Mô hình 'Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học'
Với mục đích chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình 'Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học' tại xã Chiềng Pha (Thuận Châu), kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm rủi ro trong chăn nuôi.
Thực hiện từ tháng 8/2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã khảo sát, lựa chọn 30 hộ nghèo, cận nghèo bản Chộ Muông, xã Chiềng Pha tham gia mô hình, đảm bảo các điều kiện về chuồng trại, lao động, có khả năng tiếp nhận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chưa nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho cùng nội dung mô hình. Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ 3.000 con gà mía lai giống 1 ngày tuổi (mỗi hộ 100 con); hỗ trợ hạt giống, phân bón thuốc BVTV trồng đậu cove, rau cải; các hóa chất sát trùng, vắc xin phòng bệnh trên đàn gia cầm và thức ăn hỗn hợp. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn úm gà, cách sử dụng các loại thuốc, vắc xin phòng bệnh cho gà và sử dụng đệm lót an toàn sinh học.
Sau gần 2 tháng triển khai mô hình, các hộ nắm chắc kỹ thuật, thực hành chăn nuôi tốt, đàn gà sinh trưởng, phát triển hiệu quả. Anh Quàng Văn Nhất, bản Chộ Muông, cho biết: Ngay khi tiếp nhận 100 con gà giống và áp dụng những kiến thức chăn nuôi gà an toàn sinh học được hướng dẫn, gia đình tôi đã chủ động nguồn thức ăn, thực hiện nuôi nhốt, làm đệm lót sinh học, gà lớn nhanh, không phát sinh dịch bệnh. Chỉ gần 2 tháng chăm sóc, trọng lượng trung bình đạt 1,4 kg/con, dự kiến đến cuối tháng 11 có thể đạt 2 kg-2,2kg/con, đủ điều kiện xuất chuồng.
Còn ông Cà Văn Hao cùng bản Chộ Muông, chia sẻ: So với chăn nuôi gà truyền thống, chăn nuôi gà an toàn sinh học kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập giống, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, chủ động phòng, chống dịch bệnh, đàn gà phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, thời gian xuất chuồng được rút ngắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, mô hình hướng dẫn tận dụng triệt để chất thải chăn nuôi phục vụ tái sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Kỹ sư Nguyễn Thị Băng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thông tin: Nuôi gà sinh học làm đệm lót Balasa N01 có nhiều ưu điểm: Không phải dọn phân, rửa chuồng, thay đệm lót hàng ngày, đệm lót khử mùi hôi thối, hạn chế dịch bệnh ở đàn vật nuôi, tiết kiệm điện nước vệ sinh hằng ngày, công lao động. Với mỗi chuồng nuôi 35 m² cần 1 kg chế phẩm sinh học Balasa, 3kg bột ngô nghiền và 1,2 lít nước, chọn nguyên liệu không có độ sơ cao, không bị nước làm mềm nhũn nát, như chấu, mùn cưa. Đầu tiên giải chấu lên toàn bộ nền chuồng nuôi từ 7-10 cm chấu. Thả gà vào nuôi 2-3 ngày thì lấy men Balasa, bột ngô nghiền trộn đều với nước theo tỷ lệ trên, ủ ấm 2 - 3 ngày, sau đem rắc ra nền chuồng, rắc xong lấy cào đảo chộn men Balasa với chấu.
Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra giám sát hỗ trợ; chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học, ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế rủi ro sản xuất.
Nắm bắt nhu cầu thịt gà tăng cao vào dịp cuối năm, hiện nay, các hộ dân tham gia mô hình của khuyến nông bắt đầu sản xuất lứa gà thịt mới nhằm cung cấp thực phẩm vào dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi cần lưu ý, cuối năm không khí lạnh nên đàn gia cầm sẽ giảm sức đề kháng, hay xuất hiện cúm gia cầm. Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát, hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật giúp các hộ chăn nuôi tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán chăn nuôi chăn thả, bán chăn thả sang chăn nuôi sinh học, an toàn, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng.