Mô hình sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ

Công nghệ sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ sử dụng dây chuyền thiết bị cơ giới tạo túi bầu tự hoại với nguyên liệu 100% chất hữu cơ phế thải như: Mùn cưa, vỏ lạc nghiền nhỏ, trấu hun. Trường Đại học Hùng Vương được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh 'Xây dựng mô hình sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy quy mô công nghiệp phục vụ sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Phú Thọ' từ năm 2021, dự án góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp.

Trường Đại học Hùng Vương hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng keo lai bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy.

Trường Đại học Hùng Vương hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng keo lai bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy.

Ưu điểm của công nghệ bầu hữu cơ siêu nhẹ là trọng lượng bầu chỉ bằng 30% so với bầu đất, do đó giảm chi phí và công vận chuyển cây giống. Các nguyên liệu tạo bầu có giá thể tơi xốp, đủ dinh dưỡng, làm cho cây sinh trưởng tốt, đây cũng là nguồn nguyên liệu có thể tận dụng sẵn có của địa phương. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển sản xuất cây giống theo quy mô công nghiệp, chủ động được cây giống cho kế hoạch trồng rừng.

Mục tiêu chung của Dự án là xây dựng thành công mô hình sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ quy mô công nghiệp (công suất 2 triệu bầu/năm) phục vụ sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Dự án đã hoàn thành đầy đủ các nội dung theo đúng tiến độ, đạt được các mục tiêu, sản phẩm theo hợp đồng và thuyết minh được phê duyệt.

Dự án đã tiến hành điều tra khảo sát, bổ sung thông tin phục vụ dự án tại các địa phương sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn về sản xuất cây giống lâm nghiệp sử dụng bầu hữu cơ siêu nhẹ. Kết quả khảo sát đã khẳng định công nghệ áp dụng trong dự án là phù hợp và có khả năng ứng dụng cao với thực tiễn sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Dự án đã nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật xử lý giá thể hữu cơ để sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ, xác định được các thông số kỹ thuật của máy đóng bầu và độ ẩm nguyên liệu trong sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ. Dự án xây dựng thành công mô hình sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy công suất 2 triệu bầu/năm, tương ứng 3.000-3.500 bầu/giờ. Số lượng bầu hữu cơ siêu nhẹ sản xuất 120.000 bầu, kích thước bầu 3,5cm x 7,0cm, độ bền bảo quản trên 12 tháng. Đồng thời xây dựng mô hình sản xuất cây giống keo lai sử dụng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy. Sau 6 tháng tuổi, giống BV16 có tỷ lệ sống 93,4%, tỷ lệ cây xuất vườn đạt 88,27%, giống BV32 tương ứng là 91,4% và 87,21%; tỷ lệ cây bị sâu bệnh hại không đáng kể trên cả 2 giống, trọng lượng bầu cây giống hữu cơ bằng 25% bầu đất.

Dự án cũng xây dựng mô hình trồng rừng keo lai sản xuất bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy có quy mô 4ha. Sau 18 tháng trồng, tỷ lệ sống của cây trồng trong mô hình đạt trên 91%, tỷ lệ cây tốt đạt trên 80%, tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây bầu hữu cơ cao hơn so với cây bầu đất. Cùng với đó, xây dựng được 3 quy trình kỹ thuật: Sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ bằng máy, sản xuất cây giống keo lai bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy, trồng rừng keo lai từ cây giống sản xuất bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy.

Dự án có tính thực tiễn, khả thi cao, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng phát triển sản xuất cây lâm nghiệp, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hộ trồng rừng, kinh doanh cây giống có cơ hội được tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh, mang lại giá trị cao về kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành lâm nghiệp tỉnh.

Ngọc Lan

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/mo-hinh-san-xuat-bau-huu-co-sieu-nhe-213783.htm