác là Google đang tiến hành một loạt chương trình thử nghiệm ở Bay Area, New York, Dublin, London và Singapore để định hình lại một số cấu trúc văn phòng nhằm tăng năng suất và tính kết nối. Công ty cho biết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hiệu quả của các thử nghiệm, trước khi quyết định mở rộng về mặt quy mô.

Trong khi đó, thay vì tập trung nhân viên vào các văn phòng truyền thống, nhiều công ty khác đang tổ chức các cuộc họp bên ngoài trụ sở, tại các khách sạn, quán cà phê hoặc sân nhà của giám đốc điều hành. Salesforce cho biết các văn phòng hiện tại của họ sẽ được sử dụng để làm việc nhóm nhiều hơn và ít làm việc riêng lẻ hơn.

Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ tiến thêm một bước nữa với một dự án kết hợp giữa công việc và sức khỏe. Dự kiến trong năm nay, Salesforce sẽ đưa 10.000 nhân viên đến một địa điểm nghỉ dưỡng ở bên ngoài Santa Cruz, California, nơi các nhân viên sẽ gặp gỡ để đào tạo và gắn kết với đồng nghiệp của mình, cũng như tham gia các lớp học đi bộ đường dài, yoga và nấu ăn.

Theo nhiều giám đốc điều hành, đại dịch Covid-19 đã xé toạc ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của nhân viên. Những mối lo ngại về sức khỏe và tinh thần của người lao động sẽ tiếp tục len lỏi vào thời gian làm việc của họ. Các cuộc trò chuyện vốn chỉ diễn ra với bạn bè ngoài công ty, giờ đây đang dần trở nên tự nhiên hơn giữa các đồng nghiệp, những người đã quen với sự hỗ trợ lẫn nhau trong thời kỳ đại dịch.

Bà Francine Katsoudas, Giám đốc chính sách tại Cisco Systems, cho biết việc các nhân viên trao đổi về sức khỏe tinh thần và tình trạng cuộc sống cá nhân của họ tại nơi làm việc sẽ tiếp tục được chấp nhận rộng rãi hơn. Và dĩ nhiên, các nhân viên cũng chờ đợi sự giúp đỡ từ lãnh đạo doanh nghiệp của mình khi làm điều đó.

“Giờ đây, chúng ta đang bước vào một thế giới mà các nhà lãnh đạo phải nhận thức rõ ràng về từng nhân viên, những gì họ cần và cách thức họ làm việc hiệu quả nhất”, bà Katsoudas nhận xét. “Bởi lẽ không thể có được một mô hình phù hợp cho tất cả mọi người”.

Nguồn: Wall Street Journal, CNBC, CNN

Song Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mo-hinh-lam-viec-moi-cua-cong-ty-cong-nghe-thoi-hau-covid/