Mô hình nuôi hoẵng rừng sinh sản ở Mường Lèo

Ở bản Mạt, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, có mô hình nuôi hoẵng sinh sản của ông Lường Văn Hặc, đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định.

Ông Lường Văn Hặc kể về cái duyên đến với nghề: Năm 2013, trong một trận lũ, có một con hoẵng cái trôi cùng dòng nước và bị mắc cạn ở cánh đồng trước nhà, tôi đã bắt về nuôi. Lúc đầu chưa biết đặc tính nhảy cao của hoẵng, nên bị xổng chuồng mấy lần, nhờ phát hiện kịp thời tôi đều tìm lại được. Khi đó, nhiều người trong bản và cả thành viên trong gia đình đều khuyên tôi từ bỏ vì nó sống hoang dã trong rừng.

Đầu tiên, ông đến Hạt Kiểm lâm huyện để được hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nuôi và được cấp phép. Đến năm 2014, ông mua được một con hoẵng đực từ một người dân. Ban đầu ông chỉ nuôi để cho nó có bạn chứ không nghĩ hoẵng sẽ sinh sản được. Song 7 tháng sau, hoẵng đã có chửa và đẻ được một con hoẵng cái. Nghe tin, người dân trong và ngoài bản và cả cán bộ xã, huyện cũng đến xem. Và chỉ 7 tháng sau, con hoẵng mẹ tiếp tục đẻ thêm một con hoẵng cái nữa. Cứ như vậy, đàn hoẵng của ông Hặc cứ sinh sản đều, cứ 6-7 tháng lại đẻ một lứa; có thời điểm lên đến hơn 20 con hoẵng trong khu nuôi nhốt.

Mô hình nuôi hoẵng rừng sinh sản của ông Lường Văn Hặc.

Mô hình nuôi hoẵng rừng sinh sản của ông Lường Văn Hặc.

Khu nuôi hoẵng của gia đình ông Hặc rộng hơn 200m². Do có đặc tính nhảy rất cao, rất khó gần, nên ông phải rào thêm lưới B40 cao hơn 2m. Nuôi hoẵng rất dễ vì không kén thức ăn, các loại ngô, sắn, củ quả, rau, cây rừng chúng đều ăn được. Đặc biệt là chúng rất khỏe, từ khi nuôi đến nay, không phải tiêm phòng bệnh.

Ông Hặc cho biết: Đến nay đã xuất bán hơn 20 con hoẵng giống về các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang... Giá 30-40 triệu đồng một đôi hoẵng giống 6 tháng tuổi. Hiện, gia đình tôi vẫn còn 8 con.

Để tạo môi trường đảm bảo cho hoẵng, nền đất trong khu nuôi nhốt đã được ông Hặc đổ bê tông, dãy chuồng có mái che. Bên cạnh đó, ông còn tạo một mương nước rộng khoảng 1 mét chảy xuyên qua khu chuồng nuôi. Ngoài ra, còn trồng thêm cây vả, sơn tra vừa tạo bóng mát, vừa có quả cho hoẵng ăn.

Ông Lường Văn Hặc chuẩn bị thức ăn cho hoẵng.

Ông Lường Văn Hặc chuẩn bị thức ăn cho hoẵng.

Ông Hặc bảo: Trước đây chưa có kinh nghiệm, mỗi lần bắt giống bán, huy động rất đông người lùa bắt vừa khó khăn vừa nguy hiểm vì hay bị hoẵng đá và cắn, nhất là con đực có nanh nhọn. Do vậy, phải đào 2 cái ao rộng khoảng 20 m² trong khu vực nuôi nhốt để tiện cho việc bắt giống.

Ông Đào Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, cho biết: Mô hình nuôi hoẵng của gia đình ông Lường Văn Hặc đã được cấp phép đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc ông Hặc nuôi thành công hoẵng sinh sản đã góp phần bảo tồn giống loài và mang lại lợi ích kinh tế. Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La cũng đã mua 1 cặp hoẵng giống của ông Hặc về nuôi nhốt với mục đích là nhân giống và bảo tồn...

Mô hình nuôi hoẵng sinh sản của ông Lường Văn Hặc vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa bảo tồn loài hoẵng. Ông Hặc tiếp tục nhân đàn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cho người có nhu cầu mua giống để phát triển kinh tế từ cách làm này.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mo-hinh-nuoi-hoang-rung-sinh-san-o-muong-leo-51246